Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 27 tháng 6 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Qua hơn một năm thực hiện Đề án “Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2015”, hoạt động giám định tư pháp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên, công tác giám định tư pháp cũng còn một số hạn chế nhất định, cơ sở vật chất của các tổ chức giám định còn thiếu, lạc hậu; đội ngũ giám viên định tư pháp còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; kết luận giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan đã làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng; công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp còn nhiều bất cập.

Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế nêu trên là do các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giám định tư pháp; việc triển khai và tổ chức thực hiện Đề án “Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” còn chậm; kinh phí và cơ chế tài chính dành cho công tác giám định chưa phù hợp; cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về giám định tư pháp và các cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp trong các lĩnh vực chuyên ngành chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quản lý hoạt động giám định tư pháp.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cải cách tư pháp trong thời gian tới. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan định kỳ hàng năm tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng Luật Giám định tư pháp, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ giám định viên, người giám định theo vụ việc, thủ trưởng các cơ quan liên quan về kiến thức pháp luật tố tụng có liên quan tới hoạt động giám định tư pháp.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn, tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương. Xây dựng đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác kiểm tra quản lý, theo dõi hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành có các tổ chức giám định tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

2. Thủ trưởng các đơn vị: Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và thủ trưởng các sở, ngành có liên quan xây dựng cơ chế thu hút lực lượng có trình độ chuyên môn để tham gia vào hoạt động giám định trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, rà soát, lựa chọn những người có đủ điều kiện theo quy định, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp hoặc công nhận người giám định theo vụ việc. Riêng lĩnh vực giám định pháp y, Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm lựa chọn, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm. Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý đối với các giám định viên từ chối thực hiện giám định khi được trưng cầu mà không có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật.

Từ nay đến đầu quý IV năm 2013, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực do sở, ngành mình quản lý (nhất là cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc tại Phòng kỹ thuật hình sự, Phòng giám định pháp y), trên cơ sở đó đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí mua sắm, trang bị cơ sở vật chất bảo đảm phục tốt hoạt động giám định tư pháp.

3. Công an tỉnh, Sở Y tế chủ động phối hợp với Viện Pháp y quốc gia, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần, giám định kỹ thuật hình sự, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ của những người thực hiện giám định trong những lĩnh vực này.

4. Sở Tài chính chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố kinh phí hoạt động, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ giám định tư pháp; kinh phí tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; kinh phí quản lý hoạt động giám định tư pháp..., phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương.

Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ, thủ trưởng các sở, ngành có trách nhiệm tổ chức việc quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở Chỉ thị này, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và nghiêm túc triển khai thực hiện. Giao Giám đốc Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Kim Mai

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2013 tăng cường thực hiện công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Kim Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản