KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2002/CT-VKSTC | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2002 |
Trong thời gian vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, do đó các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội và các trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội đã giảm so với những năm trước.
Tuy nhiên, việc quản lý các trường hợp này trong ngành vẫn còn có nhiều trường hợp chưa chặt chẽ. Một số Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử. Việc kiểm tra, hướng dẫn và tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan còn chậm, chưa triệt để, một số trường hợp dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài.
Thực hiện Chỉ thị 53-CT/TW ngày 21/3/2000, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, để tăng cường quản lý đối với các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội và các trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp là Vụ 2A, Vụ 2B, Vụ 2C, Vụ 3, Vụ 4, các Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm 1, 2, 3 cần thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Phải có biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam để phấn đấu không để xảy ra và giải quyết kịp thời các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội và các trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội.
2. Phải có biện pháp quản lý và nắm chắc các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội (kể cả các trường hợp do cơ quan điều tra đình chỉ điều tra và các trường hợp do Viện kiểm sát đình chỉ), các trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo giải quyết, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc này. Tiến hành kịp thời việc bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp cơ quan Công an kết luận điều tra (mặc dù không có căn cứ kết luận là có tội) nhưng vẫn đề nghị Viện kiểm sát truy tố hoặc những trường hợp Viện kiểm sát đã trả lại hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung lần 2, nhưng vẫn không có đủ căn cứ để truy tố thì trước khi quyết định đình chỉ phải họp tập thể lãnh đạo Viện hoặc Uỷ ban kiểm sát để thảo luận và quyết định, nếu xét thấy phức tạp thì thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên cho ý kiến. Sau khi quyết định đình chỉ, Viện kiểm sát phải thông báo cho cơ quan Công an. Nếu quyết định đó bị các cơ quan chức năng hoặc cơ quan báo chí kiến nghị xem xét lại thì báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để giải quyết. Trong trường hợp này Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp cử các đồng chí có trách nhiệm ở các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu và báo cáo Uỷ ban kiểm sát xem xét, quyết định sau đó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp đó chịu trách nhiệm trả lời công luận. Hồ sơ các trường hợp đình chỉ phải được lưu giữ đầy đủ.
3. Khi để xảy ra trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội, trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội yêu cầu Viện trưởng các Viện kiểm sát địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải gửi ngay báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Văn phòng và các Vụ nghiệp vụ để theo dõi, quản lý, chỉ đạo). Báo cáo phải nêu rõ nội dung cụ thể từng trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội, từng trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội. Đối với các trường hợp Viện kiểm sát tuy tố, Toà án tuyên không phạm tội thì phải nói rõ quan điểm của Viện kiểm sát như thế nào? Biện pháp xử lý tiếp theo? Nếu không kháng nghị thì trong báo cáo phải nói rõ lý do không kháng nghị; Nếu có kháng nghị thì phải gửi kèm theo báo cáo bản kháng nghị. Đồng thời, phải báo cáo quá trình giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến vụ, việc này (nếu có).
4. Báo cáo về các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội, về các trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội; về việc xử lý, giải quyết của Viện kiểm sát và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về các việc nói trên phải do đích thân Viện trưởng các Viện kiểm sát địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và ký, chỉ được uỷ quyền cho cấp phó ký thay trong trường hợp có lý do đặc biệt.
5. Viện kiểm sát cấp trên cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn đối với Viện kiểm sát cấp dưới trong việc quản lý các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội và các trường Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội và các trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội mà lãnh đạo các Viện kiểm sát địa phương hoặc Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao không nắm được.
6. Ở địa phương, đơn vị nào để xảy ra trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội, trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội mà không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc đó phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Giao cho Vụ trưởng Vụ 2B theo dõi các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội; Vụ trưởng Vụ 3 theo dõi các trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội. Hàng tháng, Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Vụ trưởng Vụ 2B và Vụ trưởng Vụ 3 tổng hợp tình hình báo cáo lãnh đạo Viện.
Chế độ báo cáo này được thực hiện từ ngày 1/10/2002. Đối với những trường hợp xảy ra trong năm 2002 (từ ngày 1/12/2001 đến ngày 30/9/2002), Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát ngay và cũng phải thực hiện việc báo cáo như quy định của Chỉ thị này để gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Văn phòng) hạn chậm nhất là ngày 10/10/2002.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện nghiêm túc. Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
| VIỆN TRƯỞNG |
- 1Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2002
- 2Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới do Bộ Chính trị ban hành
- 3Hướng dẫn 32/HD-VKSTC năm 2019 về công tác quản lý trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Chỉ thị 09/2002/CT-VKSTC về quản lý các trường hợp trả tự do do không phạm tội, đình chỉ điều tra do không phạm tội và các trường hợp viện kiểm sát truy tố, tòa án tuyên không phạm tội do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 09/2002/CT-VKSTC
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/09/2002
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Hà Mạnh Trí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/09/2002
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực