Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Nghệ An, ngày 11 tháng 04 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2017

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2017 tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, mặt nước biển sẽ tiếp tục có xu hướng ấm lên và hiện tượng ENINO sẽ ở trạng thái trung tính. Do đó, nhiệt độ có xu hướng tăng hơn so với trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa sẽ giảm và thiếu hụt từ 10 - 20% so với trung bình các năm trước. Mặt khác, năm 2017 có 02 tháng nhuận vào tháng 6, cao điểm của nắng nóng. Nên có thể xuất hiện, hiện tượng thời tiết cực đoan, khả năng nắng nóng, khô hạn kéo dài sẽ diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Để chủ động phòng chống ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường thiên nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện ngay một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư từ thôn, bản, xã, phường, thị trấn đến huyện, thành phố, thị xã. Cập nhật, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn để kiểm tra phát hiện sớm điểm cháy rừng;

b) Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR trên địa bàn huyện gồm phương án PCCCR của huyện, phương án PCCCR của chủ rừng, phương án PCCCR của UBND cấp xã nơi có rừng. Trong đó tập trung chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ trong công tác PCCCR. Cần chú trọng các khâu xây dựng lực lượng tại chỗ, phương tiện kỹ thuật, hậu cần; tổ chức tập huấn, diễn tập thực binh chữa cháy rừng; tổ chức phát dọn thực bì, đốt trước vật liệu cháy, làm  đường băng cản lửa, ưu tiên các địa bàn trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao, để chủ động đầu tư các nguồn lực cho công tác PCCCR;

c) Tổ chức việc ký kết hiệp đồng lực lượng và phương tiện với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn, để thống nhất cơ chế huy động lực lượng chữa cháy rừng trong các tình huống cấp bách, vượt tầm kiểm soát của địa phương;

d) Tăng cường quản lý hoạt động canh tác nương rẫy theo đúng quy hoạch, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, đốt xử lý thực bì trong rừng đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, an toàn không gây cháy lan vào rừng. Nghiêm cấm những hành vi phát đốt rừng để lấy đất canh tác nông nghiệp, trồng rừng, trồng cây lâu năm, nhất là đối tượng đất lâm nghiệp đã được giao theo Nghị định 163/NĐ-CP của Chính phủ, các trường hợp vi phạm xử lý nghiêm;

e) Trong thời kỳ nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên, chỉ đạo tăng cường lực lượng bám sát địa bàn rừng để kiểm tra, nghiêm cấm và đình chỉ tất các hoạt động xử lý thực bì và các hoạt động khác phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy rừng Quản lý chặt chẽ diện tích đất rừng sau khi bị cháy, không được chuyển mục đích trồng các loại cây trồng khác;

f) Từ ngày 15/4/2017 đến ngày 15/9/2017 duy trì quân số trực 24/24 giờ hàng ngày tại văn phòng ban chỉ huy PCCCR các cấp, hạt Kiểm lâm, chủ rừng và tại các chòi canh lửa; bố trí lực lượng canh phòng kiểm soát người ra vào rừng tại những khu vực rừng trồng thông trọng điểm cháy của tỉnh. Khi phát hiện lửa rừng, thì thông tin nhanh và huy động lực lượng tại chỗ để ứng cứu chữa cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn;

g) Trong các tình huống cháy rừng xảy ra trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện phải khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện kỹ thuật, hậu cần, trực tiếp chỉ huy chữa cháy, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra cháy lớn; Trong các trường hợp cháy lớn, vượt khả năng cứu chữa của địa phương, thì huy động lực lượng của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn theo hiệp đồng đã được ký kết và báo cáo tỉnh xin hỗ trợ lực lượng của cấp trên khi có yêu cầu;

h) Chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả: sau các vụ cháy rừng phải bố trí lực lượng dập tắt hết tàn lửa, tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng và họp rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến cháy rừng và tổng hợp báo cáo nhanh diễn biến tình hình vụ việc cháy rừng về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu PTLN bền vững (Chi cục Kiểm lâm).

Yêu cầu báo cáo ngay sau khi vụ cháy kết thúc chậm nhất 2 giờ; đơn vị nào báo cáo không kịp thời, coi như vi phạm các quy định về PCCCR, thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan phải chịu trách nhiệm.

2. S Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ động tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách về PCCCR; Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Công điện số 1566/CĐ-BNN-TCLN ngày 22/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác PCCCR;

b) Chỉ đạo các địa phương và chủ rừng xây dựng phương án PCCCR và tổ chức thực hiện. Trong đó tập trung các giải pháp: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp luật trong cộng đồng, dân cư về công tác PCCCR; củng cố xây dựng lực lượng PCCCR rừng các cấp; tập huấn nghiệp vụ, diễn tập chữa cháy rừng; xử lý thực bì, đốt trước vật liệu cháy, làm đường băng cản lửa; xây dựng và triển khai quy chế phối hợp PCCCR; dự báo, cảnh báo cháy rừng, trên các phương tiện thông tin đại chúng; chuẩn bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, hậu cần, ứng trực canh phòng lửa rừng để phát hiện sớm cháy rừng, thông tin nhanh, huy động lực lượng tại chỗ tổ chức chữa cháy rừng kịp thời, có hiệu quả;

c) Tăng cường kiểm tra công tác PCCCR: chủ trì phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh, tổ chức kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương và chủ rừng; phát hiện các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức để xảy ra các vi phạm. Đồng thời yêu cầu, các cơ quan đơn vị, địa phương khắc phục ngay những tồn tại thiếu sót trong công tác PCCCR. Tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, để cán bộ và người dân biết chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR

3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:

Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho UBND cấp huyện tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện với các đơn vị quân sự đóng quân trên địa bàn, sẵn sàng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo điều hành, các cơ quan đơn vị thuộc quyền huy động lực lượng, phương tiện phối hợp cùng Kiểm lâm và lực lượng tại chỗ thực hiện phương án PCCCR; báo cáo đề nghị Quân khu tăng cường lực lượng, phương tiện khi mức độ cháy rừng vượt quá khả năng khống chế của lực lượng tại chỗ và chính quyền địa phương có yêu cầu hỗ trợ của địa phương.

4. Công an tỉnh:

Chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành, thị tăng cường phối hợp chữa cháy rừng và tổ chức lực lượng bám sát địa bàn thôn, bản, trinh sát, dự báo trước tình hình, nắm theo dõi các đối tượng nghi đốt rừng để cảnh báo nhắc nhở. Đối với các vụ cháy nghi đốt rừng cố ý, gây thiệt hại lớn cần lập chuyên án điều tra nguyên nhân, tội phạm gây ra cháy rừng do lỗi đốt rừng cố ý xảy ra trên địa bàn tỉnh, để kịp thời xử lý nghiêm minh theo quy định của Pháp luật nhằm giáo dục, phòng ngừa và răn đe chung.

5. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh:

Ban hành văn bản chỉ đạo các Phòng Cảnh sát PC&CC khu vực, đóng quân trên địa bàn các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó tập trung công tác tập huấn nghiệp vụ, diễn tập thực binh chữa cháy rừng, kiểm tra đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương và chủ rừng; đồng thời phối hợp trong huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật và hướng dẫn nghiệp vụ chữa cháy rừng, thực hiện các biện pháp an toàn trong tổ chức chữa cháy rừng tại các địa phương.

6. Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An:

Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về PCCCR, để tuyên truyền sâu rộng trong các tổ chức Đảng, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng dân cư thôn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân từ thôn, bản, xã, phường, thị trấn đến huyện, thành, thị về trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thực hiện việc biên tập và phát bản tin cảnh báo cháy rừng trong chương trình thời sự phát trên sóng truyền hình NTV.

7. Các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020:

Theo chức năng nhiệm vụ được phân công, phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và Chi cục Kiểm lâm tăng cường kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

8. Chi cục Kiểm lâm:

a) Tham mưu thực hiện tốt chức năng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Tổ chức lực lượng thường trực chữa cháy rừng 24/24 giờ hàng ngày tại văn phòng trực, các chòi canh lửa và các các đội, trạm ở cơ sở; kiểm tra giám sát chặt chẽ xử lý thực bì trồng rừng, làm nương rẫy và việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng; đảm bảo thông tin thông suốt, để ứng cứu xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra;

b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập các tổ, đội chữa cháy ở cơ sở, chuẩn bị phương tiện, kỹ thuật, nhiên liệu, hậu cần, ứng trực sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng, khi có lệnh điều động chữa cháy rừng;

c) Chủ trì phối hợp với Cảnh sát PC&CC tỉnh tổ chức kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương và chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Tham gia tập huấn nghiệp vụ, diễn tập tình huống chữa cháy rừng tại các địa phương; kiểm tra điều kiện an toàn PCCCR trong khai thác nhựa thông, xử lý thực bì trồng rừng và việc thực hiện chế độ thường trực canh phòng lửa rừng tại các địa phương, chòi canh lửa, các vùng rừng trọng điểm trên địa bàn tỉnh;

d) Tham gia chữa cháy, hướng dẫn kỹ thuật chữa cháy và trực tiếp nắm chắc tình hình diễn biến vụ cháy, toàn bộ quá trình tổ chức chữa cháy rừng của địa phương. Tổng hợp báo cáo nhanh UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương về tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Địa chỉ liên hệ: số 104 Hải Thượng Lãn ông - TP Vinh; số điện thoại trực 24/24 giờ: 0238 842710; Email: kiemlamnghean@gmail.com.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các, ban ngành cấp tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc./.

 

 

Nơi nhận:
- Tổng cục Lâm nghiệp (để b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các thành viên BCĐ cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Hạt KL và các đơn vị chủ rừng (giao sở NNPTNT sao gửi);
- VP UBND tỉnh:
+ CVP, PVP Võ Hồng Dương;
+ Phòng NN (A Canh);
+ Lưu: VT, NN (A Đê).
100 bản

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-UBND về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2017

  • Số hiệu: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Viết Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản