Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2015
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đã đề ra chủ trương đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề, cao đẳng, đại học theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Việc tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông năm 2015 theo Nghị quyết đề ra đã và đang được Bộ Giáo đục và Đào tạo chủ trì tổ chức triển khai thực hiện. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; là trách nhiệm chung tham gia, góp sức của toàn xã hội để Kỳ thi thành công. Việc đổi mới các kỳ thi phải hướng tới mục tiêu khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém, bất cập của việc tổ chức các kỳ thi trước đây; phản ánh kết quả khách quan, công bằng; nâng cao chất lượng của việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, dạy nghề; giảm tốn kém về thời gian, chi phí của xã hội và người học; tạo điều kiện thuận lợi cho người học, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ và tôn trọng nguyện vọng chính đáng của học sinh.
Để tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đạt hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tác dụng của việc đổi mới trong tổ chức Kỳ thi và tập trung làm tốt những công việc trọng tâm sau đây:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các địa phương liên quan trong việc tổ chức Kỳ thi; có trách nhiệm:
a) Tiếp tục hoàn thiện phương án, kế hoạch triển khai thực hiện tổ chức tốt Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 trên cơ sở tiếp thu đầy đủ, rộng rãi ý kiến góp ý xác đáng của xã hội; xây dựng cụ thể và công bố công khai kế hoạch bố trí các cụm thi trên các địa bàn các tỉnh, thành phố một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhất là các cụm thi dành cho các thí sinh không có nguyện vọng học đại học, cao đẳng hoặc sẽ tham gia Kỳ thi/ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có phương án tuyển sinh không sử dụng kết quả Kỳ thi; lưu ý để có dự báo sát thực về các khả năng, tình huống có thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai tổ chức Kỳ thi để chủ động có phương án xử lý, giải quyết phù hợp;
b) Sớm ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn liên quan phục vụ cho Kỳ thi từ việc tổ chức coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, dạy nghề đến những nội dung khác liên quan như: Quy định về phí dự thi và tuyển sinh; hoạt động quản lý các cụm coi thi, chấm thi; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nguyện vọng, quyền lợi của thí sinh và cán bộ coi thi, người phục vụ kỳ thi; khẩn trương hướng dẫn cụ thể về đề thi đáp ứng với yêu cầu Kỳ thi để giúp học sinh có định hướng rõ trong việc ôn luyện và làm quen; lưu ý có dự báo và giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, bất cập phát sinh trong việc đi lại của thí sinh và cán bộ coi thi; làm tốt công tác bảo vệ, giám sát, vận chuyển và bảo quản, giữ bí mật các đề thi, bài thi v.v..
c) Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng sớm công bố rộng rãi, công khai về phương án tuyển sinh của trường mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh có định hướng và thực hiện việc đăng ký tham dự Kỳ thi, đăng ký tuyển sinh; thực hiện tốt việc hướng dẫn, phân công cụ thể cho các trường đại học làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động liên quan đến Kỳ thi, nhất là việc coi thi, chấm thi và tuyển sinh; chỉ đạo các trường đại học được giao chủ trì tổ chức thi tại các cụm thi liên tỉnh làm tốt một số công việc sau đây: Sao in và bảo mật đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt kết quả thi và lưu trữ hồ sơ thi; các trường đại học được giao nhiệm vụ phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương để tổ chức các cụm thi do địa phương chủ trì tổ chức cần nêu cao tinh thần chủ động, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong mọi hoạt động liên quan đến việc tổ chức cụm thi này.
d) Chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức các cụm thi trên địa bàn, nhất là đối với những cụm thi do các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức;
đ) Có kế hoạch cụ thể, chi tiết đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động liên quan đến kỳ thi, nhất là việc đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nhằm hạn chế tối đa việc đi lại nhiều lần không cần thiết của học sinh, tránh gây khó khăn, phiền hà cho học sinh, phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân trước, trong và sau Kỳ thi;
e) Có kế hoạch tổ chức truyền thông cụ thể để cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết liên quan đến Kỳ thi và có trách nhiệm giải đáp thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi;
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng phương án tài chính phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hỗ trợ Kỳ thi tổ chức thành công, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời ban hành những văn bản quy định về tài chính phục vụ Kỳ thi theo thẩm quyền.
3. Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, rõ ràng về mục đích, ý nghĩa, tác dụng và những nội dung cơ bản liên quan đến Kỳ thi, nhất là nhũng vấn đề có tính chất đổi mới để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
4. Các Bộ, ban, ngành khác, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp tích cực, chủ động tham gia cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương để triển khai thực hiện việc tổ chức Kỳ thi này; thực hiện tốt những nhiệm vụ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, kiến nghị trong kế hoạch chung về việc hợp tác, phối hợp tổ chức Kỳ thi.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phổ biến rộng rãi đến các học sinh, nhất là học sinh lớp 12 về quy chế thi, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 và các quy định, hướng dẫn liên quan đến Kỳ thi; chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và tổ chức ôn luyện cho học sinh trong các nhà trường trung học phổ thông trên địa bàn;
b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo và thực hiện việc bố trí các cụm thi; phối hợp với các trường đại học để chuẩn bị và triển khai thực hiện tốt mọi hoạt động tại các cụm thi thuộc địa bàn địa phương quản lý, đặc biệt lưu ý cần bảo đảm các điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ cho thí sinh và gia đình phụ huynh học sinh, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về công tác bảo vệ an ninh trật tự tại các cụm thi...;
c) Tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham dự kỳ thi, không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp quá khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
6. Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, theo sự phân công của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các công việc, nhiệm vụ được giao liên quan đến Kỳ thi, bảo đảm chất lượng, tiến độ và thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng quy định; làm tốt công tác chuẩn bị; bố trí đầy đủ đội ngũ có chất lượng, đủ tiêu chuẩn tham gia trong các hoạt động của Kỳ thi và tuyển sinh; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho đội ngũ những người được cử tham gia vào các hoạt động của Kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi và tuyển sinh; có trách nhiệm quán triệt, phổ biến rộng rãi các quy chế, quy định về thi, tuyển sinh trong toàn đơn vị.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 29/2002/QĐ-BGDĐT về Quy chế kiểm tra, thi, xét lên lớp và công nhận tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp hệ chính quy do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Chỉ thị 26/1999/CT-BGD&ĐT về tăng cường công tác chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp năm 1999 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Quyết định 29/2002/QĐ-BGDĐT về Quy chế kiểm tra, thi, xét lên lớp và công nhận tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp hệ chính quy do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Chỉ thị 26/1999/CT-BGD&ĐT về tăng cường công tác chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp năm 1999 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Chỉ thị 04/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 04/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/04/2015
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 477 đến số 478
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra