Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 25 tháng 01 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH VĨNH PHÚC
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện nhận thức của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất.
Ở cấp độ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được thực hiện ở các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, cấp huyện, cấp xã, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
Bắt nhịp với xu thế của thế giới và trong nước, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã bước đầu chuyển động để tiếp cận, thích nghi, thúc đẩy, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chính quyền số đang từng bước được hoàn thiện với mục tiêu coi nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ trên các nền tảng số bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả.
Kinh tế số đã có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua việc các doanh nghiệp triển khai, thực hiện phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp (ERP), ứng dụng công nghệ số trong trong quản trị doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh. Xã hội số đang hình thành thông qua việc cán bộ nhà nước, học sinh, sinh viên, thanh niên, nhân dân sử dụng các dịch vụ liên quan đến hội họp, học tập, chẩn đoán bệnh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán điện tử,...
Tuy nhiên, xét một cách toàn diện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh Vĩnh Phúc chưa đáp ứng, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng rất thấp về Chuyển đổi số (DTI), có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên, trong đó có nguyên nhân chủ quan rất quan trọng là nhận thức của nhiều người, đặc biệt là người đứng đầu trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị còn chưa quyết tâm chính trị, chưa thực hiện công việc đúng vai, đúng mức, đúng tầm, chưa thực sự gương mẫu, chưa sẵn sàng với sự thay đổi liên quan đến Chuyển đổi số; hạ tầng số trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng cho các công nghệ điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối thời gian thực; nền tảng số, hoạt động số còn manh mún, rời rạc, phân tán, không có khả năng chia sẻ dữ liệu... Do vậy, để chuyển đổi số thực sự là vận hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân, từ tình hình nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Tập trung cao độ cho việc chuyển đổi nhận thức, từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, mọi người dân phải sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi Chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của Chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và cho xã hội. Người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi nhận thức, hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt tổ chức thành công trong Chuyển đổi số; trước mắt chủ động tự nghiên cứu, học tập, tìm kiếm, tìm hiểu các quan điểm, định hướng, văn bản, tài liệu, thông tin về Chuyển đổi số, đồng thời phổ biến cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị để có sự nhận thức đúng, đồng tâm, đồng lòng thực hiện Chuyển đổi số.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và của tỉnh như: Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và các văn bản khác để tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cụ thể hóa trên địa bàn tỉnh các nhiệm vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó chú trọng, ưu tiên, khẩn trương thực hiện các nội dung:
2.1 Ban hành cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi số;
2.2 Đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng số của tỉnh; lựa chọn, khuyến cáo những nền tảng số bảo đảm chất lượng, thuận tiện để các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình áp dụng; bảo đảm an toàn không gian mạng của tỉnh, các hệ thống thông tin của tỉnh được giám sát, bảo vệ;
2.3 Tham mưu quyết liệt các giải pháp để ngay trong Quý I/2022 đạt 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tất cả các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã phát sinh nhiều hồ sơ trực tuyến;
2.4 Khẩn trương hình thành kho dữ liệu điện tử dùng chung của tỉnh, tham mưu việc số hóa các thủ tục hành chính, số hóa dữ liệu tại các sở, ngành, địa phương;
2.5 Lựa chọn hoặc thuê đơn vị có năng lực, kinh nghiệm cung cấp hạ tầng và dịch vụ, đưa Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh vào vận hành để từng bước đáp ứng sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ dựa trên nền tảng dữ liệu, thông tin; chủ động phối hợp, hỗ trợ các sở ngành thực hiện Chuyển đổi số, trước mắt tập trung hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân chuyển đổi số làm cơ sở, nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số;
2.6 Thực hiện thí điểm Chuyển đổi số tại 04 địa phương (cấp xã, phường) như: thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường; thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo; xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương; xã Lãng Công, huyện Sông Lô.
2.7 Chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đưa kết quả Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc lên tốp 15 toàn quốc.
3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, chủ động, tích cực, trách nhiệm xây dựng kế hoạch Chuyển đổi số của mình dựa trên Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, và phát triển dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện nhanh, đúng, đầy đủ các nhiệm vụ đã được phân công, các nội dung đã cam kết liên quan đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Kế hoạch số 327/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về Cải thiện và nâng cao chỉ số Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 và các văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh, bảo đảm 100% văn bản đi (trừ văn bản mật) được ký điện tử; thực hiện nghiêm túc việc cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến người dân, doanh nghiệp, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, để hoạt động cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả; cung cấp, cập nhật thông tin của đơn vị mình theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Rà soát lại toàn bộ phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu đang quản lý, vận hành, xem xét lại quy chế để phần mềm thường xuyên phát sinh dữ liệu phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành.
4. Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh, chủ động, phát triển hạ tầng số, nền tảng số phục vụ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân. Tiếp tục củng số, mở rộng hạ tầng Internet cáp quang băng rộng sẵn sàng đáp ứng cho 100% hộ gia đình; mở rộng mạng 5G và các thế hệ tiếp theo bảo đảm chất lượng dịch vụ dữ liệu; hoàn thiện địa chỉ số đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình làm nền tảng cho phát triển thương mại điện tử; thực hiện nghiêm Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; sẵn sàng cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, đáp ứng mọi yêu cầu của tổ chức, cá nhân; mở rộng thanh toán điện tử thông qua dịch vụ viễn thông.
5. Các cơ quan truyền thông, tập trung thông tin, tuyên truyền về sự lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả đạt được liên quan hoạt động Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú dựa trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng truyền thông xã hội. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin Giao tiếp điện tử tỉnh, thực hiện tuyên truyền, phổ biến các bản tin; hệ thống thông tin cơ sở xây dựng chuyên mục chuyển đổi số là diễn đàn để chuyển đổi nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy Chuyển đổi số của tỉnh.
6. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả Chuyển đổi số với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân liên quan đến hoạt động Chuyển đổi số./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025
- 2Quyết định 453/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 3Quyết định 571/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 4Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2022 về phát triển hạ tầng số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025
- 1Nghị định 43/2011/NĐ-CP Quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước
- 2Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 942/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1034/QĐ-BTTTT năm 2021 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 6Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025
- 7Quyết định 453/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 8Quyết định 571/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 9Kế hoạch 327/KH-UBND năm 2021 về cải thiện và nâng cao Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025
- 10Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2022 về phát triển hạ tầng số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025
Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2022 về thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc
- Số hiệu: 04/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/01/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Lê Duy Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra