Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2014/CT-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 06 tháng 5 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH SAU ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Tiếp sau Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã tạo bước đột phá về cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xóa bỏ cơ bản các rào cản đăng ký gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp. Từ đó, đã khơi dậy các nguồn lực của xã hội tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước cũng như của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Số lượng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn của tỉnh không ngừng tăng lên, hiện tại trên địa bàn tỉnh có hơn 9.500 doanh nghiệp và 47.500 hộ kinh doanh còn đăng ký hoạt động. Trong quá trình hoạt động, đa số các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định pháp luật. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận doanh nghiệp và hộ kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan trong quá trình hoạt động, dẫn đến vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, vi phạm quy định về thuế, về chế độ, chính sách đối với người lao động, về bảo vệ môi trường,... làm ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012, phê duyệt đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập. Để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, hỗ trợ tạo sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ thị như sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn.

- Thiết lập các đường “dây nóng” và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tiếp nhận phản ánh về vi phạm của doanh nghiệp tại Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) đóng trên địa bàn theo thẩm quyền, đồng thời thông báo kịp thời cho các cơ quan có liên quan và Sở Kế hoạch và Đầu tư các doanh nghiệp vi phạm pháp luật để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật. Để phối hợp trong công tác kiểm tra doanh nghiệp, hàng năm Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm gửi kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp của địa phương về Sở Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, chậm nhất là ngày 05/12 của năm trước năm kế hoạch.

- Chỉ đạo một cơ quan trực thuộc làm đầu mối phối hợp với Chi Cục thuế, các ban, ngành của địa phương và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động của các hộ kinh doanh; lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra hộ kinh doanh trên địa bàn theo thẩm quyền; định kỳ rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh trên địa bàn.

2. Các sở, ngành của tỉnh:

- Tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực quản lý.

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực quản lý. Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ngành có liên quan trong việc lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp trong việc chấp hành các điều kiện kinh doanh, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Thông báo kịp thời các vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra cho các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

- Để phối hợp trong công tác kiểm tra doanh nghiệp, hạn chế việc gây phiền hà cho doanh nghiệp, hàng năm các Sở ngành có trách nhiệm gửi kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp của đơn vị về Sở Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, chậm nhất là ngày 05/12 của năm trước năm kế hoạch.

3. Cục Thuế tỉnh:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp về thuế; kiểm tra việc chấp hành các quy định về thuế của doanh nghiệp và công tác thanh quyết toán thuế đối các doanh nghiệp giải thể.

- Ngành Thuế (Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế) củng cố, duy trì đường dây “điện thoại nóng” để tiếp nhận, hướng dẫn, xử lý thông tin, quy định về thuế; công khai số điện thoại thường trực này để tổ chức, công dân biết.

- Thông qua việc quản lý thu thuế, giám sát và thông báo kịp thời cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ngành liên quan các doanh nghiệp kinh doanh không đúng địa chỉ đăng ký, doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký để phối hợp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; Định kỳ hàng quý phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đối chiếu số liệu doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh: tổ chức phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật thuộc ngành nghề, lĩnh vực quản lý. Chủ động tổ chức kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt là ngành nghề quy định điều kiện về an ninh trật tự, đồng thời thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan các vi phạm của doanh nghiệp để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật; Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu vi phạm khi có đề nghị của các đơn vị liên quan.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm tham mưu, tổng hợp báo cáo, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc doanh nghiệp do phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo thẩm quyền.

- Chịu trách nhiệm rà soát kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để điều phối hoạt động kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công tác kiểm tra hiệu quả, tránh trùng lắp, gây phiền hà, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Phối hợp với Cục thuế, Cục Thống kê, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh định kỳ hàng quý đối chiếu số liệu về doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh.

- Cung cấp thông tin doanh nghiệp đăng ký; doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động cho các Sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

- Theo dõi, đôn đốc công tác kiểm tra sau đăng ký kinh doanh và tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh trên địa bàn.

6. Đề nghị các Tổ chức đại diện của doanh nghiệp: VCCI Chi nhánh Vũng Tàu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Xuất Khẩu, Hội Doanh nhân trẻ, Hội doanh nghiệp Cựu chiến binh, Hiệp hội Du lịch, Hội Xây dựng,… tăng cường thông tin, phổ biến các chính sách pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến đăng ký kinh doanh, các chính sách thuế, đất đai, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp… và tích cực vận động doanh nghiệp – hội viên chấp hành tốt các quy định của pháp luật nói chung và chấp hành sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước …

7. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:

- Phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật và các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thông tin về hoạt động của các cơ quan quản lý, việc xử lý các hành vi vi phạm nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Tập trung phê phán các hành vi cố ý vi phạm pháp luật; đồng thời tích cực biểu dương các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước.

8. Phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và thông tin, báo cáo:

- Các sở, ngành Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề có điều kiện thuộc thẩm quyền quản lý, cơ quan chủ trì kiểm tra có trách nhiệm mời các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cùng kiểm tra doanh nghiệp.

- Trong phạm vi quyền hạn của mình, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, có trách nhiệm xử lý vi phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý theo quy định hiện hành.

Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cơ quan xử lý vi phạm thông báo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

- Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo phạm vi và lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ hàng quý vào ngày 15 tháng cuối quý và báo cáo cả năm trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, đồng thời gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Văn Niên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/2014/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 08/2014/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Hồ Văn Niên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản