Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Bình Phước, ngày 11 tháng 03 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT, KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH TRA THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2861/2008/QĐ-TTCP NGÀY 22/12/2008 CỦA TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 2861/2008/QĐ-TTCP ngày 22/12/2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ về ban hành Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra (gọi tắt là Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra), các cơ quan thanh tra các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của Đoàn Thanh tra đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn Thanh tra, nâng cao vị trí, vai trò thanh tra trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, qua thực tế chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra cho thấy nhận thức của một số cán bộ, công chức cơ quan quản lý nước, cơ quan thanh tra còn chưa thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra, chưa quán triệt đầy đủ, sâu rộng cơ chế giám sát, việc tổ chức thực hiện chưa đồng đều, còn có biểu hiện xem như thực hiện chưa đầy đủ, thiếu nghiêm túc.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Trách nhiệm của Thanh tra tỉnh:

a. Hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra được ban hành kèm theo Quyết định số 2861/2008/QĐ-TTCP ngày 22/12/2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ;

b. Chỉ đạo và hướng dẫn Thanh tra các sở, ban, ngành, huyện, thị, tham mưu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã triển khai, thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra tại cơ quan, đơn vị mình;

c. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra theo thẩm quyền trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình.

d. Hàng năm, khi xây dựng Kế hoạch thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải đưa nội dung kiểm tra việc thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra vào nội dung thanh tra.

2. Trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã:

a) Hướng dẫn việc thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra trong phạm vi quản lý của mình;

b) Chỉ đạo Chánh Thanh tra các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, tham mưu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh ta tại cơ quan, đơn vị mình;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra theo thẩm quyền trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

3. Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra:

a. Tự giám sát hoạt động Đoàn Thanh tra hoặc cử cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động Đoàn Thanh tra;

b. Kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra hoặc cử cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra khi có tố cáo hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến Trưởng Đoàn Thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra.

c. Xem xét, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị có liên quan đến hoạt động Đoàn Thanh tra (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn Thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.

4. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ, công chức tham gia Đoàn Thanh tra:

a. Giám sát về thời gian đối với cán bộ, công chức của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định.

b. Xem xét phản ánh, kiến nghị của Trưởng Đoàn Thanh tra hoặc từ các nguồn thông tin khác về việc chấp hành quy tắc ứng xử, ý thức chấp hành kỷ luật thanh tra, việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cán bộ, công chức được cử tham gia Đoàn Thanh tra để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo người ra quyết định thanh tra xử lý;

c. Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ;

d. Giúp người ra quyết định thanh tra đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Đoàn Thanh tra; tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra khi được người ra quyết định thanh tra yêu cầu (trường hợp cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp thuộc cơ quan thanh tra nhà nước là Trưởng Đoàn Thanh tra).

5. Trách nhiệm của Trưởng Đoàn Thanh tra và thành viên Đoàn Thanh tra:

a. Định kỳ báo cáo về kết quả, tiến độ thanh tra theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với Đoàn Thanh tra và cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giám sát.

b. Cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người giám sát, kiểm tra theo quy định.

c. Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát, kiểm tra.

d. Kiến nghị với người giám sát cáo giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Đoàn Thanh tra (nếu có).

6. Trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giám sát:

a. Kịp thời báo cáo với người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với Đoàn Thanh tra khi phát hiện Đoàn. Thanh tra có khó khăn vướng mắc hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi người ra quyết định thanh tra yêu cầu;

b. Báo cáo với người ra quyết định thanh tra Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với Đoàn Thanh tra kết quả giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra theo quy định.

7. Trong quá trình thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra, đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải:

a. Nắm rõ mục đích, nguyên tắc, nội dung giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát kiểm tra; quyền và nghĩa vụ của người bị giám sát, kiểm tra; điều kiện, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra và các quy định khác của Quy chế để đảm bảo việc thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

b. Tổng hợp những cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc giám sát kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra để được kịp thời khen thưởng theo quy định của pháp luật; cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động: Đoàn Thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị này gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Thanh tra tỉnh) để xem xét, hướng dẫn, điều chỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã;
- LĐVP, Phòng NC-NgV, TT.TH-CB;
- Lưu: VT.DN01.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra theo Quyết định 2861/2008/QĐ-TTCP do tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 07/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/03/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Văn Trăm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản