Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-BYT

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI, THẢM HỌA VÀ TÌM KIẾM, CỨU NẠN NĂM 2014

Do tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nước ta. Trong năm 2013, có 15 cơn bão, 04 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông. Dự báo trong năm 2014 tình hình khí tượng thủy văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, lốc xoáy, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, hạn hán… sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014 của ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương thực hiện tốt một số việc sau:

1- Khẩn trương tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2013; phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa phương/đơn vị nằm trên các địa bàn xung yếu.

Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế trong phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014, đảm bảo đầy đủ: cơ số thuốc phòng chống lụt bão, hóa chất, trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển trong phòng chống và khắc phục lụt, bão, chống dịch, bệnh; nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhanh trong thiên tai, thảm họa; lương thực, thực phẩm dinh dưỡng; phương án sơ tán, di dời cơ sở y tế khi xảy ra ngập, lụt, sập đổ để nhanh chóng thu dung cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống khẩn cấp; đảm bảo cho các cơ sở y tế hoạt động an toàn tuyệt đối, không để người bệnh, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi lũ, bão; có kế hoạch phân bổ cơ số thuốc phòng chống lụt bão, hoá chất chống dịch; lương thực, thực phẩm cùng các phương tiện cứu trợ khác bảo đảm cho các cơ sở y tế hoạt động được ít nhất một tuần từ nguồn kinh phí địa phương tại các khu vực trọng điểm.

2- Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của ngành y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt là khi Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2014; trong đó cơ cấu những thành viên có điều kiện tham gia tốt nhất và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi đơn vị, đảm bảo chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

3- Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng và in, phát tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trước mùa bão, lũ, lụt cho nhân dân.

- Thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2014, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, chủ động tổ chức tập huấn, diễn tập về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa tại đơn vị mình.

- Thực hiện tốt phương châm ''Bốn tại chỗ'' đó là: Chỉ huy tại chỗ: có cán bộ chỉ huy điều phối các lực lượng tìm kiếm, cấp cứu và vận chuyển nạn nhân ngay tại nơi xảy ra thiên tai, thảm họa; Lực lượng tại chỗ: có cán bộ y tế luôn sẵn sàng để sơ cứu, cấp cứu nạn nhân và hướng dẫn, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; Phương tiện tại chỗ: có đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện và vật tư y tế phục vụ yêu cầu chuyên môn; Hậu cần tại chỗ: dự trữ đủ xăng dầu cho xe cấp cứu, xuồng máy, máy phát điện hoạt động khi không có điện; dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho cơ sở khám chữa bệnh.

- Nghiêm túc thực hiện việc dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phòng chống lụt bão, qua tổng kết công tác các năm thì khâu yếu trong thực hiện Bốn tại chỗ còn tồn tại đó là Phương tiện tại chỗ còn thiếu, có nhiều địa phương đơn vị chưa chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão dự trữ, do vậy khi vừa có bão, lũ… xảy ra lập tức đề nghị Bộ Y tế cấp thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế hỗ trợ cho địa phương/đơn vị dẫn tới triển khai khắc phục hậu quả đôi lúc còn chưa kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó đối với Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong vùng phân lũ phải xây dựng kế hoạch cụ thể với các phương án di chuyển, bảo đảm an toàn các cơ sở y tế trong vùng bị ngập lụt, không để hư hỏng, thất thoát thuốc, hóa chất, máy móc thiết bị y tế do mưa bão, lũ; bố trí các trạm cấp cứu bám sát các khu vực dân cư tạm sơ tán với đầy đủ cán bộ y tế, thuốc và phương tiện cấp cứu.

- Xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương làm tốt công tác kết hợp quân - dân y trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ và tìm kiếm cứu nạn.

- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại Bệnh viện, cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai các kế hoạch di dân khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.

- Tổ chức cấp cứu và điều trị kịp thời cho nạn nhân trong và sau khi xảy ra bão, lũ, thiên tai, thảm họa. Triển khai kịp thời công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện sớm và xử lý ngay những ổ dịch xuất hiện sau thiên tai, lụt bão, thảm hoạ.

- Phối hợp với các ban, ngành liên quan tại địa phương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, đặc biệt chú ý công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho những đối tượng là người già, trẻ em và an toàn cộng đồng trong mùa mưa bão, lũ. Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch tại các vùng trọng điểm.

- Căn cứ vào tình hình sức khoẻ, mô hình bệnh tật của cộng đồng các vùng có nguy cơ cao xảy ra bão, lũ, thiên tai, thảm họa để lên kế hoạch đảm bảo đủ cán bộ chuyên môn, dự trù cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, sản phẩm dinh dưỡng kịp thời chăm sóc bảo vệ sức khỏe phục vụ nhân dân trong bão, lũ, thiên tai, thảm họa.

4- Các Đơn vị trực thuộc Bộ sẵn sàng chi viện các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai, thảm hoạ theo lĩnh vực chuyên môn của mình. Các bệnh viện, viện trung ương, các trường đại học y, dược tổ chức các đội xung kích tình nguyện trong mùa mưa bão, sẵn sàng chi viện các địa phương ngay khi có lệnh điều động của Bộ với đầy đủ phương tiện vận chuyển, cán bộ chuyên môn, hoá chất chống dịch, thuốc chữa bệnh. Phải chuẩn bị đủ cả kinh phí, lương thực, thực phẩm sử dụng trong điều kiện cứu trợ cơ động, không gây khó khăn thêm cho địa phương bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai, thảm hoạ.

5- Tổng Công ty Dược và Tổng Công ty Thiết bị y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị: phao và áo phao cứu sinh, cơ số thuốc phòng chống lụt bão, thiết bị y tế, thuốc và hoá chất chống dịch theo đặt hàng của Bộ Y tế, sẵn sàng chi viện cho các địa phương khi có chỉ đạo của Bộ.

6- Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc cơ quan Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, thuốc, dụng cụ y tế, hoá chất phòng, chống dịch và cán bộ chuyên môn để chi viện cho các địa phương/đơn vị khi xảy ra bão, lũ, thiên tai, thảm họa theo lệnh điều động của Bộ.

7- Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ gửi: Báo cáo tổng kết công tác năm 2013 và Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn năm 2014; báo cáo số lượng các mặt hàng cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống lụt bão, dịch bệnh hiện tồn kho (số lượng, hạn sử dụng, kế hoạch sử dụng mặt hàng còn tồn kho); danh sách họ tên, địa chỉ liên lạc (số điện thoại, fax, email) của cán bộ chịu trách nhiệm tiếp nhận và cung cấp thông tin khi xảy ra thiên tai, thảm hoạ về Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế - Văn phòng Bộ Y tế theo địa chỉ số 138A Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội, Điện thoại/Fax 04. 62732207, email pcthbyt@gmail.com , trước ngày 20/5/2014.

Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Ban Chỉ huy Phòng, chống thảm hoạ và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện, thường xuyên tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (Vụ KG-VX, Website CP);
- Ban chỉ đạo PCLBTW;
- UBQG tìm kiếm cứu nạn;
- Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Cục Quân Y- Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an (để phối hợp);
- Các Vụ, Cục, Tổng Cục,Thanh tra Bộ, VPBộ, Website Bộ Y tế;
- Lưu: VT, VPB7.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-BYT triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn năm 2014 do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 04/CT-BYT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/05/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản