UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2011/CT-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 27 tháng 5 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Trong những năm qua, công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp ( bao gồm lưới điện cao áp và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp) đã được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng, rộng khắp của hệ thống lưới điện cao áp và các công trình xây dựng giao thông, công nghiệp, dân dụng, nên số vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA) vẫn tiếp tục gia tăng; một số tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (CTLĐCA) hoặc chưa có các biện pháp xử lý kiên quyết nên vẫn còn xẩy ra tình trạng vi phạm HLBVATLĐCA, đe dọa đến tính mạng và thiệt hại về tài sản của nhân dân, gây mất ổn định hệ thống cung cấp điện. Nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm HLBVATLĐCA đã được cơ quan quản lý có văn bản thông báo mức độ vi phạm hoặc lập biên bản hiện trạng, biên bản vi phạm hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm, trốn tránh trách nhiệm, không kịp thời khắc phục hậu quả.
Hiện nay đường dây truyền tải điện quốc gia siêu cao áp 500KV Sơn La - Hiệp Hoà đang triển khai xây dựng sẽ đi qua 06 huyện, thị xã của tỉnh Vĩnh Phúc, công tác bảo vệ an toàn CTLĐCA càng phải được chú ý hơn.nhưng nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa có biện pháp xử lý kiên quyết các hành vi xây dựng cơi nới nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ ATLĐCA, thực trạng này thực sự đã ảnh hưởng đến tình hình cấp điện trên địa bàn tỉnh ta. Để việc cung cấp điện cho sản xuất và các hoạt động kinh tế xã hội được an toàn, ổn định và liên tục, bảo vệ an toàn tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. UBND tỉnh yêu cầu:
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ an toàn CTLĐCA, đảm bảo hệ thống lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh vận hành an toàn, ổn định, hạn chế tối đa xẩy ra tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản, góp phần đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Ban chỉ đạo 106 Vĩnh Phúc (BCĐ 106 VP):
Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị quản lý lưới điện cao áp (ĐVQLLĐCA) và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền phổ biến những quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; giáo dục ý thức cho các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.
Các thành viên trong BCĐ106 phải thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm đã được phân công, kịp thời tổng hợp báo cáo của các đơn vị, phân tích, đánh giá thực trạng về an toàn CTLĐCA báo cáo UBND tỉnh.
Căn cứ tình hình thực tế từng thời điểm đề xuất UBND tỉnh kiện toàn BCĐ106 VP, Quy chế hoạt động, thành lập Hội đồng xử lý vi phạm cho phù hợp với tình hình thực tế hiên nay.
2. Sở Công thương ( cơ quan thường trực BCĐ106 VP ):
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan, ĐVQLLĐCA, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.
Kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình triển khai, thực hiện Chỉ thị này đối với các Sở, Ban, Ngành, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan; đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tham mưu kịp thời giúp UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ an toàn CTLĐCA trên địa bàn tỉnh.
3. Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố, thị xã, thị trấn, phường, xã, có trách nhiệm xây dựng quy chế phối hợp với sở Công thương, UBND cùng cấp, ĐVQLLĐCA trên địa bàn và các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm an toàn CTLĐCA;
Chỉ đạo Phòng cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội và Phòng cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy đặc biệt chú ý trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy đối với các đơn vị, cơ sở hoạt động kinh doanh (đặc biệt là các cơ sở kinh doanh xăng dầu, vật liệu dễ cháy nổ) có công trình liên quan đến an toàn CTLĐCA phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về khoảng cách an toàn.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý và phối hợp, hướng dẫn các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang khác đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan khắc phục hậu quả nhanh nhất khi CTLĐCA bị xâm phạm, bị phá hoại hoặc xẩy ra sự cố nghiêm trọng để giảm thiệt hại, sớm khắc phục đưa công trình vào hoạt động.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sử dụng đất không vi phạm HLBVATLĐCA; không phê duyệt cấp đất làm nhà ở, đất làm dịch vụ, đất xây dựng các công trình hạ tầng vi phạm HLBVATLĐCA; xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm HLBVATLĐCA, đặc biệt là hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm.
5. Sở Xây dựng, sở Giao thông – Vận tải,
Phối hợp với chặt chẽ với sở Công thương cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực khi giới thiệu địa điểm cấp đất, cấp giấy phép xây dựng công trình liên quan đến HLBVATLĐCA và quy hoạch phát triển điện lực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ an toàn CTLĐCA trong công tác quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế, thẩm định và cấp giấy phép xây dựng mới, cải tạo công trình, nhà ở thuộc thẩm quyền quản lý.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Vĩnh Phúc:
Theo chức năng nhiệm vụ của mình: Phối hợp với ĐVQLLĐCA và các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Kịp thời thông tin các vụ việc vi phạm, biểu dương gương người tốt, việc tốt để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm về bảo vệ an toàn CTLĐCA trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Thông tin và Truyền thông.
Tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật về bảo vệ an toàn CTLĐCA. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý có hạ tầng liên quan đến HLATLĐCA trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định về HLATLĐCA trong quá trình khai thác và phát triển hạ tầng (nhà trạm, cống, bể cáp, cột ăng ten, cáp thông tin…).
8. Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh:
Thực hiện kiểm tra thường xuyên CTLĐCA, đặc biệt lưu ý CTLĐCA gần khu dân cư sinh sống, đường giao thông, khu vực có người thường xuyên qua lại, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm an toàn để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có CTLĐCA để tổ chức tập huấn hoặc tuyên truyền bằng các hình thức khác về công tác bảo vệ an toàn CTLĐCA; thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong việc khắc phục các vi phạm đối với nhà ở, công trình vi phạm HLBVATLĐCA còn tồn đọng; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà ở, công trình thuộc diện được phép tồn tại trong HLBVATLĐCA.
Lập phương án bảo vệ, không để xẩy ra mất cắp vật tư, thiết bị công trình lưới điện cao áp; kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng đường dây đúng thời hạn quy định, đảm bảo các điều kiện an toàn theo Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/5/2005 và Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009.
Theo dõi, thống kê, hoàn chỉnh hồ sơ các vi phạm an toàn CTLĐCA báo cáo đầy đủ, kịp thời sở Công thương. Thực hiện đặt cột mốc, biển cấm, biển báo, dấu hiệu đối với CTLĐCA theo quy định, quy phạm, tiêu chuẩn hiện hành.
Xử lý triệt để các tồn tại trong HLBVATLĐCA trước khi đóng điện đối với công trình cải tạo.
9. Chủ đầu tư công trình xây dựng, chủ sở hữu công trình, đơn vị thi công:
Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp khi cải tạo, xây dựng mới công trình.
Chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng, chủ sở hữu công trình, nhà ở, cá nhân vi phạm an toàn CTLĐCA có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản xử lý và phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm theo yêu cầu.
10. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình:
Có trách nhiệm chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, có hạ tầng và công trình liên quan đến HLBVATLĐCA trên địa bàn thực hiện các quy định về bảo vệ an toàn CTLĐCA trong quá trình khai thác, sử dụng và xây dựng hạ tầng.
Phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm HLBVATLĐCA, xử lý theo quy định của pháp luật, không để phát sinh các vi phạm mới trên địa bàn quản lý.
Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND các xã, phường thường xuyên kiểm tra điều kiện đảm bảo về an toàn CTLĐCA trước khi có quyết định giao quyền sử dụng đất; khi cấp phép xây dựng mới, cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình liên quan đến HLBVATLĐCA; yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo các biện pháp an toàn trong quá trình xây dựng, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật.
Không để xẩy ra tình trạng chồng chéo trong quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển Điện lực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp đặc biệt phải có sự thống nhất bằng văn bản giữa các ngành, lĩnh vực liên quan, Sở Công thương có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Báo cáo kết quả hoạt động định kỳ 3 tháng một lần hoặc đột xuất về thường trực BCĐ106 VP( Sở Công thương ).
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân hoạt động có liên quan đến an toàn CTLĐCA trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện chỉ thị này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Chỉ thị 01/2013/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và an toàn điện trong nhân dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2Chỉ thị 13/2011/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 3Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường công tác an toàn bảo vệ công trình lưới điện cao áp, an toàn vận hành các nhà máy thủy điện năm 2013 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Quyết định 290/2006/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp tỉnh Ninh Thuận
- 5Chỉ thị 01/2013/CT-UBND tăng cường biện pháp bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 1Nghị định 106/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp
- 2Nghị định 81/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 106/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp
- 3Chỉ thị 01/2013/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và an toàn điện trong nhân dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 4Chỉ thị 13/2011/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 5Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường công tác an toàn bảo vệ công trình lưới điện cao áp, an toàn vận hành các nhà máy thủy điện năm 2013 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 6Quyết định 290/2006/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp tỉnh Ninh Thuận
- 7Chỉ thị 01/2013/CT-UBND tăng cường biện pháp bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Chỉ thị 06/2011/CT-UBND về thực hiện bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- Số hiệu: 06/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/05/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Phùng Quang Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/06/2011
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực