Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2004/CT-UB

Bến Tre, ngày 16 tháng 6 năm 2004

 

CHỈ THỊ

V/V TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2002/NĐ-CP NGÀY 10/7/2002 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN

Thời gian qua, việc giải quyết đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nhìn chung bảo đảm đúng quy định của pháp luật đã bảo vệ được mối quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại địa phương; vừa bảo đảm các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia đồng thời góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại. Tuy nhiên thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng đôi lúc không kịp thời và thiếu chặt chẽ, thời hạn giải quyết một số trường hợp còn dài, tình trạng lợi dụng kết hôn để tạo điều kiện đưa công dân địa phương ra nước ngoài trái pháp luật còn xảy ra.  

Để thực hiện tốt Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Thông tư số 07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành Nghị định 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/02/1999 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết kết hôn, nhận cha, mẹ, con nuôi và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, lý lịch tư pháp, bảo đảm an ninh cho từng trường hợp cụ thể, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống các hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1) Quan hệ phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh.

a)Về giải quyết hồ sơ hộ tịch:

Sở Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ. Khi xử lý hồ sơ, xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan Công an hoặc ngoài khả năng xác minh của mình thì Sở Tư pháp có công văn nêu rõ các vấn đề cần xác minh kèm theo một bộ hồ sơ gửi Công an tỉnh đề nghị xác minh.

Công an tỉnh có tránh nhiệm tiến hành thẩm tra xác minh và trả lời bằng văn bản tất cả những trường hợp do Sở Tư pháp đề nghị. Thời hạn xác minh và trả lời kết quả của Công an tỉnh kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp là không quá 20 ngày đối với hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài, không quá 30 ngày đối với hồ sơ nhận cha, mẹ, con và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

b) Xử lý vi phạm trong lĩnh vực hộ tịch:

 Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết hồ sơ hộ tịch đúng thủ tục, chặt chẽ, phòng ngừa phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hộ tịch, tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thẩm tra, xem xét xử lý các hồ sơ hộ tịch do Sở Tư pháp đề nghị, nhất là làm rõ tính hợp pháp của hộ khẩu và các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, Công an tỉnh tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xảy ra, thông báo kết quả cho Sở Tư pháp, bảo đảm đúng thời hạn pháp luật quy định hoặc sớm hơn.

c) Đối với việc giải quyết hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp:

 Sở Tư pháp tiếp nhận, xử lý hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp và chuyển ngay cho Công an tỉnh sưu tra. Công an tỉnh phải trả lời kết quả trong thời hạn không quá 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Sở Tư pháp. Trường hợp phức tạp cần phải tra cứu, xác minh thêm thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng phải bảo đảm đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/02/1999 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định việc cấp lý lịch tư pháp.

d) Một số vấn đề khác:

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các cấp tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hộ khẩu bảo đảm trật tự an toàn xã hội không để xảy ra tình trạng người dân bỏ địa phương đến nơi khác cư trú quá lâu (hơn 6 tháng) mà không xin phép tạm vắng nhưng cơ quan Công an không tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật về đăng ký quản lý hộ khẩu.

Định kỳ hàng tháng Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho Công an tỉnh (Phòng BVCT 1) về số liệu, danh sách, tình hình liên quan đến việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Công an tỉnh (Phòng BVCT 1) có trách nhiệm trao đổi với Sở Tư pháp photo một bản các hồ sơ hộ tịch đã giải quyết xong để quản lý, theo dõi.

Trường hợp công dân địa phương sau khi hoàn thành các thủ tục đăng ký hộ tịch mà có nhu cầu xin cấp hộ chiếu, thì Công an tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn đương sự làm thủ tục theo quy định hiện hành về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.

2) Trách nhiệm của các ngành các cấp.

a) Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chuẩn bị đầy đủ về nhân sự, cơ sở vật chất để sớm thành lập Trung tâm Hỗ trợ kết hôn đưa vào hoạt động theo quy định tại mục 3, chương II của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ để tư vấn, giúp đỡ các trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài bảo đảm quyền lợi và hạnh phúc của họ. Chỉ đạo các cấp hội tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới hội viên cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn bảo đảm không để xảy ra trường hợp nào phụ nữ và trẻ em bị lường gạt, xâm phạm.

b) Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn cán bộ và nhân dân địa phương kết hôn, nhận cha, mẹ, con và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật. Mọi trường hợp vi phạm phải được phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

c) Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt việc niêm yết kết hôn nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 16, Điều 32 của Nghị định 68/2002/ NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ. Ngay sau khi hết hạn niêm yết, UBND xã, phường, thị trấn phải báo kết quả tất cả các trường hợp (có hoặc không có khiếu nại, tố cáo) về Sở Tư pháp.

d) Giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hàng năm sơ kết báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt từ nội bộ cơ quan đến toàn thể nhân dân trong tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Các quy định trước đây trái với tinh thần Chỉ thị này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc cần phản ảnh về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để hướng dẫn chỉ đạo kịp thời./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Ngữ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2004/CT-UB về tổ chức thực hiện Nghị định 68/2002/NĐ-CP thi hành Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và một số vấn đề liên quan do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 07/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/06/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Công Ngữ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 09/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản