ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 02 năm 1988 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY.
Trong thời gian gần đây tình hình cháy xảy ra ở địa bàn thành phố rất nghiêm trọng. Nhiều vụ cháy gây thiệt hại đến tài sản nhà nước và nhân dân đang có chiều hướng tăng. Riêng năm 1987 đã xảy ra 7 vụ cháy lớn trong tổng số trên 180 vụ
Tình hình trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là:
- Các cơ quan, xí nghiệp tổ chức phòng cháy chữa cháy còn lỏng lẻo. Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc phòng cháy chữa cháy, có nơi quy định phòng cháy chữa cháy mang hình thức, công nhân vi phạm quy tắc an toàn phòng chống cháy nổ nhưng không kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời. Bảo vệ cơ quan, xí nghiệp chưa thật sự làm tròn trách nhiệm của mình, phát hiện cháy, nổ chậm tổ chức cứu chữa lúng túng. Lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ có tổ chức nhưng không sát thực tế, khi cháy ngoài giờ làm việc thì không có lực lượng cứu chữa, trực lãnh đạo vắng mặt. Một số cơ quan, xí nghiệp chưa chú ý đến việc dự trữ nước cho công tác phòng cháy chữa cháy nên khi có cháy, xe chữa cháy phải lấy nước xa, hạn chế hiệu quả.
- Cán bộ công nhân viên và các tầng lớp nhân dân chưa ý thức đầy đủ lợi ích và trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ phòng cháy chữa cháy ở trong cơ quan, xí nghiệp và gia đình. Việc chăm lo giáo dục vận động quần chúng của cấp ủy, chánh quyền các cấp chưa được thường xuyên, từ đó phát sinh tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác dẫn đến vi phạm nội quy, quy tắc an toàn hoặc bất cẩn vô ý gây ra cháy. Tình trạng bất hợp lý trong việc xây cất, quy hoạch nhà ở, cấp nước chữa cháy, giao thông do chế độ cũ để lại làm tăng thêm nguy cơ cháy lan, cháy lớn.
Riêng tháng 1 năm 1988 đã xảy ra trên 40 vụ cháy và có 2 vụ cháy lớn. Tình hình phòng cháy chữa cháy ở thành phố trở nên cấp bách và khẩn trương đối với mỗi ngành mỗi cơ quan, xí nghiệp và các quận huyện.
Để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân và để chấp hành tốt chỉ thị số 09/CT-UB ngày 02 tháng 01 năm 1988 của Thường vụ Thành uỷ, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các cấp, các ngành, phải gấp rút tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, hạn chế thấp nhất tình hình cháy nổ ở thành phố. Trước mắt tập trung tổ chức thực hiện tốt những việc sau đây:
1/ Trong từng cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, khách sạn tất cả các đơn vị khác phải rà soát lại các phương án bảo vệ, phương án phòng chống cháy, nổ. Bổ sung nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy và tổ chức kiểm điểm nội bộ đánh giá thực chất những tồn tại về phòng cháy chữa cháy, việc chấp hành của cán bộ công nhân viên, từ đó tìm ra nguyên nhân, có biện pháp uốn nắn, khắc phục kịp thời. Hết sức chú ý bố trí lực lượng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy trong ngày lễ, tết, ban đêm và ngoài giờ làm việc để sẵn sànng đối phó với mọi tình huống xảy ra, sát với tình hình đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương.
2/ Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời mọi sơ hở, thiếu sót để có biện pháp khắc phục ngay. Đồng thời chú trọng việc tuyên truyền giáo dục ý thức, trách nhiệm của cán bộ công nhân viên và các tầng lớp nhân dân bằng mọi hình thức, tổ chức vận động quần chúng tham gia phòng chống cháy, nổ, bảo vệ an toàn cơ quan, xí ngiệp, bảo vệ an toàn ở địa phương.
3/ Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải có biện pháp quản lý và tổ chức phòng cháy chữa cháy ở các khu dân cư tập trung nhiều nhà tạm, nằm sâu trong các hẻm, thiếu nước chữa cháy. Xây bể chứa nước, đào ao, vận động mọi gia đình phải có sẵn từ 1 đến 2 thùng nước để huy động khi cần. Giải tỏa ngay những nhà xây cất chiếm dụng lối thoát nạn và cứu chữa khi có cháy. Huy động vốn của địa phương cùng công ty cấp nước để lắp đặt thêm một số trụ nước chữa cháy ở khu dân cư thiếu nước, xa nguồn nước. Trên cơ sở kế hoạch phòng cháy chữa cháy của địa phương mà tổ chức diễn tập công tác chữa cháy cho lực lượng tại chỗ, nhất là ở phường, khu phố.
Chỉ đạo các ban, ngành trong quận, huyện có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền giáo dục nhân dân, kiểm tra hướng dẫn phòng cháy chữa cháy trong các từng hộ, từng khu phố. Đề phòng cháy do đun nấu, sử dụng điện, sử dụng xăng dầu, lửa củi. Xử lý nghiêm những hộ buôn bán xăng dầu lậu và chất dễ cháy, nổ khác.
4/ Công ty du lịch, Sở Ăn uống khách sạn và các cơ quan đang sử dụng nhà cao tầng và đặc biệt các khách sạn đang có khách nước ngoài lưu trú, làm việc, du lịch cần có kế hoạch từng bước cải tạo, làm thêm lối thoát nạn, trang bị dụng cụ chữa cháy ở các tầng lầu cao, lắp thiết bị cấp nước chữa cháy tại chỗ để bảo vệ tài sản và an toàn cho người khi có sự cố cháy, nổ.
5/ Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, các kho tàng, bến cảng, các mục tiêu trọng điểm về kinh tế, văn hóa và quốc phòng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ bên ngoài, bên trong. Kiện toàn và làm trong sạch lực lượng bảo vệ. Thực hiện chế độ trực lãnh đạo, liên hệ chặt chẽ với lực lượng công an, quân sự ở địa phương để có phương án phối hợp khi có sự cố hoặc cháy, nổ.
Thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, việc chấp hành các quy tắc an toàn, quy trình, quy phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy trong các bộ phận, đặc biệt các nơi chứa tài sản có giá trị, các bộ phận thiết yếu. Phải tăng cường giáo dục cán bộ, công nhân viên, trang bị thêm phương tiện, dụng cụ chữa cháy, xây bể chứa nước dự trữ cho xe chữa cháy thành phố, thực hiện nghiêm các nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy.
6/ Các báo, đài tiếng nói nhân dân thành phố, đài truyền hình ở thành phố phát huy vai trò mũi nhọn của báo chí, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy trong cán bộ công nhân viên, các tầng lớp nhân dân, phản ảnh kịp thời những cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm phòng cháy chữa cháy.
Sở Văn hoá thông tin và Phòng Thông tin văn hoá các quận, huyện cần có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục quần chúng thường xuyên, liên tục. Dự trù kinh phí in ấn tranh ảnh, các loại hình tuyên truyền cho các nơi công cộng, các khu phố, cơ quan, xí ngiệp, rạp hát, rạp chiếu bóng...
7/ Công ty cấp nước thành phố kiểm tra lại hệ thống ống, trụ, họng nước để sữa chữa kịp thời những nơi thiếu nước, nước yếu, hư hỏng và bàn bạc với các địa phương, giao cho địa phương quản lý, bảo vệ hệ thống cấp nước chữa cháy đã có. Những khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy cần phải lắp thêm một số trụ nước để xe chữa cháy lấy nước.
8/ Liên hiệp xã thành phố và Liên hiệp xã TCN-TCN các quận, huyện phải hướng dẫn các hợp tác xã, tổ sản xuất tập thể, cá thể đề ra phương án phòng chống cháy, trang bị dụng cụ và tổ chức lực lượng chữa cháy. Chống tư tưởng chỉ lo sản xuất, không chú ý đến đề phòng hỏa hoạn. Những cơ sở xét thấy không an toàn, không dảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, dễ phát sinh cháy, đe doạ sự an toàn cho nhân dân nhất thiết không cho sản xuất hoặc chuyển sang làm mặt hàng mà điều kiện phát sinh cháy ít.
9/ Công an thành phố hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các quận, huyện tổ chức thực hiện chỉ thị này. Xử lý nghiêm minh những đơn vị, cá nhân vi phạm quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy gây ra cháy nổ. Hàng tháng tổng hợp tình hình thực hiện về công tác phòng cháy chữa cháy, báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 06/CT-UB năm 1988 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 06/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/02/1988
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Quang Chánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/02/1988
- Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực