Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08NN-PCL/CT | Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG VÀ TRÁNH LŨ QUÉT NĂM 1996
Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới ẩm, gió mùa, lại là nơi giao nhau giữa hai dạng khí hậu biển nhiệt đới và khí hậu lục địa nên thường gây ra những đợt mưa có cường độ lớn, kéo dài nhiều giờ liền. Đối với các vùng miền núi, lưu vực nhỏ, độ dốc lớn hơn 30 độ, đất đá có nhiều vết nứt, dễ sạt lở, độ che phủ của thảm thực vật nhỏ (dưới 10%) thì những đợt mưa nêu trên sẽ tạo nên những trận lũ lớn, bất ngờ nhanh, kéo theo nhiều đất đá, có sức tàn phá lớn gây ra những thiệt hại to lớn về tổn thất sinh mạng, tài sản, tàn phá nhiều khu vực dân cư, các cơ sở kinh tế, đồng ruộng, hoa màu, cây trái, làm gián đoạn ách tắc giao thông và thông tin liên lạc. Đó là hiện tượng lũ quét.
Phòng, tránh, chống lũ quét là việc làm hết sức khó khăn và lâu dài, năm nào cũng xảy ra khi mùa mưa bắt đầu. Để chủ động đối phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh có huyện miền núi cần làm những việc cấp thiết trước mắt sau đây:
1. Hàng năm phải củng cố bộ máy Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương bao gồm cả các Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão ở các khu vực trọng điểm thường xẩy ra lũ quét.
2. Củng cố bộ máy thường trực PCLB bao gồm phương tiện làm việc để có đủ khả năng tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão phát hiện, cảnh báo, báo động lũ quét (nhất thiết phải có trạm đo mưa ở các vùng hay bị lũ quét).
3. Củng cố hệ thống thông tin liên lạc, truyền tin xuống tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa bao gồm cả lực lượng bộ đội biên phòng, các trạm kiểm lâm ở những khu vực thường bị lũ quét tác động. Kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp trang bị, tập huấn cho lực lượng phòng chống lũ quét ở cơ sở cũng như nâng cao trình độ phát hiện, dự báo, cảnh báo, báo động.
4. Quy hoạch các khu vực dân cư, lập bản đồ vùng đã bị lũ quét phá hoại để di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (ở dưới mép lũ quét) ở sát hạ lưu các đập, hồ chứa nước đặc biệt các hồ chứa kiểu bậc thang.
5. Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm và chuẩn bị phương tiện vận chuyển (kể cả dùng sức người) ở các khu vực thường bị lũ quét gây ra ách tắc giao thông.
6. Nghiên cứu việc chuyển đổi mùa vụ nhằm tránh, lách các thời điểm thường xẩy ra lũ quét cũng như bố trí loại cây trồng, mật độ trồng nhằm vừa bảo đảm có thu hoạch, vừa giữ đất khỏi bị xói lở, bào mòn.
7. Tổ chức lực lượng cứu hộ người, tài sản và việc đảm bảo giao thông, chống ách tắc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Để thực hiện những việc làm thường xuyên nêu trên, các Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương cần:
1. Thường xuyên kiểm tra việc bảo vệ rừng đầu nguồn, định kỳ báo cáo với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền trong việc giao đất, giao rừng quản lý khai thác và bảo vệ.
2. Đầu mùa lũ phải kiểm tra an toàn hồ, đập trên sông suối đặc biệt các hồ chứa kiểu bậc thang. Đối với hồ chứa có đập đất lớn hơn 5m, dung tích trên một triệu m3 nước cần thêm tràn sự cố đề phòng gặp lũ lớn tràn qua mặt đập.
3. Mỗi địa phương hàng năm cần tổng kết đánh giá ưu khuyết điểm của nhiệm vụ phòng chống lũ quét của địa phương và định ra các biện pháp khắc phục hậu quả.
4. Trang bị hệ thống thông tin tối thiểu phục vụ việc phòng chống lũ quét. Tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin giữa các địa phương với Trung ương và giữa các ngành Trung ương với nhau.
5. Xây dựng cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích nuôi trồng bảo vệ rừng đầu nguồn đi đôi với xây dựng các văn bản quy phạm, pháp luật về bảo vệ rừng. Định ra các chính sách khen thưởng và xử lý các hành vi cố tình vi phạm.
6. Tăng cường việc truyền thông đến đông đảo nhân dân để hiểu biết các tác động nguy hại của lũ quét, các văn bản hướng dẫn việc phòng, tránh, chống lũ quét gây ra.
Về lâu dài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm khoa học công nghệ quốc gia, Tổng cục khí tượng thuỷ văn hàng năm có kế hoạch hỗ trợ các tỉnh miền núi nhằm phòng chống lũ quét có hiệu quả, nhanh chóng khắc phục hậu quả do lũ quét gây ra, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi được bền vững.
| Nguyễn Công Tạn (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 58/2006/CT-BNN triển khai một số biện pháp phòng, tránh lũ quét ở các địa phương miền núi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Chỉ thị 09/1997/NN-PCLB-CT về phòng, tránh, chồng lũ quét năm 1997 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 3Chỉ thị 32/2004/CT-TTg về biện pháp phòng, tránh lũ quét ở các tỉnh miền núi do Thủ tướng Chính phủ
- 1Chỉ thị 58/2006/CT-BNN triển khai một số biện pháp phòng, tránh lũ quét ở các địa phương miền núi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Chỉ thị 09/1997/NN-PCLB-CT về phòng, tránh, chồng lũ quét năm 1997 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 3Chỉ thị 32/2004/CT-TTg về biện pháp phòng, tránh lũ quét ở các tỉnh miền núi do Thủ tướng Chính phủ
Chỉ thị 08NN-PCL/CT về công tác phòng chống và tránh lũ quét năm 1996 do Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 08NN-PCL/CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/05/1996
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Công Tạn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/05/1996
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra