Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 05/2007/CT-UBND

Quận 8, ngày 17 tháng 05 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT THANH TRA, LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8

Từ khi Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành, công tác quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra; công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn quận 8 ngày càng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả. Các đơn vị cơ sở và Ủy ban nhân dân 16 phường có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác thanh, kiểm tra; công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ sở; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn có mặt hạn chế, một số đơn vị cơ sở và Ủy ban nhân dân phường chưa thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra; công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ sở. Việc thanh tra, kiểm tra chưa được kết luận một cách cụ thể, chính xác, kết luận còn chung chung; những vi phạm qua thanh, kiểm tra; các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo và những biểu hiện có hành vi tham nhũng chưa được cấp cơ sở đề ra biện pháp xử lý, giải quyết rốt ráo hoặc chưa có đề xuất với Ủy ban nhân dân quận các giải pháp để có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị cơ sở và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường trong công tác quản lý Nhà nước về thanh, kiểm tra; công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ sở; Ủy ban nhân dân quận 8 chỉ thị: 

1. Tập trung nghiên cứu các quy định của Luật Thanh tra; Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành:

Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường cần tập trung nghiên cứu các nội dung và quy định của các Luật như:

1.1. Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra; Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn Thanh tra; theo Điều 2, Chương I của Quy chế về đối tượng áp dụng “Quy chế này áp dụng đối với Đoàn Thanh tra do Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan Thanh tra Nhà nước thành lập để thực hiện nhiệm vụ thanh tra”.

1.2. Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 15 tháng 6 năm 2004 và ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo”; Quyết định số 132/2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh “Về ban hành Quy định tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.

1.3. Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005; Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ “Quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”; Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng” và Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng”.

2. Thực hiện tốt các nguyên tắc hoạt động của công tác thanh, kiểm tra; công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng:

2.1. Về công tác thanh, kiểm tra:

- Quá trình tổ chức và hoạt động thanh, kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; đúng nội dung, đối tượng, thời hạn ghi trong quyết định thanh, kiểm tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh, kiểm tra.

- Trong quá trình thanh, kiểm tra Trưởng Đoàn Thanh tra, Tổ trưởng Tổ kiểm tra phải tuân thủ sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh, kiểm tra. Người ra quyết định thanh, kiểm tra theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo hoạt động, xử lý kịp thời các kiến nghị của Đoàn Thanh tra, Tổ kiểm tra.

- Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh, kiểm tra: Thanh tra, kiểm tra vượt quá phạm vi nội dung ghi trong quyết định thanh, kiểm tra. Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đối tượng thanh tra hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm vụ lợi. Cố ý công bố sai sự thật; quyết định xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh, kiểm tra trong quá trình thanh, kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức. Các hành vi khác bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

2.2. Về công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường:

- Cần tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; tạo sự thống nhất trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; giảm phiền hà cho công dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc để hồ sơ tồn đọng; tăng cường tổ chức đối thoại công khai, dân chủ giữa các bên tranh chấp, giữa người khiếu nại với người bị khiếu nại và các bên liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

- Kịp thời củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ Hòa giải viên ở cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở pháp luật nhằm đảm bảo đoàn kết trong nội bộ nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở. Bố trí cán bộ, công chức tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, có khả năng giải thích và nắm vững chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết thay thế ngay những cán bộ, công chức không đủ phẩm chất hoặc thiếu trách nhiệm đối với công tác tiếp công dân.

2.3. Về công tác phòng, chống tham nhũng:

Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường có trách nhiệm:

- Cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên;

- Cử đại diện tham gia hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên khi được đề nghị;

- Xem xét, giải quyết và trả lời yêu cầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng;

- Xem xét, giải quyết kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng;

- Xem xét, giải quyết kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc sửa đổi, bổ sung, đình chỉ hoặc bãi bỏ văn bản pháp luật không phù hợp, làm nảy sinh tham nhũng.

3. Chấp hành các quy định quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra; công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng:

3.1. Về công tác thanh tra, kiểm tra:

Khi ban hành quyết định thành lập Đoàn Thanh tra (Tổ kiểm tra), các đơn vị cơ sở phải gửi cho cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra là Ủy ban nhân dân quận 8 và Thanh tra quận 8 các văn bản như: Quyết định thành lập Đoàn Thanh tra (Tổ kiểm tra) do Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước ký ban hành; Kế hoạch của Đoàn Thanh tra (Tổ kiểm tra) theo những nội dung đã được xác định trong quyết định thành lập và báo cáo kết quả của Đoàn Thanh tra (Tổ kiểm tra) sau khi kết thúc, gồm các nội dung:

- Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra, kiểm tra;

- Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

- Những ý kiến khác nhau giữa các thành viên trong Đoàn Thanh tra (Tổ kiểm tra) về nội dung báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra (nếu có);

- Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng và kiến nghị cấp trên biện pháp xử lý.

3.2. Về công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại có hiệu lực pháp luật của Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp.

3.3. Về công tác phòng, chống tham nhũng:

- Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường phải thực hiện tốt chế độ báo cáo theo quy định trong công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và gửi về Thường trực Tổ Chỉ đạo Chống tham nhũng quận (Thanh tra quận 8) theo đúng thời gian quy định.

- Trong trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng qua kết quả thanh tra, kiểm tra thì cần nêu rõ trách nhiệm của người có hành vi tham nhũng theo các mức độ: Yếu kém về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; thiếu trách nhiệm trong quản lý; bao che cho hành vi tham nhũng.

4. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra; công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng:

- Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, kiểm tra; công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, chính xác và có biện pháp phù hợp để kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh, uốn nắn các sai sót ngay từ cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, của chính quyền cơ sở.

- Đối với những vấn đề phức tạp, Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để xem xét và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận có hướng chỉ đạo kịp thời.

Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường căn cứ nội dung Chỉ thị này tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên tại địa phương, đơn vị mình quản lý trong thời gian tới./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đô Lương

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/2007/CT-UBND về chấn chỉnh và chấp hành các quy định của Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn quận 8 do Ủy ban nhân dân quận 8 ban hành

  • Số hiệu: 05/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/05/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Đô Lương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 07/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản