ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 02 năm 1988 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ THU MUA TÔM MỰC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Thi hành chỉ thị số 96-CT ngày 28/3/1987 và quyết định số 347-CT ngày 14/12/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ngày 3/8/1987, Ủy ban nhân dân thành phố đã có thông báo khẩn cấp số 89, cấm các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương không có chức năng kinh doanh không được mua tôm mực trên địa bàn thành phố.
Sở Thủy sản cùng các ngành, quận, huyện, xí nghiệp đông lạnh thành phố đã nghiêm túc chấp hành thông báo của Ủy ban nhân dân thành phố. Việc phân công, phân cấp và sắp xếp tổ chức thu mua bước đầu đã giảm bớt tình trạng tranh mua tranh bán, từ chỗ quá nhiều điểm thu mua nay gom lại chỉ còn 25 điểm. Tuy nhiên một số đơn vị, địa phương không có chức năng vẫn còn lén lút thu mua tôm mực. Gần đây, nạn tranh mua bán lại tái diễn nghiêm trọng, giá cả tôm mực biến động mạnh, rất phức tạp đã đẩy giá tôm lên cao làm tác hại đến việc quản lý kinh tế, xã hội ở thành phố.
Để chặn đứng “giá tôm” đang tăng làm rối loạn thị trường và thiết lập trật tự thu mua, ổn định giá cả, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố phải thực hiện tốt việc chấn chỉnh tổ chức thu mua tôm mực như sau:
1/ Ngành thủy sản, các quận, huyện, xí nghiệp đông lạnh của các ngành, địa phương chuyển mạnh sang đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh liên kết liên doanh, hợp tác kinh tế với các tỉnh để sản xuất, chủ động tạo nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài nhằm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
2/ Tiếp tục cấm tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị (kể các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp đông lạnh của Trung ương, các trạm đại diện tỉnh, thành đóng tại thành phố), quận, huyện (trừ huyện Duyên Hải), phường, xã không được tổ chức thu mua tại thành phố, không được sử dụng tư thương sai các chánh sách, chế độ quy định, không để tư thương chi phối, thao túng việc nâng giá, tranh mua tranh bán.
3/ Giao công ty thủy sản xuất khẩu thành phố (thuộc Sở Thủy sản) làm nhiệm vụ đầu mối trực tiếp thu mua tôm, mực trên địa bàn thành phố và điều phối nguyện liệu cho các xí nghiệp đông lạnh để gia công, chế biến. Việc thu mua phải tổ chức có trật tự, gọn gàng, hợp lý và nghiêm chỉnh chấp hành theo giá quy định.
a) Về con tôm:
- Công ty thủy sản xuất khẩu thành phố trực tiếp tổ chức trạm thu mua tại các chợ đầu mối: Cầu Ông lãnh (quận 1), cảng cá Chánh Hưng, chợ Hòa Bình (quận 5), chợ Bình Tây (số 50 đường Nguyễn Văn Thànhn quận 6), các chợ nhỏ khác phối hợp với thương nghiệp tổ chức thu mua, tận thu sản phẩm thủy hải sản để xuất khẩu.
- Huyện Duyên Hải (trừ các nông trường) là vùng trọng điểm đánh bắt tôm của thành phố, giao lưu khó khăn đã được Sở Thủy sản phân cấp tiếp tục thu muu theo văn bản số 616/TS.
- Huyện Nhà Bè có nguồn tôm sản xuất tại chỗ không lớn. Công ty thủy sản xuất khẩu thành phố phối hợp với huyện Nhà Bè tổ chức thu mua, nguyên liệu ưu tiên đưa về xí nghiệp đông lạnh của huyện chế biến, nếu dôi thừa mới giao Công ty thủy sản xuất khẩu thành phố tiếp nhận để chế biến..
- Các xí nghiệp đông lạnh có đầu tư sản xuất trên địa bàn thành phố được trực tiếp đưa nguyên liệu về để chế biến.
b) Về mực khô:
Công ty thủy sản xuất khẩu tổ chức các trạm thu mua ở những nơi có cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm chất lượng sản phẩm; về số lượng khoảng 4 đến 6 trạm do Sở Thủy sản cấp giấy phép cho hoạt động.
4/ Về vốn thu mua:
Công ty Thủy sản xuất khẩu thành phố bàn bạc với ngân hàng thành phố, Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố, Sở Thương nghiệp, Xí nghiệp đông lạnh, các quận, huyện để tài trợ và huy động thêm nguồn vốn, tiền mặt, hàng hóa để bảo đảm thu mua nắm chắc các nguồn hàng thủy sản, giữa các xí nghiệp đông lạnh góp vốn được ăn chia hợp lý.
5/ Các xí nghiệp đông lạnh được ký hợp đồng liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất, thu mua, gia công chế biến với các tỉnh nhưng không được sử dụng tư thương mua bán tôm mực tại xí nghiệp. Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Thủy sản thành phố soạn thảo quy chế tổ chức sử dụng tư thương về mặt tay nghề kỹ thuật, tiền vốn kinh doanh trên nguyên tắc khai thác mặt tích cực và đấu tranh chống mặt tiêu cựa của họ, đồng thời chuẩn bị phương án tổ chức sắp xếp sử dụng họ về lâu dài.
6/ Sở Thủy sản với chức năng quản lý chuyên ngành về mặt Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị trình thường trực Ủy ban nhân dân thành phố duyệt quy chế cụ thể chấn chỉnh tổ chức quản lý thu mua mặt hàng thủy hải sản, giá cả, việc sử dụng tay nghề tư thương. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động trái phép của các ngành, các cấp cơ quan đơn vị.
7/ Từ nay chỉ có những trạm thu mua do Sở Thủy sản cấp giấy phép mới được hoạt động. Ngoài ra việc mua bán ngoài phạm vi các trạm thu mua đều xem là bất hợp pháp.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Ban quản lý thị trường thành phố, Ủy ban vật giá, Ban cải tạo công thương nghiệp, Công an kinh tế, Ủy ban thanh tra thành phố và Sở Thủy sản; Công ty thủy sản xuất khẩu kết hợp với Viện kiểm sát nhân dân thành phố, tổ chức kiểm tra kiểm soát thường xuyên, kịp thời phát hiện những cơ quan đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm việc quản lý thu mua và giá cả.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí thủ trưởng các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này, nếu có gì vướng mắc báo cáo về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để sữa đổi, bổ sung cho phù hợp.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 05/CT-UB năm 1989 về việc chấn chỉnh tổ chức quản lý thu mua tôm mực trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 05/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/02/1989
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Văn Triết
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/02/1989
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực