Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UB

Lào Cai, ngày 19 tháng 12 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHỐNG HÀNH VI SẢN XUẤT BUÔN BÁN HÀNG GIẢ

Hiện nay cùng với việc mở rộng thị trường hàng hóa nhiều thành phần, hiện tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo mức chất lượng tối thiểu có chiều hướng phát triển. Hàng hóa nào được người tiêu dùng tín nhiệm hoặc thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn đều bị bọn người xấu lợi dụng làm giả để tung ra thị trường kiếm lời bất chính, tình hình đó đã gây tác hại về kinh tế - xã hội, tạo tâm lý nghi ngại cho người tiêu dùng.

Trên một số địa bàn của tỉnh ta việc sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng không đảm bảo mức chất lượng tối thiểu đã xuất hiện nhất là đối với một số hàng hóa thiết yếu nằm trong danh mục nhà nước thống nhất quản lý chất lượng như: Thuốc tân dược, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, phụ tùng xe đạp, thuốc trừ sâu bệnh cây trồng.

Để ngăn chặn các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả nhằm bảo vệ nền kinh tế xã hội, lành mạnh, sự an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện một số điều sau đây:

1. Các ngành, các cấp tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phải chấp hành nghiêm túc việc đăng ký chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa và đăng ký sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định hiện hành. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc giao, nhận hàng hóa theo quy định. Không để hàng giả, hàng không đảm bảo mức chất lượng tối thiểu lọt vào các quầy hàng quốc doanh. Các cơ sở sản xuất phải quản lý thật nghiêm ngặt nhãn hàng hóa, bao bì của cơ sở mình để tránh kẻ xấu lợi dụng làm hàng giả.

Các hợp đồng mua bán phải có điều khoản ghi rõ quy cách, chất lượng hàng hóa. Người giao, người nhận phải có trách nhiệm giao nhận hàng hóa có quy cách, mức chất lượng như hợp đồng đã ký.

2. Các cơ quan thành viên của Ban quản lý thị trường với chức năng của mình cần lưu ý chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể chống tệ sản xuất, mua, bán, lưu thông hàng giả, hàng không đảm bảo mức chất lượng một cách thường xuyên, liên tục. Kịp thời chấn chỉnh, quản lý chặt các đại lý, tư nhân kinh doanh các loại hàng hóa liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thuốc tân dược, thực phẩm, rượu, bia, thuốc phòng chống sâu bệnh …

Sở Thương mại và Du lịch (cơ quan thường trực Ban Quản lý thị trường) cùng với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Chi Cục Hải quan, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các cơ quan có liên quan khác như Viện Kiểm sát, Tòa án … tổ chức kiểm tra thường kỳ, đột xuất, kịp thời phát hiện và truy quét những cơ sở sản xuất, tàng trữ và buôn bán hàng giả. Tùy theo mức độ vi phạm để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh có chức năng thống nhất quản lý nhà nước và chất lượng hàng ở địa phương chủ trì phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch và các cơ quan khác nghiên cứu xây dựng những văn bản pháp quy cần thiết về hàng giả để làm cơ sở cho việc xem xét, xử lý vi phạm về sản xuất và kinh doanh hàng giả. Đồng thời có chính sách khuyến khích trong việc phát hiện, truy quét các cơ sở sản xuất tàng trữ và lưu thông hàng giả.

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cần sớm xây dựng phương án hoàn chỉnh Phòng Kiểm nghiệm. Phối hợp với các đơn vị kiểm nghiệm khác của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, quản lý ở địa phương trong đó có phân tích, kết luận về hàng giả làm cơ sở pháp lý cho việc xem xét và xử lý.

4. Các cơ quan thông tin, tuyền truyền, đài, báo ở địa phương phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trong nhân dân. Hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn hàng hóa, cách phát hiện, phân biệt hàng thật, hàng giả. Tạo dư luận xã hội mạnh mẽ lên án các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

Việc chống sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, lưu thông hàng giả là một việc làm khó khăn, phức tạp có quan hệ đến nhiều ngành, trên nhiều lĩnh vực nên cần phải được tiến hành đồng bộ bằng nhiều biện pháp kinh tế, xã hội, kỹ thuật, tổ chức, tuyên truyền, giáo dục … với sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền các cấp cộng với sự tham gia tích cực của quần chúng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp cần nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị này. Có kế hoạch cụ thể, triển khai ngay để từng bước đưa hoạt động quản lý thị trường trong đó có việc chống hàng giả được thực hiện thường xuyên, liên tục, dần dần đi vào nề nếp.

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch, Sở Y tế, Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm đôn đốc việc thi hành Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả để Ủy ban nhân dân tỉnh biết.

 

 

PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Ngọc Lâm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UB năm 1991 về tăng cường công tác quản lý nhà nước chống hành vi sản xuất buôn bán hàng giả do tỉnh Lào Cai ban hành

  • Số hiệu: 08/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/12/1991
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Hoàng Ngọc Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản