Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/1997/CT-NH1 | Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 1997 |
XỬ LÝ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ VỀ ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC TÍN DỤNG
Công tác tín dụng ngân hàng trong thời gian qua đã đạt được một số tiến bộ và kết quả nhất định, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Các hiện tượng cho vay không đúng nguyên tắc, chế độ, kém hiệu quả đang từng bước được khắc phục.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 1997 tín dụng tăng trưởng chậm, chỉ mới đạt 30% so với kế hoạch cả năm, nợ quá hạn vẫn tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân có phần do những vấn đề về điều kiện và thủ tục tín dụng chưa được xử lý kịp thời.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế, trên nguyên tắc phải thực hiện đúng chế độ quy định, đảm bảo an toàn và có hiệu quả vốn cho vay, hạn chế nợ quá hạn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ thị một số nội dung sau đây:
1. Về xác định thời hạn cho vay:
1.1. Cho vay ngắn hạn: thời hạn cho vay được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Thể lệ tín dụng ngắn hạn ban hành kèm theo Quyết định 198/QĐ-NH1 ngày 16/9/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là "xác định phù hợp với đặc điểm chu chuyển vốn của đối tượng vay, nhưng tối đa không quá 12 tháng".
1.2. Cho vay trung hạn, dài hạn: thời hạn cho vay được xác định theo quy định tại Điều 10 Thể lệ tín dụng trung hạn, dài hạn ban hành kèm theo Quyết định 367/QĐ-NH1 ngày 21/12/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và khoản 2 Điều 1 Quyết định 200/QĐ-NH1 ngày 28/6/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
2.1. Gia hạn nợ cho vay ngắn hạn phải tuân thủ đúng quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định 199/QĐ-NH1 ngày 28/6/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: "việc thu nợ được tiến hành theo kỳ hạn trả nợ đã ghi trên khế ước. Bên vay có thể trả nợ trước hạn và phải chủ động trả nợ cho tổ chức tín dụng khi đến hạn như quy định tại Điều 13 của thể lệ này. Trường hợp bên vay không trả nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan, nếu có văn bản giải trình để xin gia hạn nợ thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ tuỳ theo tình hình khó khăn thực tế, tổng số thời gian gia hạn tối đa bằng một chu kỳ sản xuất kinh doanh của đối tượng vay cần gia hạn nợ. Riêng đối với các trường hợp khó khăn do Nhà nước thay đổi chủ trương chính sách hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng thì tổ chức tín dụng được xem xét cho gia hạn nợ dài hơn nhưng tổng số thời gian được gia hạn tối đa không quá 12 tháng".
Quy định mới này về gia hạn nợ không khống chế số lần gia hạn, thời hạn gia hạn nợ quy định dài hơn trước, nhằm tạo điều kiện chủ động cho ngân hàng và người vay khắc phục được khó khăn do nguyên nhân khách quan để trả nợ. Trường hợp do bên vay sử dụng vốn vay sai mục đích thì không được xem xét cho gia hạn nợ.
2.2. Gia hạn nợ đối với cho vay trung hạn, dài hạn phải thực hiện đúng quy định tại khoản 6 Điều 1 Quyết định 200/QĐ-NH1 ngày 28/6/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Việc chia ra kỳ hạn trả nợ dài hay ngắn là do các bên cho vay và đi vay thoả thuận tuỳ thuộc vào thời hạn cho vay và khả năng tạo nguồn trả nợ của bên vay. Đến hết thời hạn cho vay nếu bên vay gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan chưa trả được nợ thì bên cho vay được gia hạn tiếp, không khống chế số lần gia hạn nhưng tổng số thời gian gia hạn không quá 1/3 thời hạn cho vay được xác định theo hợp đồng tín dụng cam kết ban đầu.
Trong quá trình gia hạn nợ, dẫn đến việc thời hạn cho vay được kéo dài, thì tổ chức tín dụng có thể thoả thuận với bên vay để định lại các kỳ hạn trả nợ cho phù hợp.
3. Về việc chấp thuận phương án sản xuất kinh doanh của đơn vị vay.
Việc quy định các Bộ, ngành (đối với doanh nghiệp Nhà nước Trung ương) hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp Nhà nước địa phương) chấp thuận phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp Nhà nước bị lỗ từ các năm trước nhưng chưa được xử lý, để Ngân hàng có căn cứ xem xét, quyết định cho vay (không phải áp dụng trong mọi trường hợp, mọi khoản vay như tại điểm 1.3 của Công văn 417/CV-NH14 ngày 31/5/1997 và Công văn số 214/CV-TD2 ngày 16/7/1997 hướng dẫn thực hiện điểm 1.3 của Công văn 417/CV-NH14).
4. Đối với cho vay hộ nông dân (bao gồm các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp).
4.1. Về giãn nợ cho vay đối với hộ nông dân gặp khó khăn: Đối với các khoản nợ cũ đã cho vay của hộ nông dân gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh, giảm giá hàng và các nguyên nhân khách quan khác thì các Ngân hàng Thương mại xem xét xử lý theo hướng sau đây:
a. Các khoản nợ đến hạn trả (kể cả đã được gia hạn nợ) thì tiếp tục được kéo dài thời hạn cho vay tối đa thêm 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh đối với nợ ngắn hạn và tối đa thêm 1/3 thời hạn cho vay ban đầu đối với nợ trung và dài hạn.
b. Các trường hợp có nợ quá hạn thì Ngân hàng Thương mai có thể xem xét cho vay tiếp nếu hộ sản xuất có nhu cầu xin vay vốn để sản xuất kinh doanh và có khả năng trả được nợ.
4.2. Trước mắt, để giảm bớt khó khăn về thủ tục vay vốn của hộ nông dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn cho vay, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng được quy định mức cho vay tối đa của mỗi hộ nông dân không cần áp dụng các biện pháp thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh mà căn cứ vào khả năng trả nợ của hộ xin vay vốn trên cơ sở cam kết trả nợ và danh mục tài sản làm đảm bảo có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) phù hợp với đặc điểm hoạt động của các tổ chức tín dụng và điều kiện khó khăn của hộ nông dân từng vùng.
5. Xác định lại thời hạn nợ đối với các khoản đã cho vay
Việc xem xét xác định lại thời hạn nợ phải xuất phát từ đặc điểm chu chuyển vốn của nợ vay, trên cơ sở đề nghị của bên vay và các ngân hàng phải đảm bảo cân đối với tính chất nguồn vốn cho vay trung và dài hạn theo quy định hiện hành.
5.1. Đối với các khoản nợ thuộc đối tượng đầu tư trung hạn, dài hạn, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đã cho vay ngắn hạn thì tiến hành rà soát lại, nếu những khoản đã cho vay xét thấy có hiệu quả, có đủ điều kiện cho vay trung hạn, dài hạn thì chuyển sang loại cho vay trung và dài hạn. Giữ nguyên hồ sơ cho vay đã có và bổ sung các giấy tờ cần thiết cho phù hợp với điều kiện cho vay trung hạn, dài hạn. Thời hạn cho vay được tính từ ngày đã phát tiền vay của món vay đầu tiên.
Đối với những khoản nợ xét thấy không có hiệu quả và không đủ điều kiện cho vay trung và dài hạn thì phải tích cực thu hồi nợ khi đến hạn.
5.2. Đối với các khoản cho vay trung hạn trước đây đã áp dụng thời hạn cho vay theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Quyết định 367/QĐ-NH1 ngày 21/12/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu chưa thu hết nợ và khó có khả năng trả nợ theo thời hạn đã cho vay, kể cả trường hợp đã gia hạn hoặc chuyển sang nợ quá hạn thì được xem xét xác định lại thời hạn cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của bên vay nhưng trong phạm vi của thời hạn cho vay trung hạn theo Quyết định 200/QĐ-NH1 ngày 28/6/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Nếu khoản cho vay đang thu nợ bình thường và có khả năng thu hết nợ trong thời hạn đã cho vay (kể cả trường hợp đã gia hạn nợ và chuyển sang nợ quá hạn) thì không đặt vấn đề xác định lại thời hạn cho vay.
5.3. Đối với các khoản cho vay ngắn hạn nhưng bên vay sử dụng vốn vay đầu tư vào đối tượng trung, dài hạn thì các tổ chức tín dụng xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì được chuyển thành nợ cho vay trung hoặc dài hạn (kể cả khoản nợ đó đã chuyển sang quá hạn) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3617/KTTH ngày 21/7/1997. Thủ tục về hồ sơ cho vay, thời hạn cho vay khi chuyển sang nợ cho vay trung hoặc dài hạn thực hiện như quy định tại điểm 5.1. trên đây.
5.4. Về lãi suất của các khoản nợ được xác định lại thời hạn nợ và chuyển loại cho vay: Trong mọi trường hợp định lại thời hạn nợ, chuyển loại nợ cho vay như quy định tại các điểm từ 5.1 đến 5.3 của Chỉ thị này thì lãi suất cho vay được áp dụng theo lãi suất cho vay hiện hành theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phù hợp với loại cho vay mới kể từ ngày xác định lại thời hạn nợ và chuyển sang cho vay mới, trước thời điểm đó thì vẫn giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng kể cả lãi suất nợ quá hạn.
5.5. Về hạch toán kế toán: khi chuyển loại nợ phải hạch toán đúng với tính chất loại nợ cho vay mới sau khi chuyển sang. Vụ Kế toán Tài chính Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các Ngân hàng Thương mại và tổ chức tín dụng hạch toán khi điều chỉnh loại nợ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Nghiên cứu kinh tế) về kết quả thực hiện làm 2 đợt: đợt 1 đến ngày 30/9/1997 và đợt 2 đến ngày 30/11/1997. Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc các đơn vị phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để xem xét giải quyết.
| Cao Sĩ Kiêm (Đã ký)
|
- 1Chỉ thị 02/1998/CT-NHNN1 về cho vay vốn để mua lúa xuất khẩu gạo và lúa dự trữ năm 1998 do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 389/1999/QĐ-NHNN10 bãi bỏ một số văn bản trong ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Quyết định 2156/QĐ-NHNN năm 2012 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 01/01/1997 đến hết ngày 30/6/2012 đã hết hiệu lực thi hành (bổ sung)
- 1Quyết định 389/1999/QĐ-NHNN10 bãi bỏ một số văn bản trong ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 2156/QĐ-NHNN năm 2012 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 01/01/1997 đến hết ngày 30/6/2012 đã hết hiệu lực thi hành (bổ sung)
- 1Quyết định 200/1997/QĐ-NH1 sửa đổi Thể lệ tín dụng Trung hạn, dài hạn kèm theo Quyết định 367/QĐ-NH1 năm 1995 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước
- 2Quyết định 199/1997/QĐ-NH1 sửa đổi Thể lệ tín dụng ngắn hạn kèm theo Quyết định 198/QĐ-NH1năm 1994 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Chỉ thị 02/1998/CT-NHNN1 về cho vay vốn để mua lúa xuất khẩu gạo và lúa dự trữ năm 1998 do Ngân hàng Nhà nước ban hành
Chỉ thị 09/1997/CT-NH1 về xử lý một số vấn đề cụ thể về điều kiện và thủ tục tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 09/1997/CT-NH1
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/08/1997
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Cao Sĩ Kiêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/08/1997
- Ngày hết hiệu lực: 11/11/1999
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra