Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2007/CT-UBND

Huế, ngày 08 tháng 02 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THUỶ SẢN XUẤT KHẨU.

Trong thời gian qua các ngành Thuỷ sản, Y tế, Thương mại đã phối hợp với các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp thực hiện một số biện pháp về quản lý hoá chất, kháng sinh dùng cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản của các thị trường, nhất là thị trường nước ngoài, thay đổi nhanh chóng và ngày càng nghiêm ngặt hơn. Hoạt động kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh có hại đến sức khoẻ người tiêu dùng chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để tại tất cả các công đoạn từ nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, bảo quản nguyên liệu đến chế biến. Trong năm 2006, hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đã bị cảnh báo dư lượng Chloramphenicol và Nitrofurans trong một số lô hàng tôm, mực.

Để tiếp tục làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt tránh tình trạng các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị các thị trường nhập khẩu phát hiện dư lượng các loại hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng phải tiêu huỷ, gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín chất lượng thuỷ sản Việt Nam trên thị trường thế giới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu:

1. Các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuỷ sản:

a) Không được lưu hành và sử dụng các loại kháng sinh, hoá chất cấm và hạn chế sử dụng theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BTS ngày 24/2/2005 của Bộ Thuỷ sản trong tất cả các khâu nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản, kinh doanh thú y thuỷ sản.

b) Tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm, đặc biệt là kiểm soát dư lượng các hoá chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng.

c) Tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu thuỷ sản không rõ nguồn gốc vào chế biến các lô hàng xuất khẩu vào EU, Nhật Bản, Canada và các thị trường có yêu cầu tương đương.

d) Chấp hành nghiêm túc hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản, Chi cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản vùng II và Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản.

2. Sở Thuỷ sản:

a) Chủ trì, phối hợp với các ban ngành liên quan: Sở Y tế, Sở Thương mại, Sở Khoa học và Công nghệ và chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh tập trung tăng cường việc quản lý các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, bảo quản nguyên liệu và chế biến thuỷ sản.

b) Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản:

+ Thường xuyên tổ chức việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản tại các cảng cá, bến cá, tàu cá, cơ sở chế biến thuỷ sản và các vùng nuôi thuỷ sản... đảm bảo kiểm soát được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản trong tất cả các khâu từ đánh bắt, nuôi trồng, bảo quản nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu.

+ Tăng cường phổ biến rộng rãi và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 07/2005/QĐ-BTS ngày 24/2/2005 của Bộ Thuỷ sản về ban hành danh mục hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản; thông tin, tuyên truyền trên báo, đài truyền thanh và truyền hình địa phương về tác hại của các loại thuốc thú y, hoá chất, kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng theo quy định của Bộ Thuỷ sản, đặc biệt là Malachite Green.

+ Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thuỷ sản có liên quan tại địa phương.

+ Phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản vùng II lấy mẫu kiểm soát dư lượng kháng sinh tại cảng cá, bến cá, tàu cá, cơ sở chế biến thuỷ sản và các vùng nuôi thuỷ sản tập trung... để phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng vi phạm.

c) Chỉ đạo Trung tâm Khuyến Ngư:

+ Tăng cường tuyên truyền phổ biến cho ngư dân về tác hại khi sử dụng các chất thuộc danh mục hoá chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh về thuỷ sản, đặc biệt là Malachite Green, Chloramphenicol, Nitrofurans.

+ Hướng dẫn cho các chủ hồ nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào của quá trình nuôi theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý tốt hoạt động dịch vụ thú y, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề phòng trị bệnh thuỷ sản và xử lý ao nuôi.

d) Chỉ đạo Thanh tra Sở Thuỷ sản phối hợp chặt chẽ với Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản và các ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra việc sử dụng hoá chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thuỷ sản, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm những nội dung trên.

3. Các Sở: Y tế, Thương mại, Khoa học Công nghệ, Văn hoá Thông tin và Cục Hải quan tỉnh:

- Phối hợp với Sở Thuỷ sản để tuyên truyền, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng các hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng, chế biến và bảo quản, kinh doanh nguyên liệu thuỷ sản trên từng địa bàn.

- Tăng cường quản lý việc nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh và sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hoá chất cấm sử dụng và hạn chế sử dụng dùng trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản nguyên liệu thuỷ sản.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, xã:

- Phối hợp với Sở Thuỷ sản để kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng các hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng dùng trong nuôi trồng, chế biến và bảo quản, kinh doanh nguyên liệu thuỷ sản trên từng địa bàn.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên đài truyền thanh địa phương về tác hại của các loại hoá chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

5. Chỉ thị này được phổ biến đến tận tổ chức, cá nhân có liên quan và có hiệu lực kể từ ngày ký.

6. Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương nghiêm túc thực hiện.

7. Giao Sở Thuỷ sản theo dõi, tổng hợp báo cáo hàng tháng cho Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2007/CT-UBND tập trung tăng cường quản lý chất lượng thuỷ sản xuất khẩu do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 07/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/02/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/02/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 20/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản