Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK LĂK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2010/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 28 tháng 7 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/2006/CT-UBND ngày 06/4/2006 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hàng năm đều ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, cụ thể như: nhiều địa phương, sở, ngành chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); việc gửi văn bản QPPL sau khi ban hành đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra chưa được thực hiện nghiêm túc; việc xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật chưa triệt để, còn có hiện tượng dây dưa, né tránh; việc thực hiện chế độ báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản QPPL chưa được UBND các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) và UBND các xã, phường, thị trấn (cấp xã) quan tâm; nhiều đơn vị gửi báo cáo chậm hoặc không gửi, gây khó khăn cho việc đánh giá đúng thực trạng công tác kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL, Quyết định số 42/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL có nội dung thuộc bí mật Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Tăng cường việc củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ làm công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

a) Sở Tư pháp tiến hành rà soát định kỳ 2 năm một lần đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL của tỉnh được công nhận tại Quyết định số 3413/QĐ-UBND ngày 21/12/2007 của UBND tỉnh Đắk Lắk để kịp thời kiện toàn đội ngũ này.

b) Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức rà soát đội ngũ công chức làm công tác pháp chế tại tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; đánh giá đúng thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức Pháp chế để tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời củng cố tổ chức, chấn chỉnh hoạt động của tổ chức này, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước; Chỉ thị số 02/2006/CT-UBND ngày 06/4/2006 của UBND tỉnh về tăng cường công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

c) Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm củng cố, kiện toàn tổ chức cơ quan Tư pháp ở địa phương theo Chỉ thị số 11/2008/CT-UBND ngày 17/7/2008 của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các Phòng Tư pháp, các Ban Tư pháp (nay là công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã) nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL của địa phương; đồng thời chỉ đạo Phòng Tư pháp bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm chuyên trách làm công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

2. Tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền.

a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành phối hợp cùng Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước mà cơ quan mình phụ trách, kể cả văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước; kịp thời kiến nghị UBND tỉnh bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những văn bản có nội dung không còn phù hợp.

b) Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan trong việc tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành và giúp Chủ tịch UBND tự kiểm tra khi có yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về những văn bản có chứa QPPL nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản QPPL, văn bản có chứa QPPL hoặc có thể thức và nội dung như văn bản QPPL do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch kiểm tra văn bản QPPL và Kế hoạch kiểm tra văn bản QPPL có nội dung thuộc bí mật Nhà nước hàng năm để thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh định kỳ hàng năm rà soát văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành, tổng hợp kết quả rà soát vào hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc tra cứu văn bản QPPL của tỉnh.

c) Thường trực HĐND, UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND, Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL do cấp mình ban hành theo định kỳ hàng năm.

Chủ tịch UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo Phòng Tư pháp thực hiện việc kiểm tra văn bản do HĐND, UBND cấp xã ban hành; chỉ đạo Thường trực HĐND, UBND cấp xã thực hiện tốt việc tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL theo định kỳ hàng năm do cấp mình ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp.

d) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Thường trực HĐND, UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã tuân thủ nghiêm chỉnh và thực hiện thống nhất quy trình, thủ tục kiểm tra văn bản được quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.

e) Cá nhân, tổ chức phát hiện văn bản do các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh ban hành hoặc tham mưu ban hành có dấu hiệu trái pháp luật, có quyền thông báo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

f) Kết quả xử lý văn bản trái pháp luật phải được công bố công khai, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải được đăng công báo, đăng trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành (đối với văn bản do cấp tỉnh ban hành) hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan ban hành hoặc các địa điểm khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định (đối với văn bản do cấp huyện và cấp xã ban hành), chậm nhất là sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định xử lý.

3. Bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.

- Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã và đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, xử lý văn bản của tỉnh.

- Phòng Tư pháp tổ chức tham mưu giúp UBND cấp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng kiểm tra, xử lý văn bản QPPL cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

4. Đảm bảo điều kiện vật chất

Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm đảm bảo đủ kinh phí, phương tiện làm việc và các điều kiện khác phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL của cơ quan Tư pháp các cấp theo đúng quy định của pháp luật.

5. Thực hiện chế độ báo cáo và trách nhiệm tổ chức thực hiện.

a) Nâng cao việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong báo cáo công tác của các sở, ban, ngành, các địa phương.

- Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh việc chấp hành chế độ báo cáo của các sở, ban, ngành, các địa phương để chỉ đạo kịp thời và xem đây là một trong những tiêu chí để xét thi đua ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Thường trực HĐND, UBND cấp huyện thực hiện việc báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) theo quy định.

- Thường trực HĐND, UBND cấp huyện chỉ đạo thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Thường trực HĐND, UBND cấp xã thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở đơn vị, địa phương mình để UBND huyện tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh.

b) Trách nhiệm triển khai thực hiện.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Thường trực HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động tích cực triển khai thực hiện tốt những yêu cầu trong Chỉ thị này.

- Giao cho Sở Tư pháp đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền hoặc dự thảo văn bản để UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương giải quyết, đồng thời giúp UBND tỉnh tổng hợp kết quả báo cáo với Chính phủ theo quy định 6 tháng, hàng năm.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 03/2006/CT-UBND ngày 06/4/2006 của UBND tỉnh Đắk Lắk về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- VP. Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Tư pháp (để báo cáo);
- TTr. Tỉnh uỷ (để báo cáo);
- TTr HĐND tỉnh- Các thành viên UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Đoàn ĐBQH tỉnh (để giám sát);
- UBMTTQVN tỉnh (để giám sát);
- Sở Tư pháp;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Báo Đắk Lắk, Đài TP-TH tỉnh;
- TTr HĐND, UBND các huyện, TX, TP (sao gửi cấp xã);
- VP: LđVP;
 Các P chuyên môn, TCHCQT
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH 




Lữ Ngọc Cư

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/2010/CT-UBND tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 06/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản