Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/1999/CT-BYT

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1999 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG LỒNG GHÉP CHĂM SÓC TRẺ BỆNH TẠI VIỆT NAM

Trong những năm qua, ngành Y tế đã triển khai các chương trình y tế quốc gia để giám sát và phòng chống các bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở trẻ em. Nhờ các chương trình này số mắc và số chết một số bệnh phổ biến ở trẻ em đã giảm đáng kể, nhất là với trẻ em dưới 5 tuổi. Các chương trình này được triển khai theo hệ thống dọc từ trung ương xuống cơ sở nhưng lại thiếu lồng ghép ngang. Tại địa phương, khi triển khai, các chương trình đều có nhu cầu huấn luyện cho cán bộ y tế tuyến xã về cách xử trí và chăm sóc trẻ bệnh nhưng do kỹ thuật chưa được thống nhất nên chất lượng chưa đạt được yêu cầu chăm sóc trẻ bệnh một cách toàn diện. Trên thực tế, các cán bộ y tế thường gặp khó khăn trong việc xử trí các trường hợp có nhiều bệnh kết hợp. Nhiều dự án quốc gia và quốc tế về y tế cùng lập kế hoạch triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ trẻ em tại địa phương nhưng lại thiếu sự phối hợp, lồng ghép nên có sự trùng lặp trong một số lĩnh vực như đào tạo, theo dõi, giám sát... làm tăng gánh nặng cho y tế cơ sở.

Thực trạng đó đòi hỏi phải có sự phối hợp của các chương trình có cùng mục tiêu và đối tượng phục vụ để tập trung nguồn lực, thống nhất kỹ thuật, lồng ghép các nội dung hoạt động có liên quan đến những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở trẻ dưới 5 tuổi. Từ nhu cầu trên, tại Quyết định số 1821/QĐ-BYT ngày 17-6-1999, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập Ban Điều hành hoạt động Chiến lược lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh, do Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế làm Trưởng Ban.

Các nội dung của Hoạt động lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (viết tắt là "Hoạt động IMCI")_, là:

- Nâng cao kỹ năng xử trí trẻ bệnh cho cán bộ y tế, nhất là y tế cơ sở.

- Củng cố hệ thống y tế phục vụ cho việc lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh một cách có hiệu quả hơn.

- Cải thiện thực hành chăm sóc sức khoẻ trẻ tại gia đình và cộng đồng.

1. Việc triển khai Hoạt động IMCI phải đạt được các yêu cầu sau:

2. Kết hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em theo cách làm của Hoạt động IMCI và coi đây là một nội dung cải tiến quản lý ưu tiên, góp phần giảm bớt lãng phí do thiếu lồng ghép hoạt động của các chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em.

3. Huy động nguồn lực của các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ cùng tham gia lập kế hoạch và triển khai đồng bộ 3 nội dung của Hoạt động IMCI.

Đưa Hoạt động IMCI vào kế hoạch hoạt động của các đơn vị, địa phương cho từng giai đoạn để đào tạo cán bộ kỹ thuật và hướng dẫn viên Hoạt động IMCI cho các tuyến và các chương trình y tế có liên quan; giới thiệu nội dung và kỹ thuật triển khai Hoạt động IMCI cho các cán bộ quản lý các cấp, các chương trình y tế, các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học y tế; thống nhất kỹ thuật và phương pháp triển khai Hoạt động IMCI tại các địa phương.

Để thực hiện các yêu cầu trên đây, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ, các Đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Chương trình, Dự án Y tế thực hiện ngay các việc sau đây:

1/- Thủ trưởng các Vụ, Cục, Văn phòng và Thanh tra Bộ Y tế có trách nhiệm:

- Thông báo chủ trương của Bộ Y tế để các địa phương, đơn vị thực hiện các nội dung của Hoạt động IMCI.

- Lập kế hoạch huy động, điều phối các nguồn lực (cả trong nước và quốc tế) để triển khai Hoạt động IMCI.

- Hướng dẫn các Viện, các Bệnh viện lồng ghép các nội dung của Hoạt động IMCI vào trong các hoạt động có liên quan đến chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Giới thiệu Hoạt động IMCI cho các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học y tế và nghiên cứu việc ứng dụng các nội dung kỹ thuật của Hoạt động IMCI trong công tác đào tạo, hướng dẫn thực hành cho sinh viên.

- Hỗ trợ các địa phương, cơ sở, các chương trình, dự án y tế có liên quan triển khai Hoạt động IMCI.

2/- Ban Điều hành Hoạt động IMCI trung ương có trách nhiệm:

- Điều phối các Hoạt động IMCI.

- Chủ động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực cho việc triển khai các Hoạt động IMCI.

- Hướng dẫn các địa phương, các dự án, các nhà tài trợ lập kế hoạch và bổ sung kinh phí cho các Hoạt động IMCI. Theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động cho từng khu vực và từng giai đoạn triển khai.

- Thiết lập và duy trì hoạt động của Văn phòng kỹ thuật Hoạt động IMCI làm đầu mối liên lạc với các Viện, các Chương trình y tế có liên quan, tổng hợp các thông tin, báo cáo với Bộ Y tế về tiến độ và chất lượng triển khai Hoạt động IMCI tại các địa phương.

3/- Đối với Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ:

- Thủ trưởng Viện Nhi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng trung ương, Viện Lao và Bệnh phổi, Viện Dinh dưỡng có trách nhiệm phối hợp với các Viện, Bệnh viện Trung ương và Khu vực cùng với Nhóm kỹ thuật IMCI (do các đơn vị tuyển cử) hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ các tỉnh tổ chức triển khai và đánh giá chất lượng, hiệu quả Hoạt động IMCI.

- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nơi đặt Văn phòng kỹ thuật IMCI, có trách nhiệm hỗ trợ cho các hoạt động của Văn phòng kỹ thuật và cung cấp những cán bộ có năng lực làm việc lâu dài cho Hoạt động IMCI.

4/- Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành triển khai Hoạt động IMCI tại địa phương mình như thành lập Ban Điều hành, lập kế hoạch phối hợp các hoạt động, theo dõi, hỗ trợ mạng lưới y tế triển khai các hoạt động IMCI... theo các nội dung kỹ thuật đã được thống nhất.

5/- Chủ nhiệm các chương trình, dự án có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các tuyến lập kế hoạch phối hợp các hoạt động đào tạo, theo dõi, giám sát và hỗ trợ các địa phương triển khai Hoạt động IMCI theo nội dung hoạt động của từng chương trình, dự án.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra - Bộ Y tế, Thủ trưởng các Đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ nhiệm các Chương trình, Dự án có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả lên Bộ trưởng Bộ Y tế./.

 

 

Nơi nhận: 
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng BYT,
- Các Vụ, Cục, V/phòng và TTra Bộ,
- Các Đơn vị trực thuộc Bộ,
- Các Chương trình mục tiêu Y tế,
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW,
- Ban Quản lý các dự án,
- Vụ Pháp chế BYT,
- Lưu Vụ TCCB/BYT,
- Lưu trữ..

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Đỗ Nguyên Phương

 



HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/1999/CT-BYT về việc tăng cường triển khai hoạt động lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 08/1999/CT-BYT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/10/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Nguyên Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/10/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 13/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản