Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 29 tháng 02 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG HẠN, XÂM NHẬP MẶN

Từ năm 2014 đến nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp và bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp, lượng mưa ít và nắng nóng gay gắt kéo dài. Theo kết quả tổng hợp của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình, lượng mưa đo được thấp hơn nhiều so với lượng mưa trung bình của nhiều năm. Những tháng cuối năm 2015 có các đợt mưa bổ sung, nước tích trữ cho các hồ chứa tăng, tuy nhiên do lượng mưa nhỏ và phân bố không đều nên mực nước của các hồ chứa tăng không đáng kể. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino tổng lượng mưa các tháng còn lại của vụ Đông - Xuân 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt từ 70 - 80% so với trung bình nhiều năm, thời gian tới thời tiết sẽ ít mưa, hanh khô lượng nước bốc hơi nhanh, nên vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016 và Hè Thu hạn hán, xâm nhập mặn, tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt sẽ xảy ra gay gắt, khốc liệt hơn.

Để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất; thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi theo chức năng, nhiệm vụ:

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường tích trữ nước, phòng chống hạn, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015 - 2016.

- Nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, tích nước hồ chứa, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa và hệ thống thủy lợi trên địa bàn; tính toán cân bằng nước, rà soát, bổ sung phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở các vùng hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn hoặc dừng canh tác; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và các ngành công nghiệp, dịch vụ, tưới cây công nghiệp lâu năm; lập kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống công trình thủy lợi, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp tích nước, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát và sử dụng lãng phí nước.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động làm việc với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn phòng, chống hạn, xâm nhập mặn của Trung ương để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cứu đói cho nhân dân các vùng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, tham mưu UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ.

4. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng y tế cơ sở chủ động kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, nắng nóng kéo dài.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cho các công trình thủy lợi của đơn vị, địa phương mình quản lý.

6. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng cấp, từng ngành, các tổ chức, đơn vị và từng người dân để thay đổi, nhận thức được tình hình hạn hán kéo dài và thiếu nước nghiêm trọng trong năm 2016 để chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước.

7. Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là tình hình mưa, dòng chảy (kể cả dự báo 10 ngày, tháng, mùa) kịp thời cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

8. Công ty Điện lực Quảng Bình xây dựng phương án cụ thể chủ động đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt; ưu tiên đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm nước phòng, chống hạn.

Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài các nội dung công việc được giao thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2016 thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/02/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản