Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 6 năm 2021 |
Trong 5 tháng đầu năm 2021, với các biện pháp điều hành kinh tế - xã hội và phòng chống dịch linh hoạt, Thành phố đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đạt được các kết quả tích cực[1]. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện các chùm ca lây nhiễm, trong đó nghiêm trọng nhất là chùm các ca nhiễm liên quan điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung “Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng”. Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ động ban hành Công văn số 1641/UBND-VX ngày 21 tháng 5 năm 2021, Công văn số 1726/UBND-VX ngày 27 tháng 5 năm 2021, Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30 tháng 5 năm 2021 thực hiện giãn cách toàn Thành phố theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (riêng Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên điều chỉnh, cập nhật các giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn để chỉ đạo kịp thời nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh.
Để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Kết luận số 124-KL/TU ngày 04 tháng 6 năm 2021 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, các doanh nghiệp thuộc Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 theo các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành phù hợp tình hình mới; đồng thời chủ động nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án, giải pháp trong hoạt động chỉ đạo, điều hành; tập trung bám sát cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân và các giải pháp tăng cường công tác an sinh xã hội; quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, đồng thời khẩn trương tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Giao Sở Y tế chủ trì triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19:
- Tham mưu các giải pháp bảo đảm phương châm “5K Vắc xin”; phối hợp đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch COVID-19; rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục để quản lý công tác cách ly tập trung, theo dõi chặt chẽ y tế sau cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
- Xây dựng phương án thực hiện xét nghiệm mở rộng cho người dân phù hợp trong từng khu vực, từng địa bàn dân cư trong từng thời điểm.
- Tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng tăng tần suất xét nghiệm kiểm tra để phát hiện sớm người nhiễm.
- Huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày; chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 người bệnh COVID-19.
- Tổ chức phân luồng, sàng lọc nghiêm ngặt để kiểm soát chặt chẽ trong các bệnh viện; triển khai khai báo y tế điện tử cho tất cả các phòng khám trên địa bàn.
- Chuẩn bị để tổ chức tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 và các đợt tiếp theo cho đúng đối tượng ưu tiên, đúng tiến độ, đảm bảo các yêu cầu về giãn cách, an toàn trong phòng dịch.
- Chủ động tìm kiếm, trao đổi nguồn cung ứng vắc xin cho người dân Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
2. Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội:
2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu:
- Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động Tổ công tác đầu tư và Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn Thành phố.
- Nâng cao hiệu quả Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp lần thứ 2 và các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình hiện nay.
- Tập trung tham mưu giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 trong điều kiện tác động dịch bệnh COVID-19.
- Phối hợp Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư triển khai các hoạt động kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với hình thức phù hợp.
2.2. Sở Công Thương tham mưu các giải pháp tổng thể đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá để phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
2.3. Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu triển khai:
- Thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước đảm bảo phù hợp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện trên địa bàn Thành phố thực hiện việc giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, phương án.
- Triển khai hiệu quả Chương trình cải cách hành chính và nâng cao chỉ số cải cách hành chính; hướng dẫn các đơn vị nâng cao tối đa tỷ lệ doanh nghiệp, người dân thực hiện thủ tục hành chính thông qua việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (hoặc nộp hồ sơ và nhận kết quả thông qua đường bưu điện đối với các dịch vụ công chưa đạt cấp độ 4) nhằm hạn chế tụ tập đông người.
2.4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối lượng lao động gặp khó khăn, giảm thu nhập hoặc không có thu nhập đang lao động tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; đề xuất giải pháp cùng các doanh nghiệp cho người lao động làm việc luân phiên, động viên người lao động chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp; tham mưu chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn về thu nhập, không có ký kết hợp đồng lao động, người bán vé số, bán hàng rong, giáo viên các nhóm trẻ, các trường mầm non ngoài công lập, trẻ em dưới 16 tuổi đang bị cách ly tập trung, các đối tượng gia đình chính sách, người có công cách mạng, thành viên hộ nghèo, cận nghèo, diện bảo trợ xã hội,... bị ảnh hưởng do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố.
2.5. Sở Giao thông vận tải tham mưu giải pháp quản lý hoạt động giao thông vận tải đảm bảo thích ứng, phù hợp với các tình huống, phương án giãn cách xã hội; chủ động hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện tổ chức phân luồng giao thông tại các địa bàn, khu vực thực hiện áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo duy trì hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa, sản phẩm tại thị trường nội địa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; mở rộng thanh toán điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao thông vận tải, nhất là giao thông công cộng.
2.6. Sở Thông tin Truyền thông:
- Chủ trì giới thiệu, cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành như: quản trị doanh nghiệp, ứng dụng văn phòng điện tử, thanh toán trực tuyến, chữ ký điện tử, họp từ xa...; phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn (trực tiếp, trực tuyến) các mô hình chuyển đổi số; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trên những website thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố, nhất là trên địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai ứng dụng bản đồ số thông tin về tình hình dịch COVID-19 để hỗ trợ cho người dân và chính quyền xác định các vị trí các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn và thông tin cần thiết khác phục vụ cho đời sống dân sinh, phát huy vai trò xử lý thông tin từ cổng 1022, giải đáp các thắc mắc của người dân, đồng thời chuyển ngay thông tin có liên quan cho các địa phương, các ngành có liên quan để xử lý kịp thời; vận động toàn bộ người dân cài đặt phần mềm Bluezone hoặc các phần mềm khai báo y tế khác phù hợp.
- Hỗ trợ thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai hệ thống truyền hình trực tuyến tại địa phương; tiếp tục triển khai Cổng thông tin Chuyển đổi số của Thành phố nhằm thúc đẩy nhận thức và công tác tư vấn, hỗ trợ về chuyển đổi số cho các địa phương, đơn vị.
- Chủ động và khẩn trương trong công tác truyền thông các chủ trương của Thành phố; hỗ trợ các sở - ban - ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, doanh nghiệp đưa các thông tin chính thống, kịp thời đến nhân dân trên địa bàn và các vùng lân cận Thành phố thông qua các cơ quan báo chí và trên mạng Internet; giám sát, phát hiện kịp thời và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp tung tin giả, xuyên tạc công tác phòng chống dịch của Thành phố, nhất là trên mạng Internet.
2.7. Sở Tài chính:
- Phối hợp Kho bạc Nhà nước tăng cường quản lý việc chi ngân sách, thực hiện tốt việc tiết kiệm chi và hạn chế những khoản chi phát sinh mới ngoài dự toán; phối hợp với Cục Thuế Thành phố dự báo khả năng thu và cân đối ngân sách Thành phố tháng 6 và 6 tháng cuối năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 và giãn cách xã hội.
- Tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, các sở - ban - ngành, thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Tham mưu kịp thời kinh phí phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên cơ sở tổng hợp từ các sở - ban - ngành, thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
2.8. Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu các giải pháp đảm bảo kế hoạch công tác dạy và học, kết thúc năm học cũ và triển khai năm học mới; tập trung vào việc xây dựng các phương án tổ chức các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.
2.9. Cục Thuế Thành phố:
- Tham mưu triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021; tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, tập trung, thống nhất; phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hoạt động quản lý thuế đảm bảo tính liên kết, tự động cao gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế và áp dụng thuế điện tử; triển khai ứng dụng quản lý hộ kinh doanh trên bản đồ số.
- Nắm chắc biến động tăng, giảm mã số thuế, các doanh nghiệp đang hoạt động và tình hình kê khai, nộp thuế, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nộp thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp trọng điểm, các doanh nghiệp trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ để có các biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
2.10. Cục Hải quan Thành phố:
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để cộng đồng doanh nghiệp thuận lợi nhất trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh; phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Cục Thuế Thành phố và các sở - ban - ngành Thành phố trong việc quản lý người nộp thuế, ban hành quyết định cưỡng chế thuế, hạn chế nợ thuế quá hạn khó thu hồi.
- Nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm soát, chống buôn lậu; kiểm soát ma túy, kiểm tra sau thông quan, giá tính thuế, phân loại hàng hóa, chính sách thuế; không để gian lận thương mại, buôn lậu xảy ra trên địa bàn.
2.11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố tham mưu các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động kết nối doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ,.... giải pháp hạn chế tối đa việc dùng tiền mặt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, ưu tiên tập trung hỗ trợ trên địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
2.12. Ban Quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp; Ban quản lý Khu công nghệ cao:
- Chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp hoạt động trong các Khu chế xuất - Khu công nghiệp - Khu công nghệ cao tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, nhằm phát hiện sớm nguyên nhân các ca bệnh, ổ dịch (nếu có).
- Phối hợp Sở Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện tổ chức diễn tập phương án ứng phó phòng, chống dịch tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp, đảm bảo tính khả thi, phù hợp điều kiện thực tế của phương án chống dịch.
- Chọn một số doanh nghiệp trong các Khu chế xuất - Khu công nghiệp - Khu công nghệ cao có đủ điều kiện thực hiện việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy, xí nghiệp theo đúng các quy định, đảm bảo công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội một cách hợp lý và hiệu quả.
- Xây dựng phương án phối hợp xử lý tình huống khi phát hiện người lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 và đề xuất các chế độ chính sách đối với người lao động trong tình hình dịch bệnh.
- Triển khai ký cam kết phòng chống dịch giữa doanh nghiệp với Ban Quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp, Khu Công nghệ cao và chính quyền địa phương, theo dõi, giám sát chặt việc chấp hành các cam kết đã ký.
- Yêu cầu các cơ sở sản xuất, lao động thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Tiêu chí của Bộ Y tế; kiểm tra giám sát thường xuyên công tác phòng dịch tại các nhà máy, nhà xưởng sản xuất; kiên quyết dừng hoạt động đối với các nơi không đáp ứng điều kiện phòng dịch.
2.13. Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố tham mưu báo cáo các kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố 6 tháng đầu năm, dự báo kịch bản tăng trưởng hàng quý, 6 tháng cuối năm 2021 trong điều kiện Thành phố thực hiện giãn cách xã hội và các tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
2.14. Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ đội Biên phòng Thành phố tập trung giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; thần tốc, cương quyết, tập trung mọi nguồn lực phối hợp các sở - ban - ngành, thành phố Thủ Đức và các quận - huyện xử lý triệt để các chuỗi lây nhiễm hiện nay trên địa bàn Thành phố; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường nhân lực hỗ trợ cho các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, chú trọng kỹ năng xử lý tình huống cháy xảy ra trên địa bàn Thành phố.
2.15. Các sở - ban - ngành Thành phố:
- Tăng cường chỉ đạo theo dõi, bám sát mọi diễn biến, nhằm ứng phó tốt nhất việc phòng chống dịch trong tình hình mới; chủ động rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố giao; cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các giải pháp phù hợp góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
- Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất kinh phí phòng chống dịch bệnh COVID-19 để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.
2.16. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện:
- Tập trung phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng trong việc tuyên truyền, phát hiện nhập cảnh trái phép, truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm.
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghiêm việc thực hiện các Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 do Thành phố ban hành và các Bộ tiêu chí, Hướng dẫn chung của cả nước.
- Chủ động, tích cực phối hợp với các sở - ban - ngành, các địa phương lân cận, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các nhiệm vụ theo đúng quy định; đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ theo phân cấp, ủy quyền; kịp thời báo cáo nhanh lãnh đạo Thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền, tránh trường hợp bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện.
Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, phối hợp các ngành liên quan thường xuyên theo dõi, tổng hợp thông tin để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng ước đạt khoảng 456.104 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,9%); kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%); Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 7,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 7,2%); tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 174.608,470 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
- 1Công điện 01/CĐ-UBND năm 2022 về tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 do thành phố Hà Nội điện
- 2Hướng dẫn liên ngành 489/HDLN-SGDĐT-SYT năm 2022 về công tác phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 khi học sinh trở lại trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo - Y tế thành phố Hà Nội ban hành
- 3Quyết định 167/QĐ-UBND năm 2022 quy định tạm thời về biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”
- 1Chỉ thị 15/CT-TTg năm 2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021
- 4Công văn 1641/UBND-VX năm 2021 về tiếp tục tạm dừng hoạt động một số loại hình dịch vụ để phòng, chống dịch COVID-19 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Công văn 1726/UBND-VX năm 2021 về tăng cường triển khai hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 6Công văn 1749/UBND-VX năm 2021 triển khai tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 7Công điện 01/CĐ-UBND năm 2022 về tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 do thành phố Hà Nội điện
- 8Hướng dẫn liên ngành 489/HDLN-SGDĐT-SYT năm 2022 về công tác phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 khi học sinh trở lại trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo - Y tế thành phố Hà Nội ban hành
- 9Quyết định 167/QĐ-UBND năm 2022 quy định tạm thời về biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”
Chỉ thị 09/CT-UBND về đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 09/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 04/06/2021
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thành Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 131 đến số 132
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra