Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 06 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

Trong những năm qua, ngành Y tế thành phố đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn những biểu hiện của xu hướng tăng, nếu không có các biện pháp can thiệp chủ động sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững. Mất cân bằng giới tính khi sinh có nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế và là một vấn đề liên quan đến phong tục tập quán lâu đời của người dân, thêm vào đó tình trạng lạm dụng kỹ thuật, công nghệ trong việc chẩn đoán và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn khá phổ biến nên việc kiềm chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn nhiều thách thức.

Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; Nhằm tăng cường kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

1. Sở Y tế

a) Hướng dẫn các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản trên địa bàn thành phố không cung cấp dịch vụ liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện đúng quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện việc gắn khẩu hiệu với nội dung “Tuyệt đối không cung cấp giới tính thai nhi cho khách hàng” tại nơi cung cấp dịch vụ.

b) Tập huấn bắt buộc các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi.

c) Đẩy mạnh công tác truyền thông Giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế,.... Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các luật như: Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực Gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình, …; Phổ biến các luật nêu cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.

d) Tăng cường phối hợp liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi và phá thai; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông có nội dung liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

e) Tham mưu, đề xuất khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại thành phố. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 05 tháng 12.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Có trách nhiệm phối hợp với ngành y tế tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những nội dung liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng.

b) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, các đơn vị xuất bản tuyệt đối không đưa tin, đăng tải bài viết, sản xuất, kinh doanh các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông có nội dung liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

3. Các Sở, ban, ngành thành phố

Chủ động phối hợp với ngành Y tế tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình; Tham gia giám sát việc triển khai thực hiện, đặc biệt chú trọng việc can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm tạo được sự đồng thuận của nhân dân cùng tham gia thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân các quận - huyện

a) Đưa chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của quận - huyện. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, có kế hoạch bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách của địa phương để đầu tư hỗ trợ cho các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

b) Tăng cường công tác truyền thông Giáo dục Sức khỏe để người dân, đặc biệt là đối tượng tiền hôn nhân và trong độ tuổi sinh để hiểu rõ những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi.

c) Chỉ đạo chính quyền các xã, phường - thị trấn tăng cường phối hợp với các ban - ngành liên quan của địa phương nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp can thiệp và xây dựng, ban hành các chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

d) Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trên địa bàn có cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi và phá thai; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

5. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế)

a) Tăng cường hướng dẫn các quận - huyện tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động nhằm kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh: Truyền thông - Giáo dục và vận động nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi; Triển khai thực hiện các mô hình nhằm nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em gái; Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

b) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại quận - huyện.

c) Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ hàng năm tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Y tế để báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể TP;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Các Báo, đài TP;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, THKH, TTCB;
- Lưu VT.(VX/P).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2016 về tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/06/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Thu
  • Ngày công báo: 01/07/2016
  • Số công báo: Từ số 54 đến số 55
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản