Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 07/2009/CT-UBND

Đông Hà, ngày 29 tháng 6 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀU CÁ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN

Trong thời gian qua, các Sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân đã có nhiều cố gắng công tác quản lý tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản, đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn, thiên tai gây ra trên biển. Tuy nhiên, việc quản lý tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản cũng còn những tồn tại: thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn trong các hoạt động đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ chưa nghiêm chỉnh; công tác tuyên truyền vận động ngư dân và các chủ tàu làm chưa tốt, việc sử dụng chất nổ, xung điện trong khai thác đánh bắt thủy sản vẫn còn xảy ra.

Để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ, Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ nhằm tăng cường hơn nữa công tác, bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động đánh bắt hải sản, UBND tỉnh chỉ thị UBND các huyện, thị xã, các Sở, ngành liên quan thực hiện một số công việc sau đây:

1. UBND các huyện, thị xã

- Tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, về đăng ký, đăng kiểm và những quy định về vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ để ngư dân hiểu, thực hiện nghiêm túc và không vi phạm.

- Chủ trì, phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng dẫn cho ngư dân, các chủ tàu thực hiện đăng kiểm, đăng ký, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá tại địa phương quy định theo Thông tư hướng dẫn số 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 của Bộ Thủy sản (cũ) về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

- Chỉ đạo phát triển sản xuất, tổ chức thành lập các tổ, đội hợp tác xã sản xuất trên biển (tối thiểu phải có từ 2 - 3 tàu/tổ, đội hợp tác xã) nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, dịch vụ; nắm bắt thông tin thời tiết và ứng phó kịp thời khi gặp tai nạn, sự cố xảy ra trên biển.

- Quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng, chủng loại, ngành nghề hoạt động và lao động nghề cá của huyện, xã. Tiến hành quy hoạch, đầu tư phát triển đội tàu, ưu tiên phát triển tàu khai thác xa bờ nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, bảo vệ môi trường bền vững và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản vùng gần bờ.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Cấm sử dụng chất nổ, xung điện và chất độc để khai thác thủy sản".

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin những quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, công tác đăng ký đăng kiểm, cấp các loại giấy phép liên quan cho hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển quốc gia, quốc tế để ngư dân hiểu và thực hiện.

- Tăng cường công tác quản lý tàu cá, đặc biệt nghiêm cấm phát triển tàu cá không qua đăng ký, đăng kiểm. Việc đóng mới, mua sắm, cải hoán và nâng cấp tàu cá phải được quản lý chặt chẽ theo quy định tại Thông tư 02/2007/TT-BTS ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Bộ Thủy sản (cũ) nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 66/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, thống kê số lượng, chất lượng chủng loại tàu cá, loại nghề khai thác, lao động nghề cá ... để có số liệu chính xác, giúp công tác quản lý, định hướng phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao. Thường xuyên kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm pháp luật, mang tính hủy diệt môi trường và nguồn lợi thủy sản.

- Củng cố các cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá: cảng cá, bến neo đậu, luồng lạch ra vào, hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai và các khu tránh trú bão cho tàu thuyền; hướng dẫn cách thức neo đậu tàu cá tại khu neo đậu tránh, trú bão.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh  

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển được phân công quản lý. Chỉ đạo các đồn Biên phòng ven biển và đảo phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cảnh sát Giao thông đường thủy và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho người và tàu cá đi hoạt động nếu chưa đủ các điều kiện đảm bảo theo quy định của Nghị định 66/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

- Thống kê, nắm đầy đủ số lượng người, tàu cá và khu vực hoạt động của tàu cá trên biển để đảm bảo nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển.

- Sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu hộ cứu nạn khi bão lũ xảy ra và ứng phó kịp thời trong các trường hợp cần thiết.

4. Công an tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra giám sát, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân và các chủ tàu cá hiểu rõ quy định của pháp luật về hoạt động đánh bắt thủy sản, đồng thời tăng số lần phát tin dự báo bão cũng như dự báo về thời tiết khí hậu, có biện pháp tích cực trong việc nắm bắt thông tin về các tàu cá hoạt động xa bờ để các địa phương ven biển và tàu thuyền hoạt động chủ động ứng phó với các tình huống trên biển.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo./.  

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2009/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tàu cá và các hoạt động khai thác thủy sản do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành

  • Số hiệu: 07/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đức Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản