Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 04/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày  12 tháng 03 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN KÝ KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ.

Tại công văn số 4044/UB ngày 24 tháng 7 năm 1993 của Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Lao động - Thương binh xã hội thành phố phối hợp các ngành liên quan triển khai thực hiện Pháp lệnh Hợp đồng lao động ngày 30/8/1990 ban hành theo Lệnh số 45/LCT-HĐNN8 ngày 10/9/1990 của Hội đồng Nhà nước (nay là Chính phủ), Nghị định số 165/HĐBT ngày 12/5/1992 của Hội đồng Bộ trưởng, Nghị định số 18/CP ngày 26/12/1992 của Chính phủ quy định về Hợp đồng lao động và Thỏa ước lao động tập thể. Trong quá trình thực hiện, nhìn chung, các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện đã quán triệt và nhanh chóng triển khai ở các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên cũng còn một số ít Sở, Ngành, Quận, Huyện còn lấn cấn trong việc triển khai, nhất là trong doanh nghiệp Nhà nước đối với số lao động biên chế chuyển sang Hợp đồng lao động.

Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về Hợp đồng lao động và Thỏa ước lao động tập thể, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện, các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, các đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố thực hiện tốt các việc sau đây :

1- Tiếp tục triển khai thực hiện việc ký kết Hợp đồng lao động và Thỏa ước lao động tập thể theo công văn số 4044/UB ngày 24/7/1993 của Ủy ban nhân dân thành phố và Hướng dẫn số 609/LĐ-TBXH ngày 26/7/1993 của Sở Lao động - Thương binh xã hội.

2- Cần làm tốt công tác tư tưởng đối với số lao động biên chế chuyển sang hợp đồng. Đây là một bước đổi mới quan trọng trong việc tổ chức quản lý lao động khoa học, tăng cường trách nhiệm để đưa năng suất lao động và hiệu quả công tác lên cao, phù hợp với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

3- Đối với số lao động hợp đồng trước đây, phải chuyển sang ký kết Hợp đồng lao động theo mẫu mới đã quy định. Việc chuyển số lao động biên chế sang hợp đồng ; nếu chức danh nào đã rõ ràng, không vướng mắc thì tiến hành chuyển sang Hợp đồng lao động ; chức danh nào còn thấy khó khăn, vướng mắc thì tạm thời chưa chuyển sang Hợp đồng lao động. Ví dụ như chức danh Phó Giám đốc của cấp Tổng Công ty...

Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện nào chưa có điều kiện triển khai đại trà thì cũng cho tiến hành làm thí điểm, rút kinh nghiệm, sau đó, triển khai đến tất cả các đơn vị trực thuộc còn lại.

Mọi trường hợp vướng mắc chưa chuyển biên chế sang Hợp đồng lao động và chưa triển khai đồng bộ thì kịp thời báo cáo tình hình cho Ủy ban nhân dân thành phố (đồng gửi 1 bản Sở Lao động - Thương binh xã hội) để tổng hợp báo cáo về Trung ương đề nghị sửa đổi bổ sung.

4- Việc thực hiện ký kết Thỏa ước lao động tập thể là rất cần thiết vì nó thiết lập được mối quan hệ về trách nhiệm và quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động trong mỗi doanh nghiệp. Trong thực tế không có gì vướng mắc lớn, yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành xây dựng và ký kết theo các trình tự quy định.

5- Sở Lao động - Thương binh xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ; hàng quý báo cáo tình hình và tiến độ thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trang Văn Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-UB năm 1994 về việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 04/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/03/1994
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trang Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản