Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2007/CT-UBND

Phú Nhuận, ngày 16 tháng 7 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN

Thực hiện Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân quận yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn cấp các việc sau:

1. Trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường:

- Tổ chức củng cố lại hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm phường; tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở thức ăn đường phố trên địa bàn phường quản lý, đánh giá kết quả thức hiện 6 tháng đầu năm, báo cáo về Phòng Y tế trước ngày 31 tháng 7 năm 2007 để tổng hợp chung; căn cứ kế hoạch của thành phố, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động 6 tháng cuối năm 2007 và đề ra biện pháp tích cực, hiệu quả, phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm chủ động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quận, báo cáo Ủy ban nhân dân quận trước ngày 31 tháng 7 năm 2007.

- Tăng cường phối hợp các cơ quan hữu quan quận thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, khẩn trương triển khai việc tập huấn, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện. Đảm bảo hoàn tất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008.

- Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các tổ chức đoàn thể tại địa phương và các ngành chức năng liên quan quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân những kiến thức về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan. Đồng thời, kiểm tra thay thế các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Chỉ đạo Trạm Y tế phường rà soát lại trang thiết bị, phương tiện, thuốc men … trong việc phòng, chống dịch để báo cáo Trung tâm Y tế Dự phòng quận bổ sung đầy đủ số thuốc nhằm kịp thời xử lý vệ sinh môi trường, chủ động đối phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

2. Trách nhiệm của Trưởng Phòng Y tế quận:

- Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường các hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quận nhằm thực hiện kiểm tra có hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quận. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan.

- Phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng quận tiến hành thẩm định và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện đủ thủ tục và đạt điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện (đối với các cơ sở đang hoạt động) trước ngày 01 tháng 01 năm 2008. Sau ngày 01 tháng 01 năm 2008, tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm mọi cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Trách nhiệm Trưởng Phòng Kinh tế quận:

- Chủ động phối hợp với Đoàn Thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra nhắc nhở các chủ kinh doanh thực phẩm ăn uống và Ban Quản lý các chợ Phú Nhuận, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hữu Trang thực hiện đúng các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý các chợ sắp xếp lại khu vực kinh doanh thực phẩm theo đúng quy trình chuỗi thực phẩm phù hợp.

- Cùng các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân 15 phường kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ, kể cả đối với các chợ tự phát chưa dẹp bỏ được.

4. Trách nhiệm Trưởng Phòng Giáo dục quận:

- Chỉ đạo các trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống bếp ăn tập thể và căn tin. Tuyệt đối không để các cơ sở cung ứng dịch vụ ăn uống và các sản phẩm không rõ nguồn gốc trong các trường học. Các bếp ăn tập thể, căn tin tại các trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trước ngày 01 tháng 01 năm 2008.

- Hoàn chỉnh việc xây dựng mô hình điểm về việc cung ứng xuất ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học trên địa bàn quận. Phối hợp các ban ngành, Ủy ban nhân dân phường liên quan giám sát các quầy, gánh hàng rong thực phẩm đang kinh doanh xung quanh trường.

- Phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng quận tổ chức tuyên truyền, giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học, đồng thời huy động giáo viên và học sinh tham gia tích cực công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao:

- Phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Văn hóa tổ chức các hình thức tuyên truyền, cổ động, phổ biến kiến thức pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân, các hộ kinh doanh bằng nhiều hình thức (phát thanh, treo băng rôn, áp phích, pa-nô…) trên các tuyến đường lớn, nơi công cộng trên toàn quận nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chỉ đạo hệ thống truyền thanh ở các địa bàn phường, chợ, các đối tượng thông tin lưu động, dành thời lượng thích đáng để phổ biến kiến thức, quy định pháp luật và các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân.

- Lồng ghép nội dung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, công sở văn minh sạch đẹp an toàn.

- Kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm.

6. Trưởng Phòng Nội vụ: có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan hoàn chỉnh quy chế phối hợp liên ngành trong các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

7. Giao Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch: tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí trang thiết bị cho các hoạt động chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân quận phê duyệt. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng tiền phạt về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tốt cho các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

8. Trách nhiệm Trưởng Trạm Thú y:

- Thường xuyên kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y, thủy hải sản đối với các hoạt động vận chuyển kinh doanh thịt động vật và thủy hải sản trên địa bàn, kết hợp với việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Kiểm tra giám sát việc kinh doanh sản phẩm gia cầm trong tủ bảo ôn, tiến tới việc quy định các sản phẩm động vật hoang dã qua giết mổ phải được bày bán trong tủ bảo ôn.

9. Trung tâm Y tế Dự phòng:

- Tổ chức củng cố, kiện toàn nhân sự khoa vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung tâm và trang bị đầy đủ phương tiện nhằm bảo đảm thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các lớp tập huấn cho việc cấp giấy chứng nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức thẩm định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện và xử lý những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

10. Giao Đội Quản lý thị trường chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các đơn vị: Quân sự quận, Công an quận, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trạm Thú y, các ban ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân 15 phường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn (kể cả các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể ở các trường,…); tập trung tổ chức thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm không đạt tiêu chuẩn.

11. Công an quận chỉ đạo lực lượng Công an 15 phường có biện pháp hỗ trợ đoàn kiểm tra liên ngành, xử lý kịp thời các trường hợp chống đối với lực lượng tham gia kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ liên quan, phối hợp với Đội Quản lý thị trường kiểm soát ngăn chặn việc nhập lậu thực phẩm vào các chợ trong quận.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và các đoàn thể chính trị quận chỉ đạo hệ thống trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường vận động tuyên truyền sâu rộng đến từng ngành, từng giới thuộc phạm vi quản lý để từng đoàn viên, hội viên nêu cao tính gương mẫu trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời và phòng, chống ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn quận có hiệu quả, Ủy ban nhân dân quận yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Hóa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2007/CT-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Phú Nhuận do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 07/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/07/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Thị Hóa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản