Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-BYT/CT

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH TRONG CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Trong những năm qua, các cơ sở khám, chữa bệnh đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, trong các cơ sở khám, chữa bệnh còn có nhiều tồn tại do các nguyên nhân chủ quan và khách quan sau:

- Chậm đổi mới quản lý và hoạt động khám chữa bệnh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

- Cơ sở vật chất, nhà cửa thiếu thốn. Các trang bị và phương tiện chẩn đoán và điều trị vừa thiếu, vừa cũ và lạc hậu.

- Việc quan tâm tới đào tạo liên tục nghiệp vụ để nâng cao kiến thức về chuyên môn kỹ thuật và quản lý chưa được chú ý đúng mức.

- Đời sống nhân viên y tế còn nhiều khó khăn.

- Nguyên nhân cơ bản là thiếu khoảng 50% đến 60% kinh phí để đảm bảo và ổn định chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Để khắc phục tồn tại trên, Bộ yêu cầu các Sở Y tế, các Viện có giường bệnh, bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh khác (gọi chung là các bệnh viện) phải khẩn trương thực hiện tốt 6 vấn đề cấp bách như sau:

1. Chấn chỉnh việc thu một phần viện phí, thực hiện tốt bảo hiểm y tế (BHYT)

1.1. Thu một phần viện phí:

1.1.1. Hiện nay việc thu viện phí vẫn còn có tình trạng sau:

- Thu chưa đúng đối tượng: Thu viện phí của cán bộ, công nhân viên, của người có Thẻ Bảo hiểm y tế và cả diện chính sách xã hội.

- Đánh giá chưa đúng khả năng đóng góp của người được miễn giảm một phần viện phí, thiếu quan tâm đến người nghèo, dẫn đến việc tận thu, áp đặt thu quá khả năng chịu đựng của đối tượng.

- Thu nhiều khoản, nhiều lần, nhiều nơi trong một bệnh viện nên không kiểm tra được khoản gì đúng, sai gây phiền hà cho người bệnh và làm giảm lòng tin của người bệnh đối với thầy thuốc trong việc bảo đảm chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

1.1.2. Để chấn chỉnh việc thu một phần viện phí, giám đốc bệnh viện phải thực hiện nghiêm túc các quy định sau:

a. Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức thu một phần viện phí, mỗi bệnh viện phải có một văn bản do giám đốc ký quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm cũng như danh sách những người được giao nhiệm vụ được thu một phần viện phí. Hàng tháng giám đốc họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm và điều hòa công tác này.

b. Các đối tượng được miễn, giảm một phần viện phí phải do giám đốc xem xét và quyết định.

c. Chấm dứt hiện tượng thu riêng lẻ, sai trái do những người không được giám đốc giao trách nhiệm cũng như dịch vụ sai trái với những quy định của Nhà nước và bệnh viện.

d. Tiền thu được phải được hạch toán theo công văn hướng dẫn số 4034/KH-TC ngày 1/8/1989 của Vụ Tài chính - Kế toán Bộ Y tế kể cả tiền thu do hình thức tổ chức giường tự nguyện hay theo yêu cầu.

1.2. Thực hiện BHYT đối với đối tượng bắt buộc:

1.2.1. Các bệnh viện phải ký hợp đồng với cơ quan BHYT để khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng BHYT bắt buộc theo Nghị định 299/HĐBT ngày 15/8/92 và tổ chức tốt việc phục vụ người có thẻ BHYT.

Giá của hợp đồng BHYT hiện nay là giá tạm tính, giá sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực tế tại các bệnh viện và cân đối với mức đóng của người có thẻ BHYT.

1.2.2. Cơ quan BHYT nào phát hành thẻ BHYT thì cơ quan đó sẽ chi trả cho bệnh viện đã khám chữa bệnh cho người có thẻ nơi đó phát. Các bệnh viện phải nhận khám bệnh, chữa bệnh cho những người có thẻ BHYT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHYT ngành và BHYT Việt Nam với giá mà bệnh viện đang làm BHYT cho tỉnh mình. BHYT Việt Nam hướng dẫn BHYT tỉnh, thành khám bệnh, chữa bệnh giữa các tỉnh với nhau và các tỉnh với BHYT VN.

1.2.3. Khi khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT, các bệnh viện không được thu một phần viện phí hoặc bất cứ một khoản lệ phí, dịch vụ nào.

1.2.4. Cán bộ CNV của bệnh viện và các cơ sở y tế phải gương mẫu đóng góp BHYT như các đối tượng bắt buộc BHYT đã quy định; các thầy thuốc khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ công nhân viên bệnh viện có thẻ BHYT như đối với các đối tượng BHYT khác, tránh nể nang, lạm dụng.

2. Chấn chỉnh việc thực hiện các quy chế, chế độ chuyên môn nhằm làm giảm tối đa những sai sót, tai nạn điều trị có thể xảy ra.

2.1. Căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị về trình độ, chuyên môn kỹ thuật, nhân lực, điều kiện thực hành, hội đồng khoa học của bệnh viện kiến nghị với ban giám đốc những vấn đề còn yếu kém và những điêù kiện thực hành cần thiết để thực hiện nghiêm túc các quy chế, chế độ chuyên môn.

2.2. Giám đốc bệnh viện căn cứ vào kiến nghị của hội đồng khoa học kỹ thuật để chọn lựa ra những ưu tiên bổ sung hoàn thiện điều kiện hành nghề. Trước mắt là quy chế vô trùng tiệt khuẩn và quy chế truyền máu được coi là hai đề án lớn của bệnh viện.

2.3. Việc thực hiện quy chế vô trùng, tiệt khuẩn vầ quy chế truyền máu đòi hỏi trang thiết bị đặc biệt. Kinh phí cho hai đề án này chia thành hai giai đoạn: Cấp bách trước mắt và cơ bản lâu dài. Phần kinh phí cấp bách được trình lên xin hỗ trợ bổ sung ở cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp bệnh viện.

2.4. Đẩy mạnh cuộc vận động sử dụng an toàn hợp lý thuốc và điều trị theo "hướng dẫn thực hành điều trị - Bộ Y tế". Tổ chức lại khoa dược, bảo đảm cung cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân BHYT, bệnh nhân ở diện chính sách xã hội và tổ chức bán thuốc cho bệnh nhân phải nộp viện phí.

3. Nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh:

3.1. Giám đốc bệnh viện với sự hợp tác giúp đỡ của y tá trưởng bệnh viện, căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị, sắp xếp lại nhân lực, xây dựng quy trình chăm sóc và tổ chức thực hiện quy trình đó để người bệnh được chăm sóc theo từng loại bệnh và theo phân cấp hộ lý.

3.2. Phải đổi mới và thực hiện phương pháp phân công y tá chăm sóc bệnh nhân toàn diện chứ không phân công để chăm sóc theo từng dịch vụ như tiêm, thay băng...

Mỗi y tá được phân công trách nhiệm chăm sóc toàn diện một số bệnh nhân và tuỳ theo trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ có thêm sự giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật của y tá khác có trình độ cao hơn.

3.3. Y tá trưởng bệnh viện thường xuyên kiểm tra lại các điều kiện hành nghề của y tá, kỹ thuật viên để thường xuyên kiến nghị với giám đốc bệnh viện chỉ đạo các phòng chức năng cung cấp các điều kiện để y tá thực hiện các quy chế, chế độ chuyên môn, đặc biệt là quy chế vô trùng, tiệt khuẩn và quy chế truyền máu.

3.4. Các phòng mổ, đẻ, hồi sức cấp cứu, hậu phẫu, phòng điều trị bỏng không được để người nhà vào chăm sóc. Bệnh nhân ở các phòng này và bệnh nhân hộ lý cấp 3 phải do y tá chăm sóc và cho ăn.

4. Vệ sinh trật tự:

4.1. Giám đốc bệnh viện chỉ đạo y tá trưởng bệnh viện phối hợp với các phòng chức năng, các khoa lập kế hoạch bảo đảm vệ sinh trong bệnh viện, cung cấp các điều kiện triển khai thực hiện kế hoạch vệ sinh phòng bệnh.

4.2. Y tá trưởng bệnh viện, y tá trưởng khoa hàng ngày phải dành thời gian kiểm tra và nhắc nhở những khuyết điểm trong việc bảo đảm vệ sinh hoàn cảnh, vệ sinh trật tự bệnh phòng, vệ sinh nhà bếp và ăn uống.

4.3. Y tá, kỹ thuật viên chịu trách nhiệm về vệ sinh của người bệnh, giường bệnh và phòng kỹ thuật, vệ sinh sàn nhà, hành lang, hố xí, hố tiểu, vệ sinh hoàn cảnh thuộc về vệ sinh công cộng trong bệnh viện.

4.4. Cán bộ công nhân viên bệnh viện phải gương mẫu chấp hành và giữ gìn vệ sinh trật tự, đồng thời vận động tuyên truyền giáo dục người bệnh thực hiện nội quy buồng bệnh.

5. Nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, bảo đảm quyền lợi người bệnh.

5.1. Thu một phần viện phí là trách nhiệm và tự nguyện đóng góp của người bệnh thuộc đối tượng thu một phần viện phí để bảo đảm chất lượng điều trị cho mình. Người bệnh đóng tiền cho người được bệnh viện giao trách nhiệm thu, trên biên lai thu tiền có ghi "tự nguyện nộp viện phí".

Đối với BHYT bắt buộc, nếu đi khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ BHYT thì phải thanh toán viện phí thu đủ.

5.2. Nghiêm cấm các thầy thuốc, y tá, nhân viên bệnh viện bán thuốc cho bệnh nhân tại phòng khám, tại bệnh phòng. Người bệnh mua thuốc theo chỉ thị của Chủ nhiệm khoa và do khoa dược của bệnh viện tổ chức thực hiện.

5.3. Bệnh viện tổ chức khoa dinh dưỡng theo cơ chế dịch vụ và có chế độ ăn bệnh lý. Xoá bỏ các tụ điểm hàng quán dịch vụ quà bánh ăn uống mất vệ sinh, trật tự trong bệnh viện và cổng bệnh viện.

5.4. Tất cả các thầy thuốc, nhân viên bệnh viện phải đề cao tính nhân ái trong thái độ tiếp xúc và phục vụ bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế. Thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ: "Thầy thuốc như mẹ hiền".

6. Chăm lo đời sống CBCNV

Giám đốc bệnh viện phải phối hợp với Chủ tịch công đoàn bệnh viện tăng cường chăm lo cải thiện đời sống và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho CBCNV của bệnh viện, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh trong bệnh viện.

7. Tổ chức thực hiện:

7.1. Giám đốc các bệnh viện, dựa vào nội dung của chỉ thị này, căn cứ vào đặc điểm tình hình đơn vị mình, soạn thảo bổ sung xây dựng "Kế hoạch hành động 1993 về những vấn đề cấp bách của bệnh viện", tổ chức học tập, thảo luận, triển khai và thực hiện đạt hiệu quả trong bệnh viện. Đây là những kế hoạch mà Bộ Y tế sẽ kiểm tra, đánh giá, nhận xét bệnh viện vào cuối năm 1993.

7.2. Vụ Quản lý sức khoẻ, Ban thanh tra Bộ Y tế và các Vụ liên quan, các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra, thanh tra, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ và các cấp thẩm quyền.

7.3. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo nguồn kinh phí và chỉ đạo các Sở Y tế, bệnh viện trong tỉnh thực hiện chỉ thị này của Bộ Y tế.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, các đơn vị, địa phương phải báo cáo về Bộ (Vụ QLSK) để kịp thời bổ sung, sửa đổi.

 

 

Lê Ngọc Trọng

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08-BYT/CT năm 1963 về một số vấn đề cấp bách trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành

  • Số hiệu: 08-BYT/CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/06/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Lê Ngọc Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/06/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản