Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Huế, ngày 02 tháng 3 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TẬP TRUNG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI; PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủ y, thành phố Huế tập trung chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Về điều hành chính sách tài chính tín dụng:

a) Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16% theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Xử lý nghiêm theo pháp luật đối với hành vi cố tình vi phạm.

b) Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan phấn đấu thu NSNN trên địa bàn đạt mức 3.500 tỉ đồng. Các cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra chi phí, hoạt động tài chính doanh nghiệp, bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời.

Sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi chế độ chính sách cho con người và tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm). Tạm dừng trang bị mới xe ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,...; Việc đầu tư mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước phải sử dụng hàng sản xuất trong nước; trường hợp hàng hóa trong nước không sản xuất được mới sử dụng hàng nhập khẩu. Không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước... Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng biên chế và kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm.

c) Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu kiên quyết cắt giảm các công trình chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho các dự án tạo ra năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới, các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, sớm đưa vào sử dụng. Thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011, xác định cụ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011; thu hồi hoặc điều chuyển các khoản đã bố trí nhưng chưa cấp bách, báo cáo và đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh danh mục các dự án cắt giảm đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, danh mục các dự án cắt giảm đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi quản lý và biện pháp xử lý; hoàn thành trước 31/3/2011.

d) Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế, các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tỉnh tăng cường công tác giám sát đánh giá đầu tư xây dựng cơ bản, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát tình hình, tiến độ, chất lượng thực hiện dự án tại các ngành, các cấp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, bổ sung các giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế chủ động cắt giảm các công trình chưa thực sự cần thiết; xác định cụ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011; thu hồi hoặc điều chuyển các khoản đã bố trí nhưng chưa cấp bách, không đúng mục tiêu, ... theo thẩm quyền.

2. Tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả, ổn định đời sống nhân dân.

a) Giám đốc Sở Công thương chủ trì: tham mưu kiểm soát đầu cơ nâng giá; chống hàng gian, hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng trốn lậu thuế; thực hiện việc niêm yết và kiểm soát giá cả theo quy định hiện hành,… Nắm bắt dự báo về nhu cầu tiêu dùng, có biện pháp bình ổn giá cung ứng đủ hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhân dân như lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu,... và tổ chức lưu thông thông suốt. Kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước.

Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai việc tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng và thực hiện chương trình tiết kiệm điện, phấn đấu tiết kiệm sử dụng điện 10% theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, áp dụng các biện pháp cần thiết và phù hợp để khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp, nhân dân sử dụng tiết kiệm năng lượng (điện, xăng dầu), sử dụng các công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, công nghệ tiết kiệm điện.

b) Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân thông qua việc đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các quy định hỗ trợ đối tượng chính sách, người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già yếu cô đơn, không nơi nương tựa,...),...

Phối hợp Sở Tài chính tham mưu triển khai thực hiện quy định về hỗ trợ hộ nghèo khi giá điện được điều chỉnh.

c) Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ Đông - Xuân và vụ Hè - Thu; ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh và xử lý kịp thời việc vận chuyển và buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh, các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch...

d) Giám đốc Sở Y tế tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình biến động giá thuốc trên địa bàn tỉnh, đề xuất kịp thời những chính sách, biện pháp thích hợp nhằm cân đối cung - cầu thị trường dược phẩm, đáp ứng nhu cầu thuốc cho nhân dân với giá cả hợp lý, đặc biệt khi có dịch bệnh và thiên tai, lũ lụt xảy ra; Chủ trì phối hợp với Sở Tài chinh, Sở Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc kê khai, kê khai lại, niêm yết giá thuốc của cơ quan sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

đ) Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn và nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, nghiêm túc thực hiện niêm yết, đăng ký giá phòng ở khách sạn.

e) Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế theo chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.

3. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh, kể cả các doanh nghiệp Trung ương quản lý có trách nhiệm đề ra các biện pháp nhằm cải tiến công nghệ, đổi mới thiết bị, tổ chức sử dụng lao động khoa học, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ đảm bảo cung cấp hàng hóa dồi dào, phục vụ tốt nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả gia tăng; tuyệt đối không lợi dụng tình hình giá cả tăng để đầu cơ, nâng giá bất hợp lý; góp phần bình ổn giá, phục vụ đời sống nhân dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh mục tiêu xuất khẩu hàng hóa.

4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính theo hướng hiện đại và đơn giản hoá nhằm tạo ra chuẩn mực mới cho công tác quản lý hành chính đặc biệt là thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp đất; đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính, không để phát sinh các thủ tục hành chính không hợp lý, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.

5. Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2011; cần thiết phải tạo ra sự thống nhất, ủng hộ cao trong tất cả các ngành, các cấp các tầng lớp nhân dân thông qua việc quán triệt và triển khai thực hiện ngay các giải pháp nêu trên. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Cổng thông tin điện tử tỉnh,...), các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường tuyên truyền về vấn đề kiểm soát tăng giá và ổn định thị trường, kiểm tra xử lý những thông tin sai lệch, có yếu tố kích động tăng giá, gây tâm lý bất an trong xã hội; có kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể.

6. Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế; các tổ chức chính trị, hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ và Chỉ thị này; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, quy định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và phân công người có trách nhiệm từng phần việc; ngoài báo cáo chuyên đề theo yêu cầu, tổng hợp kết quả thực hiện vào báo cáo công tác chuyên môn, báo cáo chỉ đạo điều hành hàng tháng của đơn vị, địa phương mình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo tại phiên họp thường kỳ (tháng) của UBND tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2011 về triển khai những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2011 do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/03/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản