Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/CT-UBND

Nam Định, ngày 04 tháng 06 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2013

Trong những tháng đầu năm 2013, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự giám sát của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của chính quyền các cấp cùng với sự cố gắng nỗ lực của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được những kết quả ban đầu trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn; sức mua giảm, hàng tồn kho một số mặt hàng lớn, lãi suất thực cho vay của ngân hàng còn cao; doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng, một số doanh nghiệp phải thu nhỏ quy mô sản xuất, phá sản, ngừng hoạt động... một bộ phận người lao động thiếu việc làm; khí hậu biến đổi bất thường, dịch bệnh tai xanh trên đàn gia súc bùng phát diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân; ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước và huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Nhằm thực hiện có kết quả Nghị quyết số 01/NQ-CP , Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND ngày 07/12/2012 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2013; Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 08/02/2013 của UBND tỉnh về thực hiện những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp thiết thực, quyết liệt đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống nhân dân, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tăng cường công tác phòng, chống lụt bão và dịch bệnh:

- Chủ động phòng chống lụt bão, dịch bệnh ở người và trên đàn gia súc, gia cầm; tích cực thu hoạch lúa chiêm xuân thực hiện "Xanh nhà còn hơn già đồng", phấn đấu đạt năng suất cao, giá trị hàng hóa lớn; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để gieo cấy lúa mùa và trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa trong khung thời vụ tốt nhất. Kết hợp thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa với tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, phấn đấu năm 2013 hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa.

- Các doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng hóa tồn kho. Phấn đấu đảm bao chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 tăng 21,5% trở lên; giá trị hàng xuất khẩu đạt 400 triệu USD.

- Cục Thuế và các cơ quan liên quan thực hiện kịp thời chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp theo quy định. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc quy định về trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay để tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách; đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

- Đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo.

2. Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước.

- Cục Thuế tỉnh chỉ đạo toàn ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố rà soát, nắm chắc các đối tượng, nguồn thu thu ngân sách, tình tình nợ đọng thuế, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm quản lý, khai thác triệt để các nguồn thu, tích cực thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có khả năng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế kết hợp với thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá. Kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng và đúng chế độ quy định, công khai, minh bạch.

- Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu, có kế hoạch thu nợ đọng thuế, chấn chỉnh kịp thời các hành vi kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp, chống gian lận thương mại, buôn lậu và chuyển giá.

- Phấn đấu đạt dự toán thu ngân sách năm 2013 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.

a) Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản:

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 21/01/2013 của UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu khắc phục nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh Nam Định. Thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo trình tự, thủ tục đầu tư từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt đấu thầu, tổ chức thi công và thanh toán quyết toán công trình. Chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thi công công trình đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và thẩm mỹ công trình sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả vốn đầu tư phát triển.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, tích cực thanh toán và thu hồi tạm ứng. Hạn chế kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch năm 2013 sang năm 2014.

- Việc tạm ứng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư số 86/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính.

b) Đối với các nhiệm vụ chi thường xuyên:

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

- Các cơ quan, đơn vị rà soát, sắp xếp, bố trí lại nhiệm vụ chi đã giao đầu năm, thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 07 tháng cuối năm (không bao gồm các khoản: Chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi cho con người theo chế độ; tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo dự toán đầu năm và tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm đang giữ lại ở các cấp ngân sách).

- Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp lại, cắt giảm hoặc ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa thực sự cấp thiết, cấp bách; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho nhiệm vụ chi tổ chức chi lễ hội, khánh tiết, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước,...; tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu còn lại 7 tháng cuối năm.

- Căn cứ vào kết quả và khả năng thu ngân sách, các cấp ngân sách, các đơn vị tự rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chi trong phạm vi dự toán được giao. Riêng các khoản chi lương, phụ cấp theo lương cho cán bộ, công chức, viên chức và các chính sách an sinh xã hội phải đảm bảo chi trả kịp thời. Các Sở, ban ngành, đoàn thể có phát sinh những nhiệm vụ đột xuất thì chủ động bố trí kinh phí đã giao trong, dự toán năm 2013 sau khi đã tiết kiệm các khoản trên để giải quyết trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách.

- Cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm sử dụng ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng chế độ quy định. Chỉ cho phép chuyển nguồn để thực hiện chế độ tiền lương mới, chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và nhiệm vụ cần thiết khác.

- Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

+ Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tích cực thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, phấn đấu hoàn thành dự toán thu năm 2013. Đối với chi ngân sách nhà nước trước hết phải ưu tiên chi trả lương, phụ cấp, sinh hoạt phí và nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

+ Căn cứ khả năng thu để chủ động điều hành chi ngân sách địa phương. Trường hợp thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán giao, sau khi đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi mà vẫn không bù đắp được số giảm thu, các địa phương chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương như: Tăng thu ngân sách địa phương năm 2012 sau khi đã dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định (nếu có), kết dư ngân sách địa phương năm 2012 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, dự phòng ngân sách... để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương. Đối với số thu tiền sử dụng đất, trường hợp giảm thu so với dự toán thì thực hiện các biện pháp cắt giảm, hoãn, giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án cho phù hợp với nguồn thu này.

+ Quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí dự toán ở các cấp ngân sách; tập trung điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để chi cho các nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; nguồn dự phòng ngân sách còn lại để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách nhà nước giảm lớn.

4. Tổ chức thực hiện:

- Các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định cụ thể số tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013, gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 13/6/2013; số tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên được giữ lại ở các cấp ngân sách thông qua hệ thống Kho bạc nhà nước. Đến quý IV năm 2013 căn cứ tình hình thu, chi ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh xem xét, quyết định sử dụng số tiết kiệm này.

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước tỉnh, Chi cục Hải quan Nam Định có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai Chỉ thị; tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố,
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nam Định;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VP1, VP2, VP3, VP5, VP6.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2013 tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2013 do tỉnh Nam Định ban hành

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Nguyễn Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản