Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2003/CT-BCN

Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG SẢN XUẤT VÀ SINH HOẠT

Thời gian qua nhiều tổ chức cá nhân sử dụng điện đã thực hiện tốt việc tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt nhưng tình trạng lãng phí điện vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, công sở và doanh nghiệp. Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp điều hoà phụ tải nhưng vẫn còn hiện tượng quá tải dẫn đến sự cố mất điện. Do tốc độ tăng trưởng nhanh của phụ tải vượt so với khả năng đầu tư nguồn điện. đặc biệt do thiếu hụt công suất cao điểm tối đã dẫn đến mất ổn định hệ thống điện. Nhà nước đã và đang tích cực đầu tư nguồn và lưới điện để đáp ứng kịp nhu cầu kinh tế, xã hội, nhưng thời gian tới vẫn chưa thể khắc phục được sự thiếu hụt về công suất, đặc biệt vào giờ cao điểm tối.

Để hạn chế những ảnh hưởng xấu do tình trạng thiếu hụt công suất cao điểm tối dẫn đến sự cố ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt, Bộ Công nghiệp yêu cầu các Sở Công nghiệp, các Tổng công ty, các cơ quan, doanh nghiệp trong toàn ngành Công nghiệp và các địa phương thực hiện tốt việc tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt. Bộ giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các Sở Công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

I. TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC VIỆT NAM:

1. Thực hiện phương án vận hành ồn định, an toàn hệ thống điện, khai thác tối đa các nguồn thuỷ điện và nhiệt điện.

2. Có phương án huy động công suất của các nguồn điện mua và nguồn điện dự phòng của khách hàng để sử dụng trong thời gian thiếu công suất.

3. Lập phương án trình Bộ Công nghiệp dự báo khả năng công suất nguồn, khả năng thiếu công suất phụ tải từng khu vực và các giải pháp khắc phục.

4. Chỉ đạo các Công ty Điện lực và các Điện lực địa phương giữ nghiêm kỷ luật vận hành không để xảy ra sự cố chủ quan, phối hợp với các ngành, các cấp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.

5. 'Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện nhằm ngăn chặn sự cố gây mất điện,

6. Duy tu, bảo dưỡng kịp thời các thiết bị phân phối và truyền tải điện để hạn chế sự cố.

7. Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp tiết kiệm điện và các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm trong cung ứng và sử dụng điện.

8. Đẩy mạnh tiến độ lắp đặt công tơ điện tử nhiều biểu giá.

9. Phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp tổ chức kiểm tra và yêu cầu hộ mua điện phải thực hiện đúng biểu đồ phụ tải và chế độ ca kíp đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện.

II. SỞ CÔNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CÓ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP VỚI CÔNG TY ĐIỆN LỰC HOẶC ĐIỆN LỰC ĐỊA PHƯƠNG:

1. Xây dựng phương án điều hoà phụ tải theo thứ tự ưu tiên đối với các hộ sử dụng điện lớn, quan trọng đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nực thuộc Trung ương duyệt.

2. Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp tiết kiệm điện và các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm trong cung ứng và sử dụng điện.

3. Khuyến khích các hộ sử dụng điện vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng các thiết bị điện hợp lý nhằm giảm công suất vào giờ cao điểm.

4. Kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải vào giờ cao điểm.

III. CÁC TỔNG CÔNG TY VÀ CÁC CƠ QUAN DOANH NGHIỆP THUỘC BỘ

1. Trong khả năng kinh phí cho phép, thay thế các thiết bị quá non tải, quá cũ hiệu suất sử dụng điện quá thấp.

2. Các xí nghiệp sản xuất 3 ca cần rà soát, sắp xếp dây chuyền sản xuất để giảm đến mức thấp nhất các thiết bị có công suất lớn sử dụng vào giờ cao điểm (từ 18 giờ đến 22 giờ hàng ngày) và tăng cường sử dụng các thiết bị này vào giờ thấp điểm.

3. Các xí nghiệp sản xuất 1 ca hoặc 2 ca cần bố trí các thiết bị sử dụng điện hợp lý vào giờ cao điểm.

4. Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp cần nghiên cứu cải tiến hệ thống chiếu sáng, quạt và hệ thống điều hoà, tủ lạnh, bình nóng lạnh.... để tiết kiệm điện.

5. Chuẩn bị tốt nguồn phát điện diesel, nguồn phát điện độc lập để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng khi thiếu công suất.

IV. CỤC KỸ THUẬT AN TOÀN CÔNG NGHIỆP:

Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Hoàng Trung Hải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/2003/CT-BCN thực hiện tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt do Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 08/2003/CT-BCN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/07/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 96
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 05/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản