Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2010/CT-UBND

Ninh Bình, ngày 25 tháng 08 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM NĂM TUỔI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

Hiện nay toàn tỉnh có 149 cơ sở Giáo dục mầm non, gồm 1.965 nhóm, lớp. Hàng năm huy động trên 50.000 trẻ em trong độ tuổi đến lớp. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non nên hệ thống Giáo dục mầm non ngày càng phát triển vững chắc: 100% xã, phường, thị trấn có cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ trẻ đến lớp đạt 56,4% dân số độ tuổi (DSĐT) nhà trẻ và 97% DSĐT mẫu giáo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chỉ còn 8,5%; đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định và không ngừng được nâng cao về chất lượng; cơ sở vật chất từng bước được quan tâm đầu tư (toàn tỉnh đã có 50% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia), cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Đặc biệt, các trường mầm non đều huy động được 100% trẻ em 5 tuổi đến trường, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên, các cháu ở độ tuổi này đều được quan tâm chuẩn bị tốt tâm thế trước khi vào lớp 1.

Nhằm thực hiện thành công Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 và phấn đấu đến năm học 2013 - 2014 tỉnh Ninh Bình đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các nội dung Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong các cấp, các ngành, gia đình và xã hội, làm cho mọi người nhận thức rõ sự ưu việt của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong giáo dục và chăm sóc trẻ em, là quyền và nghĩa vụ của cộng đồng để tạo nên sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ phụ huynh học sinh và xã hội.

2. Củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Căn cứ các điều kiện và tiêu chuẩn phổ cập cho trẻ em năm tuổi được quy định trong Đề án, Ban chỉ đạo các cấp chỉ đạo, tổ chức điều tra, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch trên địa bàn.

3. Ngành Giáo dục và Đào tạo các cấp chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh và chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về các nội dung và giải pháp để thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, cụ thể: Đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi; huy động 100% trẻ 5 tuổi đến lớp; phấn đấu hạ nhanh tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trẻ 5 tuổi xuống dưới 7%; 100% trẻ 5 tuổi được học chương trình giáo dục mầm non mới; duy trì tỷ lệ chuyên cần của trẻ thường xuyên trên 90%.

4. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ và các cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu với UBND tỉnh trong việc thu hút các nguồn lực, đầu tư kinh phí, dành quỹ đất, thiết kế xây dựng trường lớp, ưu tiên biên chế giáo viên cho các lớp 5 tuổi nhằm thực hiện tốt các tiêu chuẩn phổ cập mẫu giáo năm tuổi.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác vận động quần chúng để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và xã hội về công tác phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo vận động tối đa trẻ 5 tuổi đến lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ năm tuổi; thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục mầm non, thu hút các nguồn lực tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục mầm non.

6. Các cơ quan thông tin, báo chí chú trọng giới thiệu, tuyên truyền về nội dung Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên giới thiệu các hoạt động cũng như tiến độ thực hiện công tác phổ cập mẫu giáo 5 tuổi của ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu giám đốc các Sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên theo dõi, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các phó CT UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử Ninh Bình;
- L
ưu VT, VP6, VP2, VP4, VP5, VP7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/2010/CT-UBND thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015 do tỉnh Ninh Bình ban hành

  • Số hiệu: 06/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/08/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Bùi Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản