Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH TIỀN GIANG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2011/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 31 tháng 3 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Thực hiện Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 02/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông. Trong thời gian qua, công tác quản lý về khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng bơm hút, khai thác cát trái phép, không đúng quy định từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn ra khá phức tạp; việc quản lý khai thác vẫn còn nhiều hạn chế; một số doanh nghiệp lợi dụng giấy phép đã cấp để hoạt động khai thác tại khu vực cấm, tạm cấm; chưa kiểm soát chặt chẽ khối lượng cát khai thác, từ đó làm thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước.

Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên cát lòng sông, đảm bảo phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện một số công việc sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tăng cường công tác tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đúng theo quy định pháp luật; chủ động thực hiện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, vận chuyển, bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông để tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân thông suốt thực hiện tốt;

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc thu hồi giấy phép khai thác cát lòng sông đối với các đơn vị chưa thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung giấy phép theo quy định tại Quyết định số 25/2007/QĐ-UBND ngày 15/06/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định về việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các quy định khác có liên quan. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân bố trí phương tiện, thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông đúng theo quy định. Tuyệt đối không được khai thác cát từ 20 giờ tối đến 04 giờ sáng;

c) Chỉ đạo Tổ công tác liên ngành tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đúng theo Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10/5/2007 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; tham mưu các ngành chức năng xử lý các vi phạm về khai thác, vận chuyển, xuất khẩu cát trái phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên trong tổ; rà soát, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung các thành viên trong tổ cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới;

d) Tổng hợp dự toán kinh phí hoạt động của Tổ công tác liên ngành tỉnh gửi Sở Tài chính xem xét, bố trí kinh phí thực hiện;

đ) Chủ động lập kế hoạch phối hợp với các ngành tỉnh, các địa phương, các cơ quan quản lý của Trung ương tại địa phương tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát theo quy định. Hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã về chuyên môn nghiệp vụ, nhân lực phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm;

e) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, các địa phương có liên quan dự thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về cơ chế quản lý, kiểm tra khối lượng và sản lượng khai thác cát, sỏi lòng sông trong các doanh nghiệp;

g) Phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra việc khai thác cát để xuất khẩu trái phép. Các trường hợp khai thác, vận chuyển, mua bán cát trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu phải thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

2. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì phối hợp các sở, ngành thẩm định, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định đối với các dự án, kế hoạch nạo vét lòng sông, kết hợp tận thu cát trên các tuyến sông thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Phối hợp với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đề xuất giải quyết đối với các dự án, kế hoạch nạo vét lòng sông, kết hợp tận thu cát trên các tuyến sông thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành Trung ương.

3. Cục Thuế tỉnh:

a) Tăng cường rà soát, chỉ đạo việc cấp mã số thuế cho các tổ chức, cá nhân mới thành lập; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nắm chắc khối lượng được phép khai thác, khối lượng thực hiện của các doanh nghiệp để tăng cường thu các loại thuế, phí trong khai thác khoáng sản cát đúng theo quy định pháp luật;

b) Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp khai thác cát không xuất hóa đơn, kê khai sản lượng khai thác không đúng với thực tế. Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp mua, bán, vận chuyển cát không có hóa đơn theo quy định, kể cả khối lượng cát san lấp tại các công trình, bến bãi trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí bảo vệ môi trường theo quy định.

c) Báo cáo định kỳ về tình hình thu, nộp các loại thuế và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch, phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất trong khai thác, vận chuyển cát của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, tổ chức kiểm tra ngay các trường hợp khai thác cát trái phép khi nhân dân phát hiện báo tin để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm;

b) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc khai thác cát, sỏi lòng sông của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát không giấy phép, khai thác không đúng nơi quy định làm ảnh hưởng đến dòng chảy gây sạt lở bờ sông;

c) Trang bị vũ khí, công cụ, phương tiện hỗ trợ khi tiến hành tuần tra, kiểm soát; đồng thời phải đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và người dân khi thi hành nhiệm vụ.

5. Sở Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh cát sông theo chức năng và thẩm quyền được giao; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành của tỉnh về khai thác cát sông để xử lý các trường hợp vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ.

6. Sở Xây dựng

a) Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước theo thẩm quyền về khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh làm vật liệu xây dựng; xem xét và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức lập, thẩm định quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh;

b) Giám sát, tổng hợp tình hình khai thác cát sông làm vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Tài chính

a) Căn cứ vào nhu cầu kinh phí thanh tra, kiểm tra của các cơ quan cấp tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp, Sở Tài chính xem xét, bố trí từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã thực nộp ngân sách nhà nước để đảm bảo cho hoạt động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

b) Hàng tháng, năm, phối hợp với cơ quan, tổ chức của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt để rà soát, xác định các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính hết thời hạn khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo đã giải quyết xong để chuyển kịp thời số tiền thu phạt trên tài khoản tạm thu, tạm giữ vào ngân sách địa phương các cấp theo đúng tỷ lệ điều tiết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định hiện hành.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công (cấp huyện)

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác, mua bán khoáng sản cát sông trong địa bàn phụ trách. Chủ động tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10/5/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành; các trường hợp vượt thẩm quyền xử lý thì lập biên bản tại hiện trường, chuyển đến Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý.

b) Đối với các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản cát lòng sông, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thành lập Tổ kiểm tra hoạt động khai thác cát hoặc củng cố (đối với các huyện đã thành lập) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn quản lý đúng theo thẩm quyền.

c) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ động thực hiện và phối hợp với ngành chức năng tỉnh trong tổ chức kiểm tra, thanh tra các đơn vị hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn quản lý.

d) Chỉ đạo cơ quan Thuế, Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức thu, nộp, lập dự toán, cấp phát, sử dụng và quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND ngày 22/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Tổ Công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện trong công tác bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ;

e) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với cơ quan, tổ chức của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt để rà soát, xác định các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính hết thời hạn khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo đã giải quyết xong để chuyển kịp thời số tiền thu phạt trên tài khoản tạm thu, tạm giữ vào ngân sách địa phương các cấp theo đúng tỷ lệ điều tiết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định hiện hành.

9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản

a) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có liên quan;

b) Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Hoạt động khai thác phải phù hợp với quyết định phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế mỏ; bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và cảnh quan trong và sau khi khai thác; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh;

d) Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác gây ra theo quy định của pháp luật; thực hiện các quy định về quản lý hành chính, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;

đ) Tuân thủ các quy định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

e) Các tổ chức, cá nhân thực hiện nạo vét luồng, kết hợp tận thu cát phải lập phương án cụ thể, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải đăng ký khối lượng tận thu cát tại Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 02/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ và phải nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND ngày 22/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt chỉ thị này. Trong quá tình thực hiện, nếu có vướng mắc thì kịp thời phản ảnh đến Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai chỉ thị này đến các doanh nghiệp có liên quan biết và chấp hành.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 19/2010/CT-UBND ngày 13/7/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phòng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông trên địa bàn do tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 04/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/03/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Phòng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/04/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản