Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 05/2007/CT-UBND

Phan Thiết, ngày 15 tháng 8 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Quá trình thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn tỉnh đang từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng còn nhiều tồn tại, chủ yếu là quá trình chuẩn bị đầu tư còn nhiều sai sót; hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế cơ sở chất lượng chưa cao; lựa chọn nhà thầu xây dựng chưa đúng quy định… Nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng tại địa phương, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng không phân biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các văn bản hiện hành của Trung ương, địa phương và các nội dung cụ thể như sau:

1. Đối với chủ đầu tư công trình xây dựng:

Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong quản lý chất lượng công trình xây dựng; phải lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng có đủ điều kiện năng lực phù hợp với dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự lựa chọn của mình; hồ sơ khảo sát, thiết kế xây dựng khi trình thẩm định, phê duyệt phải được đính kèm hồ sơ năng lực của nhà thầu và các cá nhân chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế theo quy định; các dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật trước khi trình các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt phải được tổ chức kiểm tra đầy đủ về thủ tục pháp lý và chất lượng của hồ sơ.

a) Về quản lý chất lượng khảo sát xây dựng:

Chủ đầu tư phải phê duyệt nhiệm vụ và phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng trước khi tiến hành khảo sát; tổ chức giám sát và nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng theo đúng quy định tại Điều 50 Luật Xây dựng, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ và tuân thủ hướng dẫn tại Thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình, Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng.

b) Về quản lý chất lượng thiết kế công trình xây dựng:

- Chủ đầu tư phải lập (hoặc thuê tổ chức tư vấn lập) và phê duyệt nhiệm vụ thiết kế trước khi lập hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Đối với các công trình phải thi tuyển thiết kế kiến trúc thì chủ đầu tư lập nhiệm vụ thiết kế trình người quyết định đầu tư phê duyệt làm cơ sở để tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình;

- Chủ đầu tư có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán công trình theo quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Các quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán công trình phải được gửi về các cơ quan quy định tại khoản 2, Điều 7, Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 04/6/2007 của UBND tỉnh.

c) Về quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình:

- Chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được trực tiếp quản lý điều hành dự án khi Giám đốc Ban Quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập có đủ điều kiện năng lực tương ứng với Giám đốc tư vấn quản lý dự án quy định tại Điều 55 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ;

- Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ;

- Mọi sự thay đổi so với hồ sơ thiết kế - dự toán được duyệt mà phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thì thực hiện theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

- Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và TCXDVN 371:2006 về nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng. Người tham gia nghiệm thu, bàn giao công trình phải chịu trách nhiệm cá nhân về sản phẩm do mình xác nhận trong quá trình thi công và bàn giao công trình;

- Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao hồ sơ hoàn công cho các cơ quan theo quy định tại Thông tư số 02/2005/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng;

- Đối với các công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa quy định tại Điều 28 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, chủ đầu tư phải hợp đồng với đơn vị tư vấn độc lập để kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình theo quy định tại Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng, nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng;

- Định kỳ vào tuần đầu tháng 6, tháng 12 hàng năm lập báo cáo công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của đơn vị gửi về Sở Xây dựng và các sở quản lý xây dựng chuyên ngành theo quy định.

d) Về bảo trì công trình:

Người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo quy định tại Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24/11/2006 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng.

2. Đối với các đơn vị tư vấn xây dựng:

- Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong quản lý chất lượng tư vấn xây dựng theo đúng quy định tại Điều 51 Luật Xây dựng và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm tư vấn của mình;

- Chỉ thực hiện các công việc phù hợp với năng lực và phạm vi hoạt động ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh của đơn vị, đối với đơn vị tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện phải có giấy phép hoạt động điện lực; thực hiện công tác tư vấn xây dựng phải theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

3. Đối với nhà thầu thi công xây dựng công trình:

Phải thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ; thi công công trình phải theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, mọi sự thay đổi so với hồ sơ thiết kế - dự toán được duyệt phải có ý kiến chấp thuận của chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư theo quy định; bố trí người có đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường theo đúng quy định; phải tổ chức lưu trữ hồ sơ thiết kế, lập và lưu trữ hồ sơ hoàn công công trình do mình thực hiện; thực hiện bảo hành công trình theo quy định tại Chương VI, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ;

4. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước:

a) Sở Xây dựng:

- Căn cứ Chỉ thị này, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư, các đơn vị hoạt động xây dựng, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động xây dựng trên địa bàn. Đối với những vi phạm trong hoạt động xây dựng, phải làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể, kịp thời kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền;

- Bố trí cán bộ có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn phù hợp thực hiện công tác thẩm định thiết kế cơ sở và quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Đối với các công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa theo quy định, phải có giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình mới cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình cho chủ đầu tư;

- Thường xuyên kiểm tra, thông báo về điều kiện năng lực của các đơn vị hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh;

- Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

b) Các sở có quản lý xây dựng chuyên ngành:

- Căn cứ Chỉ thị này, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh;

- Chủ động tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn;

- Bố trí cán bộ có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn phù hợp thực hiện công tác thẩm định thiết kế cơ sở và quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành;

- Định kỳ 6 tháng, một năm chủ động lập báo cáo công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

c) Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước:

- Chỉ chấp nhận thanh toán, thẩm định và phê duyệt quyết toán các hồ sơ khảo sát, thiết kế, giám sát, thẩm tra và thi công xây dựng khi có đủ hồ sơ quản lý chất lượng theo quy định (kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh của đơn vị hoạt động xây dựng, giấy phép hoạt động điện lực đối với đơn vị tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện và hồ sơ năng lực các cá nhân chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế, giám sát thi công);

- Chỉ chấp nhận thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình khi chủ đầu tư có giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng đối với các công trình xây dựng quy định tại Điều 28 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Thẩm định công tác đấu thầu phải đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 111/2006/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;

- Khi có yêu cầu của cơ quan chức năng đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh của các đơn vị vi phạm thì phối hợp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật;

- Phối hợp Sở Xây dựng rà soát và xác định năng lực của các đơn vị đăng ký kinh doanh hoạt động xây dựng.

e) UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng do mình quyết định đầu tư; các công trình do cấp trên quyết định đầu tư và giao cho các cơ quan ở địa phương làm chủ đầu tư công trình trên địa bàn do mình quản lý;

- Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo và tổ chức công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý;

- Bố trí cơ quan lưu trữ đảm bảo lưu giữ được toàn bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công công trình theo phân cấp;

- Bố trí cán bộ có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn phù hợp thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Các cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 1 đến khoản 4 của Chỉ thị này, nếu có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA ngày 07/7/2007 của Bộ Xây dựng - Bộ Công an về việc hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/2007/CT-UBND về tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 05/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/08/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản