Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/CT-NH5

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CHẤN CHỈNH TRONG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG CỔ PHẦN

Thời gian quan nhiều tổ chức tín dụng cổ phần đã có những biện pháp thực hiện các quy định trong Pháp lệnh Ngân hàng và các quy chế về tổ chức và nghiệp vụ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, do đó đã đạt được một số kết quả: Các tổ chức tín dụng cổ phần đã tiếp cận nhanh với cơ chế thị trường; đa dạng hoá các dịch vụ kinh doanh, mở rộng đầu tư tín dụng, tăng dư nợ đối với nền kinh tế; đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường củng cố về cả lượng và chất; vốn tự có và vốn huy động hợp pháp tăng trưởng nhanh... Điều đó đã góp phần đảm bảo an toàn, ổn định trong hoạt động chung của toàn hệ thống Ngân hàng, đồng thời đã góp phần thực thi chính sách tiền tệ trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được nói trên, các tổ chức tín dụng cổ phần còn có những tồn tại cần phải được chỉnh sửa kịp thời như sau:

- Doanh số cho vay tăng nhanh, nhưng một bộ phận tín dụng chất lượng chưa đảm bảo: Nợ quá hạn và nợ khó đòi còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dư nợ; chưa chấp hành nhiêm túc quy trình nghiệp vụ về cho vay, bảo lãnh vay nợ, bảo lãnh mở L/C trả chậm, gây nhiều rủi ro cho hoạt động của Ngân hàng.

- Các công cụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước chưa được chấp hành nghiêm chỉnh: Cho vay vượt trần lãi suất quy định; vi phạm hạn mức tín dụng khi cho vay; chưa chấp hành đầy đủ quy định về dự trữ bắt buộc, về các tỷ lệ khống chế an toàn và quy chế quản lý ngoại hối...

- Vi phạm Pháp lệnh kế toán thống kê: Việc ghi chép hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán ở nhiều đơn vị chưa đảm bảo tính chính xác, kịp thời, trung thực và đầy đủ; chế độ kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa chặt chẽ thường xuyên... xử lý không nghiêm và thiếu kịp thời.

Để tiếp tục phát huy mặt được và khắc phục tồn tại nhằm củng cố các tổ chức tín dụng cổ phần ngày càng vững mạnh, góp phần đảm bảo việc phát triển lành mạnh, đúng hướng và hoạt động an toàn chung cho toàn hệ thống Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ thị và yêu cầu các tổ chức tín dụng cổ phần phải có kế hoạch và biện pháp thực hiện nghiêm túc một số vấn đề cấp bách sau đây:

1. Các tổ chức tín dụng cổ phần khi cho vay phải chú ý chất lượng tín dụng và đảm bảo an toàn vốn tín dụng, coi đây là mục tiêu trọng tâm vừa là trước mắt vừa là lâu dài đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển và tín nhiệm của mỗi Ngân hàng; phải rà soát lại các khoản nợ quá hạn, nợ tồn đọng cũ, có biện pháp xử lý từng trường hợp cụ thể để thu hồi, hạn chế dư nợ quá hạn phát sinh; phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy chế nghiệp vụ về cho vay, bảo lãnh nợ vay, bảo lãnh mở L/C trả chậm, thế chấp... thực hiện nghiêm ngặt việc thẩm định phương án vay vốn và việc đảm bảo các hồ sơ pháp lý khi xem xét cho vay, tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, bảo đảm an toàn và hiệu quả của vốn tín dụng.

2. Các tổ chức tín dụng cổ phần phải chấp hành nghiêm túc các quy định về lãi suất, hạn mức tín dụng, dự trữ bắt buộc. Nghiêm cấm việc tuỳ tiện sử dụng mức lãi suất vượt trần quy định, bảo đảm mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, không được thu thêm bất cứ một loại phí dịch vụ nào làm tăng lãi suất cho vay vượt mức trần cho phép.

3. Các tổ chức tín dụng cổ phần phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định về tỷ lệ an toàn, tỷ lệ trích lập các quỹ dự phòng bù đắp rủi ro, tỷ lệ khống chế trong việc huy động vốn, tỷ lệ góp vốn liên doanh đã được quy định tại Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công tuy tài chính.

4. Các tổ chức tín dụng cổ phần phải chấp hành nghiêm túc các Quy chế về quản lý ngoại hối. Chỉ được cho vay ngoại tệ cho những dự án có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên liệu để thanh toán với nước ngoài. Không được vay ngoại tệ để chuyển đổi thành tiền đồng cho vay trong nước nhằm lợi dụng để thu chênh lệch do lãi suất nội tệ cao hơn lãi suất ngoại tệ....

5. Các tổ chức tín dụng cổ phần phải nghiêm chỉnh chấp hành Pháp lệnh kế toán thống kê của Nhà nước. Chấm dứt và sửa ngay việc hạch toán sai tính chất, nội dung tài khoản; hạch toán nội, ngoại bảng phải trung thực, đầy đủ, chính xác và kịp thời. Hết sức tiết kiệm trong chi tiêu, quản lý chặt chẽ những khoản chi không trực tiếp phục vụ cho hoạt động kinh doanh của đơn vị đảm bảo quy định của Luật pháp. Đặc biệt, đối với các đơn vị chưa xử lý xong các khoản lỗ tồn đọng trước đây hoặc đang có tỷ lệ nợ quá hạn cao, cần có kế hoạch ưu tiên dành một tỷ lệ lợi nhuận ròng để bổ sung vào các quỹ dự trữ của mình. Các tổ chức tín dụng cổ phần chưa tăng được vốn theo quy định, không được phép chia lợi tức cổ phần.

6. Phải quán triệt và có kế hoạch tăng vốn cổ phần để đạt hoặc vượt mức quy định, tập trung giải quyết cho được những vướng mắc về số lượng cổ đông, tỷ lệ 10% vốn góp của DNNN, giới hạn mức sở hữu cổ phần, cổ phiếu phải được phát hành theo mẫu quy định. Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phải kiểm tra thực chất nguồn vốn góp khi tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ, kiên quyết loại bỏ những nguồn vốn thiếu cơ sở pháp lý, xác định cổ đông sáng lập.

Những tổ chức tín dụng cổ phần chưa chỉnh sửa điều lệ theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phải gấp rút chỉnh sửa và đảm bảo hoàn tất theo thời hạn quy định.

7. Các tổ chức tín dụng cổ phần phải tiến hành đúng việc đại hội cổ đông thường niên (hoặc bất thường nếu cần thiết) để lựa chọn bầu các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát theo đúng các điều kiện và tiêu chuẩn quy định. Các tổ chức tín dụng cổ phần mà HĐQT và Ban kiểm soát quá nhiệm kỳ hoặc thiếu khuyết phải khẩn trương bầu lại hoặc bầu bổ sung ngay không để chậm trễ. Các thành viên không hoàn thành được nhiệm vụ trong thời gian đương nhiệm thì phải có biện pháp xử lý thay thế.

Phải xây dựng quy trình tự kiểm tra, kiểm soát, tăng cường cán bộ tốt cho bộ phận kiểm soát nội bộ, đưa công tác kiểm soát nội bộ thành hoạt động thường xuyên thực sự trong từng đơn vị để đảm bảo hoạt động an toàn hiệu quả.

Hội đồng quản trị và Ban điều hành phải có trách nhiệm trong việc tuyển chọn cán bộ nhân viên có đầy đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức và pháp luật cho cán bộ nhân viên.

8. Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố tăng cường giám sát toàn diện các mặt hoạt động của các tổ chức tín dụng cổ phần trên địa bàn mình phụ trách; Thanh tra Ngân hàng Nhà nước phải bám sát những nhiệm vụ cấp bách trong chỉ thị này để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện. Phải xử lý kiên quyết những vi phạm và những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng cổ phần trên địa bàn, trong phạm vi quyền hạn cho phép.

Hàng tháng, kể từ tháng 8-96 Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tổng hợp tình hình thực hiện chỉ thị này lập báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý những vấn đề tồn tại và các sai phạm của các đơn vị vượt quá phạm vi xử lý của mình về NHNN TW để Thống đốc có biện pháp chỉ đạo.

9. Các Vụ, Cục chức năng của NHNN TW cần phối hợp với các Bộ, Ngành quản lý để nghiên cứu ban hành và điều chỉnh các quy định có liên quan đến các tổ chức tín dụng cổ phần cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng cổ phần; phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố để đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng cổ phần, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh và áp dụng chế độ kiểm toán bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng cổ phần theo định kỳ mỗi năm một lần.

Yêu cầu các tổ chức tín dụng cổ phần, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và các Vụ, Cục chức năng tại NHNN TW có biện pháp để triển khai nghiêm túc chỉ thị này, nhằm chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng cổ phần, theo đúng các Quyết định 223/QĐ-NH5 ngày 23-11-93 về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với các tổ chức tín dụng cổ phần; Quyết định 166/QĐ-NH5 ngày 10-8-94 về tổ chức và hoạt động HĐQT, kiểm soát viên người điều hành; Quyết định 275/QĐ-NH5 ngày 7-11-94 về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần báo cáo ngay về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Văn phòng Thống đốc) để giải quyết.

 

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/CT-NH5 năm 1996 về một số vấn đề cần chấn chỉnh trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng cổ phần do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 07/CT-NH5
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/07/1996
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Cao Sĩ Kiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/07/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản