Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2008/CT-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 31 tháng 3 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Qua hơn 3 năm thực hiện Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu mới, lượng án tồn đọng vẫn còn ở mức cao. Công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự và công tác phối hợp có nơi chưa làm thường xuyên, sự chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án còn những bất cập; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự còn hạn chế, chưa đồng đều, kỷ cương, kỷ luật trong thi hành án có lúc có nơi chưa thật sự nghiêm minh.

Để chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém nêu trên và tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được những yêu cầu mới về cải cách tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Chủ động tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 1, Điều 58 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004.

- Duy trì hoạt động và đề xuất kiện toàn Ban chỉ đạo thi hành án dân sự 2 cấp tỉnh, huyện. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoạt động thi hành án dân sự, nhất là đối với những vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, những trường hợp phải tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương và những khiếu nại về thi hành án phức tạp, gặp vướng mắc, tồn đọng kéo dài.

- Giám đốc Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ về quản lý tổ chức, cán bộ của các cơ quan Thi hành án dân sự ở địa phương theo uỷ quyền của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp. Đặc biệt quan tâm đến công tác qui hoạch cán bộ, kiện toàn tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tăng cường hỗ trợ, phối hợp cùng cơ quan Thi hành án thực hiện tốt công tác thi hành án, nhất là đối với một số công việc như cung cấp thông tin, xác minh, kê biên, định giá, xử lý các loại tài sản bảo đảm thi hành án. Các ngành chức năng tham mưu với Ủy ban nhân dân Tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giải quyết mặt bằng để các cơ quan Thi hành án dân sự xây dựng hệ thống kho bảo quản tài sản, vật chứng.

3. Công an Tỉnh phân công lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Thi hành án cùng cấp để xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn các cuộc cưỡng chế thi hành án dân sự, đảm bảo tốt tình hình an ninh, trật tự tại các khu vực, địa bàn cưỡng chế. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để đưa ra truy tố, xét xử những hành vi cản trở, chống đối, ngăn chặn không cho các lực lượng chức năng thực hiện việc thi hành án dân sự; nhất là những trường hợp sau khi cưỡng chế giao quyền sử dụng đất, nhà ở, nhưng người phải thi hành án tái chiếm lại tài sản xét thấy hành vi đó có dấu hiệu của tội phạm.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ được quy định tại khoản 2, Điều 58 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, chỉ đạo Phòng Tư pháp thực hiện chức năng giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về thi hành án dân sự.

5. Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm.

- Phải thực hiện triệt để các nhiệm vụ cụ thể quy định tại Điều 12 Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ. Chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thi hành các bản án có điều kiện thi hành, nhằm đưa tỷ lệ thi hành án vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao. Thường xuyên triển khai và chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thị, thành phố tiến hành tổng rà soát các vụ việc tồn đọng, phân tích nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, nhất là những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng vẫn chưa thi hành được; đồng thời áp dụng các biện pháp giải quyết có hiệu quả các việc thi hành án tồn đọng.

- Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong lĩnh vực thi hành án; chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp thi hành án hiệu quả, phấn đấu giảm lượng án dân sự tồn đọng, thường xuyên xác minh, phân loại và xử lý án theo quy định pháp luật.

- Coi trọng công tác vận động, giáo dục thuyết phục ý thức tự nguyện của người phải thi hành án; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án, nhưng cố tình né tránh không chịu thi hành án.Thực hiện tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thi hành án.

- Tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn trong hoạt động đôn đốc thi hành án đối với số vụ việc thi hành án dân sự có giá trị không quá 500.000 đồng; kịp thời giải quyết các vướng mắc ở cơ sở.

6. Thi hành án dân sự 2 cấp tỉnh, huyện phải đẩy mạnh công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Đơn phải được giải quyết kịp thời, tại chỗ ngay từ khi mới phát sinh, không để tồn đọng đơn khiếu nại bức xúc, gay gắt. Thực hiện tốt quy chế tiếp công dân trong giải quyết việc thi hành án; tích cực phòng ngừa và kiên quyết xử lý các hiện tượng thiếu trách nhiệm, gây phiền hà hoặc có thái độ nhũng nhiễu trong công tác thi hành án.

7. Báo, Đài phát thanh và truyền hình Đồng Tháp, Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch phối hợp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, các cơ quan Thi hành án dân sự để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự. Kịp thời đưa tin, bài về hoạt động thi hành án dân sự để tạo sự hưởng ứng tích cực trong đời sống xã hội.

8. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh tăng cường phối hợp với cơ quan Thi hành án cùng cấp, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, cơ quan cấp dưới phối hợp, hỗ trợ các cơ quan Thi hành án dân sự.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Chỉ thị số 11/1999/CT-UB ngày 22/3/1999 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/2008/CT-UBND về tăng cường công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 08/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/03/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Trương Ngọc Hân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/04/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản