Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-TTG/VG

Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 1966 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THAO TRONG TÌNH HÌNH MỚI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Trước tình hình đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam và phá hoại miền Bắc, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương chuyển hướng xây dựng kinh tế, văn hóa và tăng cường lực lượng quốc phòng. Công tác thể dục thể thao cũng phải chuyển hướng kịp thời để góp phần vào sự nghiệp tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

Gần đây Ủy ban Thể dục thể thao đã cùng Đoàn thanh niên lao động, Cục động viên dân quân và Bộ giáo dục phát động phong trào chạy, bơi, bắn, võ dân tộc và đẩy mạnh các môn thể thao quốc phòng khác nhằm nâng cao sức khoẻ và phổ cập kỹ thuật  quân sự cơ bản cho thanh niên, dân quân, tự vệ, học sinh. Cuộc vận động đó đã thu được kết quả bước đầu ở một số địa phương.

Tuy nhiên, phong trào thể dục thể thao phát triển chậm, không đều và chất lượng còn thấp. Phong trào chạy, bơi, bắn, võ dân tộc ở một số địa phương là những môn thông thường đầu tiên của công tác thể dục thể thao và thể thao quốc phòng chưa được coi trọng đúng mức, đồng thời công tác thể dục thể thao phục vụ sức khoẻ cho quảng đại quần chúng nhân dân lao động bị buông lỏng. Một số ngành và địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và tác dụng của công tác thể dục thể thao trong tình hình hiện nay.

Trong sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác thể dục thể thao đóng vai trò rất cần thiết cho việc tăng cường sức khoẻ để đẩy mạnh sản xuất và sức chiến đấu của toàn dân. Công tác thể thao quốc phòng là một mặt quan trọng  của công cuộc xây dựng quốc phòng toàn dân. Công tác thể dục thể thao còn phục vụ nhiệm vụ đối ngoại  của Đảng và Chính phủ. Vì vậy, trong lúc này, công tác thể dục thể thao cần phải được tiếp tục theo tình hình mới. Các ngành, các cấp chính quyền cần phải tăng cườg lãnh đạo và chỉ đạo phong trào thể dục thể thao đúng mức.

Nhiệm vụ công tác thể dục thể thao hiện nay là phải ra sức lãnh đạo phong trào về cả hai mặt mở rộng và nâng cao nhằm phục vụ đắc lực cho sản xuất, chiến đấu và công tác đối ngoại của Đảng và Chính phủ. Công tác thể dục thể thao phải lấy công tác thể thao quốc phòng làm nhiệm vụ trung tâm mà nội dung chủ yếu là phong trào chạy, nhảy, bơi, bắn, và ở những nơi có điều kiện, võ dân tộc.

Phương châm công tác thể dục thể thao hiện nay là phải tập trung giải quyết những yêu cầu trước mắt của sản xuất và chiến đấu, đồng thời phải biết kết hợp chuẩn bị cho yêu cầu lâu dài, không ngừng nâng cao một cách có hệ thống trình độ mọi mặt  cho cán bộ và vận động viên. Phải có tinh thần cố gắng gấp bội, tinh thần tự lực cánh sinh, chủ động và sáng tạo để cho phong trào  thể dục thể thao phát triển trong tình hình mới. Hoạt động thể dục thể thao phải phân tán gọn, nhẹ, đảm bảo an toàn.

Để làm tốt nhiệm vụ nói trên, cần ra sức thực hiện cho được một số công tác cụ  thể sau đây:

1. Phải phát động một phong trào thể dục thể thao yêu nước chống Mỹ khắp các trường học, xí nghiệp, hợp tác xã, ở thành thị cũng như ở nông thôn, đồng bằng cũng như miền núi, nhằm vào  đối tượng chính là dân quân, tự vệ, thanh niên và học sinh.

Đối với thanh niên, sinh viên và học sinh lớn tuổi, dân quân tự vệ, cần lấy các môn chạy, nhảy, bơi, bắn, võ dân tộc nơi có điều kiện làm nội dung của các hoạt động thể dục thể thao và thể thao quốc phòng. Các môn này phải trở thành một trong những nội dung của cuộc vận động 3 sẵn sàng trong phong trào thanh niên. Trên cơ sở của những môn ấy, Ủy ban thể dục thể thao cần nghiên cứu cải tiến tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cho phù hợp với thời chiến. Ngoài các môn nói trên, phải phát triển các môn thể thao quốc phòng khác như thông  tin, báo vụ, thông tin dò hướng, lặn có dụng cụ, mô hình máy bay điều khiển bằng vô tuyến điện…Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban thể dục thể thao chỉ đạo chặt chẽ  công tác thể thao quốc phòng.

Trong các trường học, Bộ giáo dục, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, với sự phối hợp của Ủy ban thể dục thể thao, phải cải tiến chương trình giáo dục thể dục thể thao và thể thao quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới. Phải đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên  trách và kiêm chức giảng dạy thể dục thể thao.

Trong các nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường phải củng cố và phát triển phong trào thể dục giữa giờ sản xuất và hướng dẫn những động tác thể dục thể thao thích hợp với từng loại nghề nghiệp, để giữ gìn sức khoẻ cho công nhân trong hoàn cảnh sản xuất khẩn trương và gian khổ hiện nay.

Trong các hợp tác xã cần hướng dẫn tập luyện cho thích hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp. Đối với phụ nữ là lực lượng lao động lớn hiện nay ở nông thôn, phương pháp tập luyện phải kết hợp với phương pháp vệ sinh để thích hợp với sinh lý của chị em và trở thành biện pháp thường xuyên bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ.

2. Phải ra sức bồi dưỡng và đào tạo cán bộ thể dục thể thao coi đó là khâu  công tác quan trọng bậc nhất để mở rộng và nâng cao phong trào thể dục thể thao, để giải đáp yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài: Phải chú trọng nâng cao không ngừng trình độ chính trị và kỹ thuật cho cán bộ và vận động viên để có thể trong một thời gian tương đối ngắn, trình độ của ta về một số môn thể dục thể thao như bơi lội, bắn súng, bóng bàn, thể dục dụng cụ…theo kịp trình độ quốc tế.

Các trường sơ cấp thể dục thể thao phải lấy việc đào tạo cán bộ các môn chạy, nhảy, bơi, bắn, và bồi dưỡng những người biết để có cơ sở nâng cao từng bước võ dân tộc. Phải ra sức bồi dưỡng và  đào tạo hướng dẫn viên thể dục thể thao cho các  đội sản xuất. Các trung đội dân quân tự vệ, các quân đoàn thanh niên. Phải củng cố và phát triển các trường, lớp huấn luyện thể dục thể thao thanh thiếu niên nghiệp dư và xây dựng trường văn hoá thể dục thể thao thích hợp với tình hình mới.

Trường huấn luyện kỹ thuật, trường đào tạo cán bộ thể dục thể thao trung ương phải được củng cố để làm tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ  và nâng cao kỹ thuật, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp phải đưa một số sinh viên cần thiết ra nước ngoài để đào tạo thành cán bộ thể dục thể thao có trình độ khoa học kỹ thuật cao.

Các địa phương và các ngành có các đội đại biểu, đội hạng A, cấp I, phải chú trọng làm tốt công tác huấn luyện kỹ thuật cơ bản.

3. Phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức trong ngành thể dục thể thao. Phải làm cho đội ngũ cán bộ thể dục thể thao quán triệt sâu sắc tình hình và nhiệm vụ mới, thấy rõ yêu cầu và nội dung cách mạng trong công tác thể dục thể thao, để nâng cao tinh thần chiến đấu, tinh thần hy sinh dũng cảm, tinh thần khắc phục mọi khó khăn, luôn luôn có khí thế vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Phải biết kiên quyết chống tư tưởng ngại khó, ngại khổ, lười biếng tự do vô kỷ luật, vô trách nhiệm.

Về mặt tổ chức, ngành thể dục thể thao, phải chú ý tăng cường các bộ phận thể thao quốc phòng, đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học kỹ thuật thể dục thể thao.

Bộ máy cấp tỉnh phải được củng cố và kiện toàn theo phương hướng gọn nhẹ và có chất lượng phù hợp với tình hình mới, phải có cán bộ lãnh đạo chuyên trách. Phải củng cố Ban thể dục thể thao của xã và của hợp tác xã. Nên mạnh dạn đề bạt chị em phụ nữ vào các địa vị chủ chốt trong các tổ chức này.

Ngành thể dục thể thao phải cải tiến lề lối làm việc để nâng cao hiệu suất công tác. Phải tăng cường giúp đỡ các xã. Phải sơ kết và tổng kết công tác để kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo phong trào  tiến lên vững chắc.

4. Các ngành, các cấp cần chú trọng tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cho công tác thể dục thể thao, nhất là cho công tác thể thao quốc phòng. Ngân sách trung ương và địa phương cần dành phần cần thiết cho yêu cầu về trang bị, xây dựng cho hoạt động thể dục thể thao nhất  là thể thao quốc phòng.

Thủ tướng Chính phủ nhắc các ngành, các Ủy ban hành chính địa phương ra sức thực hiện chỉ thị này, làm cho nội dung và tinh thần chỉ thị này được quán triệt xuống đến xã, hợp tác xã, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cơ quan, trường học.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05-TTg/VG năm 1966 về tăng cường lãnh đạo công tác thể dục thể thao trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 05-TTg/VG
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/01/1966
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: 31/03/1966
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 22/01/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản