Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2020

Căn cứ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận. Để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, bệnh Dịch tả lợn Châu phi và bệnh Dại, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố năm 2020; Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân, đồng thời thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã

a) Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm, các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của UBND Thành phố.

b) Tổ chức thực hiện và chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; đưa công tác phòng, chống dịch bệnh động vật làm tiêu chí thi đua, khen thưởng của địa phương; thực hiện xử lý kịp thời cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác phòng, chống dịch, bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật.

c) Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật và hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về thú y và an toàn thực phẩm.

d) Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, kinh phí dự phòng và kế hoạch chủ động để ứng phó khi có ổ dịch bệnh động vật phát sinh trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

e) Chỉ đạo UBND cấp xã, các ban, ngành của địa phương chủ động phối hợp với cơ quan Thú y thực hiện quản lý chặt chẽ đàn đàn vật nuôi, tiêm phòng vắc xin đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; tăng cường hoạt động giám sát đến từng hộ, xóm, thôn và cộng đồng dân cử để phát hiện sớm, báo cáo dịch bệnh trên động vật kịp thời.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở, tổ chức, cá nhân đối với việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

b) Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc Sở và các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và an toàn thực phẩm; chủ động phối hợp với Cục Thú y, các cơ quan chuyên môn liên quan triển khai các giải pháp giám sát dịch bệnh để chủ động phát hiện, báo cáo, xử lý kịp thời ổ dịch bệnh động vật phát sinh.

c) Phối hợp cùng các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và chính sách, quy định của Nhà nước theo đúng quy định hiện hành.

d) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

- Rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, bệnh Dại, bệnh Tai xanh tại khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao và địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết (lũ lụt, rét đậm, rét hại,...).

- Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

- Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng, thiệt hại đến phát triển sản xuất.

- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn Thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào Thành phố.

- Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư liên quan để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

- Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến dịch bệnh, tip vi rút đang lưu hành trên địa bàn và đánh giá nguy cơ lây nhiễm các tip vi rút để xây dựng kế hoạch tiêm phòng, lựa chọn vắc xin phù hợp tại các địa phương.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trạm Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ, nhân viên thú y giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới hộ, xóm, thôn, cộng đồng dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời để khoanh vùng, xử lý dứt điểm, không để dịch bệnh lây lan.

3. Các sở, ngành liên quan

Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành: Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công an Thành phố, Cục Quản lý thị trường Thành phố, Cục Hải quan Thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chủ động, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả và những vấn đề phát sinh về UBND Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kịp thời chỉ đạo. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện; những khó khăn, vướng mắc, tham mưu giải quyết, báo cáo UBND Thành phố theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy (để báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để báo cáo);
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo);
- Chủ tịch UBND Thành phố (để báo cáo);
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các sở, ngành: NN&PTNT, TT&TT, TC, KH&ĐT, CT, CATP; Cục Hải quan TP HN; Cục QLTTTPHN;
- Thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm Thành phố;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các PCVP, các phòng: KT, NC, KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, KTQuang.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-UBND về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020

  • Số hiệu: 04/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/02/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản