Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2005/CT-UB

Pleiku, ngày 30 tháng 05 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THU HỒI, VẬN ĐỘNG TOÀN DÂN GIAO NỘP VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị định 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được một số kết quả, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên việc trang bị, bảo quản sử dụng vũ khí, vật liệu nổ còn nhiều sơ hở, thiếu sót, quản lý không chặt chẽ, chấp hành không nghiêm chế độ quy định, sử dụng tuỳ tiện gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí vật liệu nổ trái phép vẫn còn xảy ra đáng chú ý là việc cưa bom, đạn để lấy thuốc nổ đánh bắt thuỷ sản, khai thác khoáng sản trái phép hoặc vận chuyển trên các phương tiện giao thông gây cháy, nổ. Thời gian gần đây bọn tội phạm thường sử dụng các loại hung khí này để gây án, đã làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của công dân, gây tâm lý lo ngại trong nhân dân.

Để chấn chỉnh những tồn tại trên và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban ngành, các đơn vị Bộ đội đóng chân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã trực tiếp chỉ đạo mở đợt tổng kiểm tra thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập ban chỉ đạo vận động thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chỉ đạo các cơ quan, Ban ngành, đoàn thể, UBND xã, phường, thị trấn có kế hoạch kiểm tra, thống kê, rà soát thực trạng số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và đồ chơi nguy hiểm hiện có ở địa phương hoặc trong cơ quan đơn vị mình. Mở đợt phát động toàn dân, cán bộ công nhân viên trong địa phương, cơ quan tự giác giao nộp, phát hiện tố giác và tham gia thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với nhiều hình thức linh hoạt kể cả đổi quà hoặc mua lại, chú trọng các địa bàn trọng điểm mà hiện nay lượng vũ khí, vật liệu nổ còn lưu giữ nhiều. Số vũ khí tự chế do đồng bào từ các tỉnh phía bắc di cư vào thì vận động, thuyết phục họ giao nộp.

2. Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh chỉ đạo các cơ quan quân sự, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc trang bị, bảo quản, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Phát hiện thu giữ ngay số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang tàng trữ, sử dụng trái phép trong các tổ chức và cá nhân, chủ động việc tiếp nhận và tổ chức tiêu huỷ số vũ khí, vật liệu nổ, bom, đạn do nhân dân giao nộp đảm bảo thuận lợi và an toàn đúng quy định. Giám đốc Sở Công nghiệp và các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải quản lý chặt chẽ mặt hàng này, tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt và chịu trách nhiệm nếu để vật liệu nổ công nghiệp thất thoát hoặc bị cấp phát, sử dụng trái phép.

3. Ngành Tư pháp, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, các đài truyền hình, truyền thanh ở huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh việc phổ biến tuyên truyền sâu rộng các văn bản của Nhà nước về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và tính chất nguy hiểm của các loại phương tiện này để các cấp, các ngành, các đoàn thể và mọi công dân nhận thức đúng và tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồng thời phát hiện tố giác mọi hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép cho các cơ quan chức năng.

4. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân mua bán, trao đổi, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép. Tất cả vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của tổ chức, cá nhân sử dụng mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp là vi phạm pháp luật. Tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc. Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự và Giám đốc Sở Công nghiệp theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này, trong đó Giám đốc Công an tỉnh là cơ quan thường trực. Các báo cáo triển khai của các ngành và địa phương phải gửi về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 20/8/2005. Định kỳ 6 tháng, các ngành và địa phương tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh). Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM/ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/2005/CT-UB về thu hồi, vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu: 08/2005/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/05/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Phạm Thế Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/06/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 03/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản