Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2005/CT-BXD

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ PHỤ THUỘC VÀ CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC CỦA CÁC TỔNG CÔNG TY, CÔNG TY ĐỘC LẬP TRỰC THUỘC BỘ XÂY DỰNG

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng đã được triển khai tích cực tại các Tổng công ty, Công ty độc lập và đã thu được những kết quả tốt : cơ cấu tổ chức quản lý của các đơn vị đã được kiện toàn một bước và phương thức tổ chức sản xuất đã có những thay đổi căn bản do phần lớn các đơn vị thành viên đã được cổ phần hoá; nhiều doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp sau cổ phần hoá đã phát huy được tính tích cực, chủ động trong sản xuất - kinh doanh, tạo được những chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động trong cơ chế thị trường.

Cùng với những kết quả được đánh giá là tích cực, một số vấn đề về quản lý đã và đang nẩy sinh do việc hình thành nhiều đầu mối đơn vị trực thuộc với nhiều loại hình khác nhau, nhiều quy mô khác nhau: đơn vị hạch toán phụ thuộc, đơn vị thành viên là doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi, đơn vị thành viên là Công ty cổ phần trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối, đơn vị là doanh nghiệp liên doanh, Công ty cổ phần, Công ty TNHH nhiều thành viên có phần vốn không chi phối của Nhà nước v.v... Những bất cập về cơ chế quản lý thể hiện ở việc hoặc là không kiểm soát được tình hình hoạt động của các đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình, hoặc là áp đặt những quy định hành chính không phù hợp với quy định của luật pháp làm ảnh hưởng đến tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Trong thời gian gần đây, đã có một số vụ việc tiêu cực xảy ra làm tổn hại đến uy tín của một số doanh nghiệp lớn thuộc ngành, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là bắt nguồn từ sự bất cập này.

Để khắc phục những tồn tại nói trên, nhằm bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, tăng cường mối quan hệ trách nhiệm giữa Tổng công ty, Công ty độc lập với các loại hình đơn vị trực thuộc, đặc biệt là với các Công ty cổ phần được hình thành từ việc cổ phần hoá các doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp; Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty; Tổng giám đốc Công ty mẹ trong mô hình thí điểm Công ty mẹ - Công ty con; Giám đốc các doanh nghiệp độc lập trực thuộc Bộ triển khai thực hiện các công việc sau:

1. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/2005/CT-TTg ngày 17-03-2005 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh vững chắc cổ phần hoá Công ty nhà nước; Chỉ thị số 01/2005/CT-BXD ngày 28-02-2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của DNNN do Bộ quản lý.

2. Rà soát, đánh giá toàn diện về tình hình của từng đơn vị trực thuộc, từng doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty. Nội dung rà soát, đánh giá gồm:

a. Về tổ chức: địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức quản lý, cơ cấu tổ chức sản xuất kinh doanh;

b. Về cán bộ: số lượng, cơ cấu cán bộ quản lý theo ngành nghề, trình độ được đào tạo, phẩm chất và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao;

c. Về lao động: số lượng, cơ cấu, bậc thợ của số lao động cơ hữu của đơn vị, số lao động bình quân trong năm;

d. Về cơ chế hoạt động: việc ban hành và tổ chức thực hiện Điều lệ, các quy chế, quy định cụ thể để điều chỉnh các mối quan hệ về quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh trong đơn vị, giữa đơn vị và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

đ. Về hoạt động đầu tư : trình tự, thủ tục, kết quả thực hiện và hiệu quả từng dự án đầu tư có vốn của Tổng công ty (Công ty); vốn do Tổng công ty (Công ty) bảo lãnh; vốn tín dụng Nhà nước hoặc do Nhà nước bảo lãnh; vốn ngân sách;

e. Về hoạt động kinh doanh: kế hoạch định hướng phát triển và việc triển khai thực hiện các kế hoạch đó; hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh theo từng lĩnh vực hoạt động;

g. Về quản lý tài chính: việc thực hiện các quy định của Nhà nước về chế độ kế toán, tài chính, thống kê, thuế; vốn, tài sản, công nợ; cơ cấu và những biến động về cổ phần, cổ đông sau Đại hội đồng cổ đông thành lập (đối với các Công ty cổ phần);

h. Về quản lý, sử dụng đất đai : hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan đến quyền và giá trị sử dụng đất (giao, thuê...), quy chế nội bộ quản lý sử dụng đất đai, tình hình quản lý sử dụng đất đai ở đơn vị.

3. Rà soát toàn bộ hệ thống các văn bản do Tổng công ty (Công ty) đã ban hành có liên quan đến mối quan hệ quản lý - điều hành giữa Tổng công ty (Công ty) với các đơn vị trực thuộc, các đơn vị có vốn góp của Tổng công ty; đánh giá về tính hợp pháp, tính hiệu lực và tính khả thi của hệ thống các văn bản đó.

4. Qua rà soát, đánh giá theo các nội dung trên, có kế hoạch và biện pháp khắc phục theo hướng:

a. Kiện toàn, cơ cấu lại một cách hợp lý các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng công ty (Công ty), tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, viên chức; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của mỗi tổ chức, cá nhân để làm cơ sở nhận xét, đánh giá định kỳ và hàng năm.

b. Sửa đổi, bổ sung nội dung Điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính của Tổng công ty (Công ty); những quy chế, quy định khác của Tổng công ty (Công ty) có liên quan đến mối quan hệ về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn và các chế tài trong quản lý, điều hành giữa Tổng công ty (Công ty) với các đơn vị trực thuộc như DN có 100% vốn Nhà nước chưa chuyển đổi, đơn vị hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp, Chi nhánh, Văn phòng đại diện ...; các đơn vị có phần vốn góp chi phối và không chi phối của Tổng công ty (Công ty) như Công ty cổ phần, Công ty TNHH, Công ty liên doanh ....

Những nội dung sửa đổi, bổ sung này phải tuân thủ các quy định của luật pháp tương ứng với từng loại hình đơn vị, đồng thời phải phù hợp với tình hình đặc điểm của mỗi đơn vị để tạo thuận lợi cho việc thực thi, giám sát và kiểm soát.

c. Căn cứ các tiêu chí, danh mục phân loại Công ty nhà nước và Công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty nhà nước ban hành theo Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24-8-2004 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch, lộ trình bán tiếp cổ phần của Nhà nước ở những DN không cần thiết phải nắm giữ phần vốn chi phối, những DN có hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả.

d. Thông qua người đại diện phần vốn của Tổng công ty (Công ty) để đề xuất, thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất các Công ty cổ phần có quy mô nhỏ, hoạt động cùng ngành nghề, cùng địa bàn nhằm xác lập cơ cấu hợp lý vốn đầu tư của Tổng công ty ở các Công ty cổ phần, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

Xem xét, đánh giá năng lực, tinh thần trách nhiệm của những người được cử làm đại diện phần vốn của Tổng công ty (Công ty) ở các DN khác để quyết định điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

e. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp các cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất – kinh doanh của Tổng công ty (Công ty) và của các đơn vị trực thuộc.

Những công việc nêu trên phải được khẩn trương thực hiện và báo cáo Bộ vào cuối quý III năm 2005. Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Kinh tế tài chính, Vụ Kế hoạch thống kê và các Cục, Vụ có liên quan khác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị; tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện vào cuối tháng 10/2005.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Tổng giám đốc Công ty mẹ trong mô hình thí điểm Công ty mẹ - Công ty con, Giám đốc các Công ty độc lập trực thuộc Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP (để b/c) ;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- Ban KTTW;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các TCty, Công ty độc lập thuộc Bộ;
- Các Cục, Vụ, VP,Thanh tra Bộ;
- Công báo;
- Lưu VP, TCCB, PC- AV(60).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Quân




 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/2005/CT-BXD về tăng cường công tác quản lý đối với các đơn vị phụ thuộc và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước của các Tổng công ty, Công ty độc lập trực thuộc Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 06/2005/CT-BXD
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/07/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản