Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Hòa Bình, ngày 26 tháng 05 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Trong những năm qua, công tác quản lý Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã từng bước đi vào nề nếp. Các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân đã tham gia tích cực vào việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đã nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Nhận thức về việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước của công dân chưa cao; chưa có kinh phí để thực hiện các dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư của Quy hoạch phân bố và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hòa Bình; đa số các cơ sở thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định; các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất còn hoạt động tự do chưa có sự quản lý của cơ quan nhà nước.

Nguyên nhân chính của những hạn chế này là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa được chú trọng; các ngành, các cấp chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; sự phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ, thống nhất; kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước còn hạn chế; trong tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện để hành nghề tư vấn và khoan nước dưới đất trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, bảo vệ tài nguyên và môi trường, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này được đăng tải trên trang Website của Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa chỉ: tnmthoabinh.gov.vn; tham gia khảo sát và cho ý kiến về địa điểm thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Chỉ đạo các cơ quan chủ trì khảo sát địa điểm, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng công trình tại địa phương phải yêu cầu chủ đầu tư: Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, kiểm tra, đánh giá để xác định khả năng cung cấp nước, lưu lượng và vị trí xả nước thải, khả năng tiếp nhận nước thải của các nguồn nước cho từng dự án; đồng thời, lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp phép tài nguyên nước theo quy định nhằm đảm bảo cho dự án hoạt động ổn định, có hiệu quả, bảo vệ được tài nguyên và môi trường.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước, các văn bản quy phạm pháp luật và các thông tin về tài nguyên nước bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức thực hiện kịp thời các nội dung của Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân: thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa khác cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được phê duyệt.

- Chủ trì khảo sát thực địa, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến địa điểm cấp phép tài nguyên nước; chú trọng đến ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã và sự đồng thuận của nhân dân nơi có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước; thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép tài nguyên nước, cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép theo đúng quy định.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc: Các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định và bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ; tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được phê duyệt; khai thác, sử dụng, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, xây dựng phương án phòng chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra đúng quy định của pháp luật; các tổ chức cá nhân, thực hiện Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp với Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hòa Bình, đảm bảo đủ nguồn cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh và theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

5. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện thực hiện: cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định và bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ; Tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được phê duyệt; khai thác, sử dụng, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, xây dựng phương án phòng chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra đúng quy định của pháp luật

6. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, Ngành liên quan căn cứ khả năng nguồn vốn, cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2012.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác: Tuyên truyền, phổ biến Luật tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; rà soát, kiểm kê, thống kê, lưu trữ số liệu về các cơ sở thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan dưới đất, hành nghề tư vấn trong lĩnh vực tài nguyên nước, trám lấp giếng không sử dụng trên địa bàn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo tình hình về Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các biện pháp bảo vệ nước sinh hoạt; thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; tham gia khảo sát và cho ý kiến về địa điểm thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hoặc đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.

8. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép theo thẩm quyền trước khi quyết định đầu tư (trừ các trường hợp được miễn đăng ký, miễn xin phép theo quy định tại Điều 37 và Điều 44 của Luật Tài nguyên nước).

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UB MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công báo;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN (K90).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/05/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản