Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 23 tháng 4 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ TRẺ SƠ SINH NHẰM GIẢM TỬ VONG MẸ VÀ TRẺ SƠ SINH

Trong những năm qua công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ số về sức khỏe của bà mẹ, trẻ em của thành phố đạt khá tốt so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Số lần khám thai tối thiểu là 3 lần đạt 100% trên số đẻ. Tai biến sản khoa giảm dần qua từng năm từ 0,14% của năm 2000 đến năm 2014 còn 0,02%. Tỷ số tử vong mẹ duy trì ở mức dưới 20/100.000 ca đẻ sống từ năm 2000 đến nay. Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi năm 2014 là 0,45‰ (cả nước là 14,9‰). Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm năm 2014 là 0,9‰ (cả nước 22,4‰).

Mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhưng vẫn cần có những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em vào năm 2015. Nhằm triển khai thực hiện đạt hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Bộ Y tế Về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

1. Sở Y tế:

- Phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu trong việc đưa các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo tinh thần của Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu và đề xuất bổ sung chính sách đãi ngộ nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ chuyên ngành sản, nhi về công tác tại tuyến y tế cơ sở.

- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa trên địa bàn, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cần thiết cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đặc biệt các nội dung về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Quan tâm đầu tư cho các bệnh viện chưa triển khai được mổ đẻ và truyền máu.

- Chỉ đạo rà soát tình hình trang thiết bị và cán bộ làm công tác chăm sóc sản khoa, nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến trên địa bàn; những cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định thì phải được kịp thời củng cố, tăng cường hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ.

- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố để chấn chỉnh việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh; các quy định liên quan của pháp luật; quy chế bệnh viện và các quy trình, quy chuẩn chuyên môn về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh.

- Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

+ Tăng cường truyền thông giáo dục để các bà mẹ mang thai được khám, quản lý thai sớm, biết được các dấu hiệu thai nguy cơ, uống viên sắt, can - xi ngay từ khi bắt đầu mang thai đến sau khi sinh một tháng

+ Thực hiện đúng quy trình khám thai, phát hiện sớm các nguy cơ và tai biến có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi trong quá trình mang thai để xử trí hoặc chuyển tuyến kịp thời;

+ Triển khai thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Bộ Y về việc thực hiện các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, điều trị, theo dõi và chăm sóc, chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là lĩnh vực chuyên ngành sản khoa và nhi khoa

+ Thực hiện các giải pháp đảm bảo trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin phòng viêm gan B và các loại vắc xin khác thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

+ Tăng cường sự phối hợp giữa chuyên khoa sản với chuyên khoa nhi và hồi sức cấp cứu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ. Đối với các trường hợp đẻ non, đẻ thiếu cân, các bác sĩ nhi khoa phải có mặt để cùng tham gia hồi sức cấp cứu;

+ Củng cố các đơn nguyên sơ sinh thuộc khoa nhi tại các Bệnh viện đa khoa quận, huyện; củng cố đơn vị hồi sức sơ sinh thuộc khoa sơ sinh tại Bệnh viện nhi đồng thành phố và khoa sơ sinh thuộc Bệnh viện phụ sản thành phố.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Bệnh viện phụ sản thành phố, Bệnh viện nhi đồng thành phố, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Chi cục Dân số và KHHGĐ, Trung tâm Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và bệnh viện đa khoa các quận huyện:

+ Tăng cường công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản và làm mẹ an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các thông tin về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh.

+ Xây dựng tài liệu, kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và phòng chống các tai biến sản khoa.

+ Tổ chức đào tạo lại cho cán bộ y tế làm công tác sản khoa ở các tuyến để đạt tiêu chí về người đỡ đẻ có kỹ năng theo tài liệu hướng dẫn và quy định của Bộ Y tế.

+ Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Tăng cường công tác giám sát hỗ trợ tại chỗ theo định kỳ.

2. Sở Tài chính:

Xem xét bố trí ngân sách của địa phương hàng năm cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh theo đề xuất của cơ quan chuyên ngành.

3. Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đãi ngộ nhằm thu hút cán bộ chuyên môn giỏi nói chung và chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa nói riêng về công tác tại tuyến y tế cơ sở.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn thành phố tăng cường công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Ủy ban nhân dân quận huyện:

- Đưa các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo tinh thần của Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực Y tế.

- Tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương thông qua nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung thực hiện các mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân phường xã trong việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Định kỳ hàng năm Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Y tế.

Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị này, định kỳ (06 tháng, hàng năm) báo cáo việc triển khai thực hiện về Sở Y tế. Giao Sở Y tế làm đầu mối tổ chức triển khai, theo dõi tình hình thực hiện chỉ thị và tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2015 về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh do Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/04/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Lê Văn Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/04/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 09/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản