Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Bình Phước, ngày 28 tháng 02 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo đảm quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý đất đai.

Để đảm bảo các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về quản lý và sử dụng đất, đưa công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, kỷ cương theo hướng hiện đại; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tập trung tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật đất đai

a) Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai

Trước khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai và nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan phát thanh tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương.

Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn và báo chí ở địa phương có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức đến từng tổ chức, từng người dân.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Phước có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật đất đai và các văn bản dưới luật; mở chuyên trang, chuyên mục để giới thiệu về những nội dung đổi mới quan trọng của Luật đất đai.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn và các tổ chức đoàn thể khác xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về đất đai đến các hội viên, đoàn viên.

b) Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thi hành Luật đất đai.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm:

+ Nghiên cứu góp ý đối với dự thảo các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đất đai; Nghị định quy định phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

+ Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai do HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành từ năm 2013 trở về trước để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.

+ Kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh được giao trong Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.

- Sở Tài chính chủ trì, Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm nghiên cứu góp ý đối với dự thảo các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định về thu tiền sử dụng đất; Nghị định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

- Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, địa phương mình quản lý những nội dung có liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật đất đai.

c) Kiện toàn tổ chức bộ máy và đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đất đai.

Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh kiện toàn bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý đất đai ở địa phương. Trong đó tham mưu UBND tỉnh kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Chi cục Quản lý Đất đai, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Tổ chức phát triển quỹ đất.

2. Tổ chức thực hiện tốt Luật Đất đai, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về quản lý và sử dụng đất.

a) Hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của 10/10 huyện, xã đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã thực hiện hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã trước ngày 01/7/2014.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai khi lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016 - 2020).

- UBND các huyện, thị xã công bố công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai khi lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016 - 2020); tổ chức lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để làm căn cứ cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành; tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.

b) Chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã thực hiện chặt chẽ quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, gây lãng phí nguồn lực đất đai; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác; đẩy mạnh việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; rà soát toàn bộ diện tích đất đai đang sử dụng các tổ chức sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân, các nông trường, lâm trường để có hình thức giao đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Luật đất đai khi có hiệu lực thi hành.

- Thực hiện các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng “một cửa”, “một cửa liên thông”, bảo đảm yêu cầu tăng cường công tác quản lý đất đai theo đúng Luật Đất đai và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai.

c) Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kịp thời trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Kiên quyết thu hồi những diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng không đưa sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng không đúng mục đích theo quy định của Luật Đất đai.

- Thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó tập trung thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm của tỉnh.

- Xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ để thực hiện việc thu hồi đất do xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp; chính sách đối với quỹ đất tách khỏi lâm phần giao về địa phương quản lý khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

d) Đẩy mạnh việc điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tập trung xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về đất đai, đo đạc lập bản đồ địa chính và đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính; tập trung xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại.

Tập trung bố trí nguồn thu từ đất đai để hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, chỉnh lý hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy nhanh tiến độ cấp đổi, cấp lại GCNQSD đất, cố gắng phấn đấu năm 2014 hoàn thành cơ bản việc cấp GCNQSD đất cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức theo từng loại đất theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011, số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 12/6/2012 UBND tỉnh.

Trước năm 2016, cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. Bảo đảm kinh phí đáp ứng yêu cầu hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, thống nhất hệ thống hồ sơ địa chính trên cả nước.

đ) Tập trung làm tốt công tác định giá đất

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã tiến hành xây dựng điều tra, khảo sát giá đất thị trường, xây dựng bảng giá đất năm 2015 trên địa bàn tỉnh sau khi Chính phủ công bố khung giá đất theo quy định của Luật đất đai;

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai

a) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai.

Tiếp tục thanh tra, xử lý vi phạm theo Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết xử lý thu hồi đất còn để hoang hóa, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, đặc biệt là đối với các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế; xử lý dứt điểm tình trạng để đất hoang hóa, lãng phí; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc quản lý đất đai; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến đất đai.

b) Giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo về quản lý và sử dụng đất đang tồn đọng, tập trung giải quyết những khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng; ngăn ngừa các hành vi vi phạm về quản lý và sử dụng đất dẫn tới tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các Sở, ban, ngành, địa phương và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Văn phòng Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- Đài PTTH, Báo Bình Phước;
- LĐVP, các Phòng;
- TT tin học - Công báo;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2014 triển khai thi hành Luật Đất đai do tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/02/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Văn Trăm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/02/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản