Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-BCT

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI CUNG CẦU, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG; CHỐNG CÁC HÀNH VI ĐẦU CƠ, GĂM HÀNG VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI TRONG TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 ĐANG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia trong khu vực châu Á như Campuchia, Lào, Thái Lan và Ấn Độ. Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Thị trường hàng hóa thế giới và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường, đồng thời nghiêm túc thực hiện các công việc sau:

1. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương

a) Vụ Kế hoạch

Chủ trì, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19; Công văn số 1259/TTg-KTTH ngày 17 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

b) Cục Công nghiệp

Chủ trì đôn đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc xây dựng “Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19” tại các nhà máy, cơ sở sản xuất tại địa phương.

c) Vụ Thị trường trong nước

- Theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Bộ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý, sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính đề xuất việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu; tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức giá tăng giá đột biến trong nước.

- Đôn đốc tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai việc dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid-19; tháo gỡ các khó khăn trong lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh; thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các giải pháp kết nối cung cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thông suốt, hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch (nếu có) tại các địa phương có dịch bệnh bùng phát phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

- Đôn đốc các địa phương triển khai và cập nhật dữ liệu về xây dựng “Bản đồ chung sống an toàn với dịch bệnh Covid-19” theo chỉ đạo tại Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Quốc gia ban hành “Hướng dẫn phòng, chống đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng”.

d) Tổng cục Quản lý thị trường

- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

- Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử; chống thất thu thuế.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng tại Trung ương và các địa phương, đặc biệt là khu vực biên giới để kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu qua biên giới, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.

đ) Cục Xúc tiến thương mại

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước ngay cả khi dịch bệnh bùng phát.

- Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.

e) Cục Điều tiết điện lực

Xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

g) Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

Cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước; đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.

h) Cục Hóa chất

Tăng cường quản lý việc kinh doanh hóa chất, nhất là các loại hóa chất có đặc tính nguy hiểm.

i) Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công Thương địa phương

Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý duy trì hoạt động sản xuất các mặt hàng cần thiết đảm bảo cung ứng đủ, ổn định cho sản xuất và đời sống nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, bảo đảm sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong tình hình hiện nay.

- Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31 tháng 01 năm 2020; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11 tháng 3 năm 2020 về việc tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19; theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và cho các khu vực phải thực hiện cách ly, có phương án về phối hợp hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.

- Phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn tham mưu, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa và các văn bản chỉ đạo liên quan khác của Chính phủ, Bộ, ngành.

- Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường; phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các Chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm lương thực, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng sẵn sàng phục vụ nhân dân.

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn. Nơi nào để xảy ra các hành vi vi phạm trên thì Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường ở địa phương đó chịu trách nhiệm.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm cho thị trường, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm sản xuất theo đúng quy hoạch và theo khuyến cáo của các Bộ, ngành hữu quan, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước nói chung và thị trường lương thực, thực phẩm nói riêng; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch, ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

3. Các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để chủ động đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.

4. Tổ chức thực hiện

- Các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và thực hiện chế độ báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao vào ngày 13 và ngày 25 hàng tháng gửi về Bộ Công Thương.

- Trong quá trình triển khai Chỉ thị, các đơn vị cần lưu ý khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nếu có theo quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương;
- Lưu: VT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Diên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/CT-BCT năm 2021 về thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp do Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 07/CT-BCT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/05/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Hồng Diên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản