Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 13 tháng 02 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH, BỆNH CÚM GIA CẦM VÀ CÁC LOẠI MẦM BỆNH NGUY HIỂM KHÁC Ở GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu tháng 01/2020 đến nay bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Ấn độ, Trung Quốc (ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1), Nigeria (ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6), Cộng hòa Séc, đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi (ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N2 và A/H5N5); tại Việt Nam, hiện đang còn ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở tỉnh Quảng Ninh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tính đến nay đã qua hơn 11 tháng không phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm mới; bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn dây dưa ở nhiều địa phương (còn 60 xã có dịch chưa qua 30 ngày, trong đó có 16 xã tái phát dịch); bệnh lở mồm long móng (LMLM) xảy ra rải rác, lẻ tẻ nhưng đã được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn phát hiện xử lý kịp thời, không lây lan gây thành dịch. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan và có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là bệnh cúm gia cầm là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là: (i) kết quả giám sát chủ động trên đàn gia cầm bán tại chợ và các hộ lân cận với hộ có dịch trong năm 2019 phát hiện 28,96% mẫu dương tính với vi rút cúm A, 3,66% mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N6; (ii) hầu hết đàn gia cầm không được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm; (iii) kết quả giám sát sau tiêm phòng vắc xin LMLM ở nhiều địa phương đạt tỷ lệ bảo hộ quá thấp (dưới 35%), có địa phương kết quả tiêm phòng không có kháng thể; (iv) thời hạn miễn dịch các bệnh tiêm phòng bắt buộc trên đàn gia súc đến nay đã hết (LMLM, dịch tả lợn cổ điển); (v) hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ; (vi) thời tiết đang thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát sinh, phát triển, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi chưa đạt yêu cầu, hiệu quả phòng bệnh thấp; (vii) việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học của người chăn nuôi còn hạn chế; (viii) bên cạnh đó, hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không bố trí kinh phí để chi trả cho nhân viên Thú y xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn cấp xã theo quy định của Luật Thú y và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ (về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người), Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY ngày 03/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm), Công văn số 724/BNN-TY ngày 01/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ); và để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, nguy cơ xâm nhiễm vi rút Corona và các tác nhân gây bệnh mới ở động vật nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, phát triển sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan triển khai thực hiện ngay một số nội dung trọng tâm sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế chủ trì phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN), UBND cấp xã và các phòng, đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu UBND cấp huyện tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 08/01/2019 về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2020; Công văn số 96/UBND-KTN ngày 08/01/2020 về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn và tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh động vật, gồm cả các loại dịch bệnh mới nổi. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và bệnh truyền lây từ động vật sang người gây tử vong trên địa bàn cấp huyện.

- Chỉ đạo Trung tâm KTNN cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã, các Hội, đoàn thể tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đến tận hộ/cơ sở chăn nuôi; phát hiện, báo cáo, lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh kịp thời và xử lý ổ dịch theo đúng quy định của pháp luật Thú y. Thông tin kịp thời với ngành Y tế trường hợp phát hiện các ổ dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người: cúm gia cầm, dại động vật…

- Chấn chỉnh việc UBND cấp xã và các ngành liên quan cấp huyện của một số địa phương không bố trí nhân viên Thú y xã, phường, thị trấn để thực thi nhiệm vụ của pháp luật về Thú y làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh, quản lý và phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn. Khắc phục ngay những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh (Để dịch bệnh xảy ra, kéo dài, tỷ lệ tiêm phòng thấp, không tổ chức tiêu độc khử trùng…), thực hiện báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.

- Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1/2020 đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% so với tổng đàn, trong đó chú ý tiêm phòng đối với các bệnh: LMLM, cúm gia cầm, dịch tả lợn cổ điển, dại… Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định.

- Tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 724/BNN-TY ngày 01/02/2020, thời gian thực hiện là một tháng kể từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 31/3/2020. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) Để tiếp tục chỉ đạo.

- Tăng cường hướng dẫn, vận động người chăn nuôi cải tạo chuồng trại chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên chuồng trại chăn nuôi, thay đổi dần thói quen và tập quán chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học.

- Phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh xuống tận cơ sở phối hợp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh.

- Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý việc tập kết, nhập gia súc, gia cầm vào địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không đúng quy định. Kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở/Điểm giết mổ trên địa bàn; kiểm tra hoạt động của các nhân viên thú y làm công tác kiểm soát giết mổ.

- Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm tại các cửa khẩu, không để vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm qua các cửa khẩu và nhập lậu qua đường biên giới (Đối với các huyện có đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).

- Chỉ đạo xây dựng và chủ động triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trong năm 2020 trên địa bàn quản lý. Lưu ý bố trí kinh phí cho công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, kinh phí chủ động giám sát và chẩn đoán xét nghiệm bệnh, kinh phí chi trả tiền công cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật, kinh phí mua các vật tư cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là bệnh truyền lây từ động vật sang người.

- Khẩn trương hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP và chi trả tiền công cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh DTLCP trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 và Quyết định số 2489/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính) chậm nhất vào cuối quý I/2020.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động giám sát cảnh báo dịch, lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm bệnh để có giải pháp thực hiện kịp thời theo từng loại dịch. Chủ động tham mưu UBND tỉnh kế hoạch ứng phó dịch bệnh đối với tác nhân gây bệnh mới xuất hiện.

- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí mua hóa chất tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng và thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong năm đạt hiệu quả. Để xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh trong trường hợp cấp bách hiện nay, thống nhất chủ trương cho phép Sở Nông nghiệp và PTNT áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu mua hóa chất phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

- Tham mưu bổ sung chức năng, nhiệm vụ Chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh trên cơ sở hai Chốt kiểm dịch động vật tạm thời theo Quyết định số 815/QĐ-UBND ngày 15/3/2019 của UBND tỉnh, đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

- Chủ động phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định bố trí nhân viên Thú y xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 2 điều 6 Luật Thú y năm 2015, Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; thời gian hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 6/2020.

- Phối hợp với các Sở (Nội vụ, Tài chính), địa phương tham mưu kiện toàn hệ thống thú y cấp huyện theo Kế hoạch số 398/KH-BNN-TY ngày 13/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (các nhiệm vụ thú y).

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019; kinh phí để thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoạt động hiệu quả; kinh phí triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi, thí điểm thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi đối với gia cầm, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cơ sở/trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý, giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh và phục vụ xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cúm gia cầm; kinh phí triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh LMLM, dại động vật trong năm 2020.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là gia cầm, lợn được vận chuyển từ các tỉnh đang có dịch; công tác kiểm soát giết mổ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng phương án ứng phó hiệu quả, kịp thời với từng loại dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người và bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, hạn chế phát sinh, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp bố trí lực lượng tham gia đội Kiểm tra liên ngành và tăng cường lực lượng hỗ trợ, xử lý kịp thời các trường hợp chống người thi hành công vụ. Phối hợp với ngành Nông nghiệp duy trì lực lượng tại các Chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh.

5. Cục Quản lý thị trường: Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường và các điểm tập kết, chợ buôn bán. Bố trí lực lượng tham gia Đội kiểm tra liên ngành, Chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh.

6. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, DTLCP và kinh phí mua hóa chất, vắc xin đảm bảo đủ nguồn dự trữ để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

7. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Nam: Tích cực thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm của từng loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm.

8. Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm đạt hiệu quả.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ tưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) Để chỉ đạo kịp thời những vấn đề phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (B/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và Hội, đoàn thể tỉnh;
- Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng IV;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Sở: NN và PTNT, Y tế, Tài chính, Công Thương, TT và TT, GTVT;
- Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Báo Quảng Nam, đài PT-TH tỉnh, Cổng thông tin Điện tử tỉnh;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh;
- Chi cục CN và TY tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, KTN.
E:\Dropbox\minh tam b\Nam 2020\Chi thi\02 10 ban hanh Chi thi ve phong chong benh cum gia cam va cac mam benh nguy hiem khac.doc

CHỦ TỊCH




Lê Trí Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2020 về triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch, bệnh cúm gia cầm và các loại mầm bệnh nguy hiểm khác ở gia súc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/02/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Lê Trí Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản