Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Nghệ An, ngày 04 tháng 4 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỘI QUẦN CHÚNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CON DẤU CỦA CÁC TỔ CHỨC HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Trong thời gian qua, các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh cơ bản hoạt động đúng pháp luật và Điều lệ hội. Nhiều tổ chức hội đã phát huy vai trò tích cực trong việc tập hợp, đoàn kết, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; tham gia cung ứng dịch vụ, thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai; tham gia tư vấn, phản biện xã hội các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân; chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Hiệu quả hoạt động của các hội đã góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hội hoạt động chưa đúng quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, như: hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả, tính chủ động chưa cao; chưa thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; công tác quản lý hội viên và tổ chức hoạt động của Ban Lãnh đạo hội chưa chặt chẽ, nhiều hội hết thời gian nhiệm kỳ nhưng không tổ chức Đại hội; một số hội chưa đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của hội viên.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của hội. Nhận thức về tổ chức hội chưa đầy đủ, công tác quản lý nhà nước về hội của các sở, ban, ngành, các địa phương còn hạn chế. Việc kiểm tra, giám sát đối với các hội chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; chưa có các giải pháp thiết thực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội, tạo điều kiện cho các hội tổ chức, hoạt động có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, địa phương đối với tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý; thực hiện đúng các quy định về quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội. Hội hoạt động trong ngành, lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó.

2. Thành lập hội phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của quần chúng nhân dân và theo đúng quy định của pháp luật; hội thành lập mới không trùng lắp với hội đã được thành lập hợp pháp trên cùng địa bàn. Tổ chức của hội không nhất thiết phải thành lập hệ thống từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hoạt động của hội phải đảm bảo nguyên tắc chung là: tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí, tuân thủ pháp luật và Điều lệ hội. UBND tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí đối với những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho hội.

Rà soát, đề xuất sắp xếp, sáp nhập, giải thể đối với các tổ chức hội có cùng lĩnh vực hoạt động, nhiệm vụ tương đồng nhau, các tổ chức hội có ít hội viên, hoạt động kém hiệu quả. Triển khai thực hiện khoán kinh phí hoạt động đối với các hội đã được giao biên chế, hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.

3. Các tổ chức hội thành lập không theo quy định của pháp luật, không có con dấu pháp nhân đã được cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước không tiếp nhận, xử lý văn bản.

4. Các Sở quản lý chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện Điều lệ của các tổ chức hội thuộc lĩnh vực quản lý; xử lý hoặc kiến nghị UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xử lý các vi phạm của hội theo quy định của pháp luật, nhất là việc thành lập hội tự phát hoặc thành lập hội không đúng thẩm quyền, hội không hoạt động liên tục 12 tháng, không chấp hành việc báo cáo, không sinh hoạt hội, không thực hiện các nhiệm vụ được quy định theo Điều lệ hội, không tổ chức đại hội theo đúng nhiệm kỳ, có những hoạt động dịch vụ, dạy nghề, truyền nghề, sản xuất kinh doanh... không đúng quy định của pháp luật.

5. Các tổ chức hội cần thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ hội; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên; đoàn kết, tập hợp hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức hội, hội viên và cộng đồng; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động của các hội hiện nay. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp thay đổi về nhân sự (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) giữa nhiệm kỳ; thay đổi về địa điểm, trụ sở hoạt động...

Quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức hội tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục...; tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định; khuyến khích các hội gắn hoạt động của hội với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

6. Giao Công an tỉnh thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra, chủ động phát hiện những cá nhân, tổ chức tự ý khắc dấu pháp nhân khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

7. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về công tác hội.

Yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, PCVP TH UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp tnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Đài PTTH tnh, Báo Nghệ An, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH (T).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Vinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hội quần chúng, quản lý và sử dụng con dấu của các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/04/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Lê Hồng Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản