Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08 /2005/CT-UBT

Sóc Trăng, ngày 30 tháng 6 năm 2005

 

CHỈ THỊ

V/V CUỘC VẬN ĐỘNG TOÀN DÂN GIAO NỘP VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Qua gần mười năm thực hiện Nghị định số 47/CP, ngày 12/8/1996 của Chính phủ, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, các cấp, các ngành và lực lượng Công an, Quân sự đã tích cực thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, từng bước đưa công tác này đi vào kỷ cương, nề nếp, tuy nhiên trong thời gian gần đây, tình trạng một số người buôn bán, sử dụng vật liệu nổ để đánh bắt thủy sản trái phép, sử dụng các loại súng săn để săn bắt động vật bừa bãi, bên cạnh đó, tội phạm và các phần tử xấu sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hung khí tự chế để gây án, giải quyết mâu thuẫn cá nhân, thanh toán lẫn nhau,..v..v... vẫn còn xảy ra, đã ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên và triển khai thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 27/BCA/KH (C11-C13), ngày 8/4/2005 của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:

1/ Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng có liên quan, cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các Đoàn thể cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản của Nhà nước về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là Nghị định số 47/CP của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Chỉ thị số 359/TTg, ngày 29/5/1996 về biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loại động vật hoang dã, số 01/1998/CT-TTg, ngày 02/01/1998 về cấm sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để đánh bắt thủy sản, số 406/TTg, ngày 8/81994 của Thủ tướng Chính phủ: về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ; Quyết định số 464/QĐ-BNV, ngày 27/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành danh mục các đồ chơi nguy hiểm bị cấm,…. giúp mọi người hiểu rõ và tích cực tham gia, tạo phong trào quần chúng rộng khắp tự giác phát hiện, tố giác, thu hồi và giao nộp các loại phương tiện này cho chính quyền địa phương.

Việc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải kiên trì, tích cực, thận trọng, mền dẽo, lấy công tác tuyên truyền, giáo dục là chính, tạo sự đồng thuận của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân, xem đây là công tác trọng tâm thường xuyên, là nội dung quan trọng trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn, gắn với triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2005 - 2010, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Xây dựng kế hoạch phải xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp và chỉ đạo triển khai thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở địa phương.

3/ Thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở cấp huyện, xã, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng Ban, Thủ trưởng cơ quan Công an làm Phó Trưởng Ban thường trực, Thủ trưởng cơ quan Quân sự làm Phó Trưởng Ban, các ủy viên gồm: Bộ đội Biên phòng (huyện có Biên phòng), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu Chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Văn hóa Thông tin (riêng cấp xã không cơ cấu thành viên Bộ đội Biên phòng và Liên đoàn Lao động).

Ban Chỉ đạo từng cấp có trách nhiệm tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, những người có uy tín trong khóm ấp, dân tộc, tôn giáo,…. Tập trung mở đợt cao điểm thực hiện cuộc vận động từ nay đến hết tháng 9 năm 2005, sau đó tiến hành sơ kết và đưa công tác này vào nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành.

Định kỳ 6 tháng, năm tổ chức sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Cơ quan Công an có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình, số liệu và báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động cho Ban Chỉ đạo cùng cấp.

4/ Cơ quan Công an, Quân sự các cấp trong tỉnh với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan tổ chức rà soát, thống kê, phân loại và lập danh sách cụ thể những tổ chức, cá nhân có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên từng địa bàn huyện, thị, xã, phường, thị trấn. Chú ý chọn điểm chỉ đạo ở địa bàn trọng điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh và thực hiện nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả, thiết thực như vận động, giáo dục, thuyết phục, biểu dương, nêu gương điển hình những người tự giác giao nộp các phương tiện này.

Tổ chức tốt các điểm tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và bố trí cán bộ thường trực để việc giao nộp, tố giác của nhân dân được nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời, thực hiện đầy đủ thủ tục giao nhận, có biện pháp kiểm tra, phân loại, xử lý, bảo quản và đưa vào kho cất giữ an toàn các phương tiện thu hồi được theo quy định.

5/ Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Công an, Quân sự và Ban Chỉ đạo cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

6/ Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể các cấp trong tỉnh tích cực tham gia cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là có biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, động viên nhân dân tự giác phát hiện, tố giác, thu hồi và giao nộp các phương tiện này cho chính quyền địa phương.

Căn cứ Chỉ thị này, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn.

Giao Giám đốc Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả cho Bộ Công an và UBND tỉnh.

 

 

TM.UBND TỈNH SÓC TRĂNG
CHỦ TỊCH




Huỳnh Thành Hiệp

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/2005/CT-UBND về cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

  • Số hiệu: 08/2005/CT-UBT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/06/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Huỳnh Thành Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản