Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN BÌNH THẠNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 04/2009/CT-UBND

Bình Thạnh, ngày 15 tháng 6 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN BÌNH THẠNH

Trong quý I năm 2009 tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận có cải thiện cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên số vụ ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, mặc dù các cấp chính quyền, các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng công an, UBND phường đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao, chưa chuyển biến rõ nét. Nguyên nhân trên vẫn là do mật độ giao thông trên địa bàn quận ngày càng tăng cao, ý thức tự giác chấp hành về luật giao thông của người dân còn hạn chế, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước còn thiếu sót; việc phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa đồng bộ và chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Bình Thạnh bị rào chắn chiếm dụng mặt đường để thi công dự án vệ sinh môi trường.

Thực hiện Chỉ thị số 08/2009/CT-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại, bằng các giải pháp, nỗ lực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả và tạo chuyển biến tích cực trong năm 2009, kiên quyết kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn quận, chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường, vỉa hè. Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh yêu cầu Ban An toàn giao thông, các ngành, các đơn vị, các đoàn thể trực thuộc, các Chủ tịch UBND phường tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Công tác tuyên truyền:

- Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với Ban An toàn giao thông, Công an quận xây dựng triển khai Kế hoạch tuyên truyền, giáo dục về pháp luật giao thông trong năm 2009 cho cán bộ, công chức, người lao động ở các đơn vị, ban, ngành và trường học thuộc quận.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận phối hợp với các UBND phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho các doanh nghiệp và nhân dân khu phố, tổ dân phố đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, thực hiện kiên trì, liên tục và sâu rộng.

- Trung tâm Văn hóa triển khai công tác thông tin tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận, phát loa lưu động ở nơi công cộng, các tuyến đường khu dân cư đông người, chợ và trung tâm thương mại… phổ biến Luật Giao thông đường bộ năm 2008, vận động ý thức mọi người dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện trên các tuyến đường.

- Tuần tin Gia Định thường xuyên thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận; tăng số tin, bài về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kết quả thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nêu gương người tốt, việc tốt; tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật giao thông.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo:

2.1. Có kế hoạch đa dạng hóa hình thức phong phú, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho học sinh.

Chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường học đưa nội dung vào sinh hoạt chào cờ đầu tuần, vào tiết học đầu tiên trong ngày và sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần. Vận động phụ huynh và tất cả học sinh (kể cả mẫu giáo, tiểu học) đều đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.

2.2. Phối hợp với công an và chính quyền địa phương tổ chức tốt việc giữ gìn trật tự giao thông tiếp tục duy trì thực hiện tốt chương trình “Cổng trường em sạch đẹp an toàn”; dựng panô trước cổng trường để nhắc nhở học sinh phải nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Tổ chức học sinh ra về có thứ tự và lệch thời gian, vận động phụ huynh chờ đón con em phải đưa xe vào sân trường, tuyệt đối không đậu xe dưới lòng đường.

3. Phòng Quản lý đô thị:

3.1. Phối hợp với Công an quận, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 khảo sát, nghiên cứu biện pháp xử lý tại các khu vực trọng điểm về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, các rào chắn chiếm dụng mặt đường để thi công dự án vệ sinh môi trường. Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải khắc phục ngay những hành vi làm ô nhiễm môi trường, về rào chắn, báo hiệu an toàn tại công trường đang thi công, theo dõi, đôn đốc việc hoàn thiện tái lập ngay mặt đường như tình trạng ban đầu.

3.2. Phối hợp với các đơn vị liên quan ngành đường sắt và UBND phường 11, 13 vận động nhân dân khu vực tăng cường công tác đảm bảo hành lang an toàn đường sắt theo Quyết định số 7357/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh.

3.3. Phối hợp với Công an quận, các ngành liên quan, UBND phường 28 tăng cường kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại bến đò Bình Quới.

3.4. Tham mưu đề xuất thực hiện quy hoạch tạm sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận theo chủ trương chung của thành phố tại Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2008. Đôn đốc thực hiện duy tu lát gạch vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng - Xô Viết Nghệ Tĩnh phường 17, 19, 21.

4. Phòng Văn hóa - Thông tin:

Kiểm tra chấn chỉnh việc lắp đặt biển quảng cáo, panô dọc đường và tại các khu vực công cộng, đề xuất xử lý và tháo dỡ các biển quảng cáo, panô thương mại không đúng quy định gây mất vẻ mỹ quan và tầm nhìn nơi giao lộ.

Phối hợp Trung tâm Văn hóa tháo dỡ hoặc thay thế các panô, biểu ngữ, băng-rôn thông tin tuyên truyền không còn phù hợp.

5. Phòng Kinh tế:

Xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an, các ngành có liên quan, các Ủy ban nhân dân phường, đặc biệt là phường 5, 6 tăng cường kiểm tra chống tái lấn chiếm chợ tạm, chợ tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường Hoàng Hoa Thám. Thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở dịch vụ kinh doanh vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, xem đây là điều kiện bắt buộc mỗi khi xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

6. Thanh tra Xây dựng:

Phối hợp với UBND các phường, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự lòng, lề đường. Củng cố kiện toàn lại nhân sự của lực lượng thanh tra viên và cộng tác viên các phường, xây dựng quy chế phối hợp với lực lượng Công an; phân công, bố trí hợp lý để có thể huy động lực lượng trong công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trật tự lòng, lề đường theo chức năng và quyền hạn được giao.

7. Công an quận:

7.1. Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn quận, thường xuyên thay đổi phương án tuần tra, tăng cường kiểm tra cơ động, chốt chặn tại các “điểm đen” thông báo kịp thời cho địa phương nơi người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để kiểm điểm, giáo dục tại địa phương.

7.2. Phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, cùng lực lượng Thanh niên xung phong, lực lượng dân quân chốt giữ các giao lộ trọng điểm, tăng cường bố trí lực lượng tại các rào chắn thi công chiếm dụng mặt đường để giải tỏa phân luồng kịp thời các sự cố gây ùn tắc giao thông. Lập phương án phòng, chống đua xe trái phép trên địa bàn quận, chốt chặn và kịp thời ngăn chặn các hành vi biểu hiện mang tính chất đua xe.

7.3. Thường xuyên cung cấp cho Ban An toàn giao thông quận đầy đủ, kịp thời những thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông, số liệu tai nạn giao thông, số liệu xử lý vi phạm…

8. Ban Chỉ huy Quân sự quận Bình Thạnh:

Chấn chỉnh triển khai phối hợp liên ngành giữa lực lượng Công an và dân quân trong công tác chốt giữ điều hòa giao thông, tiếp tục triển khai phối hợp liên ngành theo Kế hoạch số 13/KHLN/QS-CA ngày 16 tháng 01 năm 2008 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2008 về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

9. Phòng Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp Công ty Dịch vụ Công ích quận, các UBND phường thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh việc trung chuyển xe rác dân lập, nghiên cứu tổ chức đề xuất chấn chỉnh lại các trạm trung chuyển rác về thời gian vận chuyển và địa điểm bố trí cho phù hợp theo quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường để tránh ùn tắc giao thông nhất là giờ cao điểm.

Phối hợp với các UBND phường, Phòng Kinh tế kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, xả nước thải ra đường phố, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo yêu cầu.

10. Các Ủy ban nhân dân phường:

- Các Chủ tịch UBND phường tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh về các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn quận Bình Thạnh năm 2009.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông cho các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đến tận các khu phố, tổ dân phố trên địa bàn phường.

- Xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp giữa 2 phường có liên quan đến ranh giới các tuyến đường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

- Tăng cường công tác kiểm điểm giáo dục đối với những cán bộ, công chức, viên chức và người dân cư trú trên địa bàn vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông bị lực lượng Cảnh sát giao thông thông báo xử lý.

11. Quận đoàn:

Xây dựng kế hoạch mở đợt tuyên truyền cụ thể, vận động trong đoàn viên, thanh niên nhất là đoàn viên, thanh niên trong các cơ sở đoàn trường, gương mẫu chấp hành luật giao thông khi tham gia giao thông trên đường, vận động trong nội bộ Ban Chấp hành Quận đoàn và đoàn viên, thanh niên các cơ sở Đoàn phường đội mũ bảo hiểm khi sử dụng phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện. Lập kế hoạch vận động đoàn viên, thanh niên tham gia chiến dịch mùa hè xanh chốt giữ và hướng dẫn điều hòa giao thông trên địa bàn quận.

12. Công ty Dịch vụ Công ích:

Phối hợp với các UBND phường thường xuyên kiểm tra, rà soát lại hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông, hạ tầng kỹ thuật giao thông trên các tuyến đường được phân cấp cho quận quản lý. Đề xuất thực hiện sửa chữa ngay hệ thống các biển báo không còn phù hợp, các biển báo hư hỏng, mờ, không còn hiệu lực tác dụng đối với người tham gia giao thông. Khi phát hiện hố ga, nắp hố ga, mặt đường bị hư hỏng cần có phương án xử lý duy tu kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông.

13. Ban An toàn giao thông quận:

Phối hợp với Phòng Tư pháp, Công an quận, Trung tâm Văn hóa xây dựng nội dung tài liệu tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Tập trung tuyên truyền bằng các hình thức trực quan, sinh động bằng hình ảnh, tình huống đã xảy ra trên thực tế liên quan đến trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng, nhất là đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ thường gây ra tai nạn giao thông.

Chủ trì lập kế hoạch kiểm tra về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận và Ban An toàn giao thông các phường, đặc biệt là địa bàn phường có các tuyến đường để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng và ùn tắc giao thông để thống nhất các biện pháp nhằm cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Ban An toàn giao thông quận có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các phường, các đơn vị thực hiện tốt Kế hoạch đề ra và báo cáo kết quả hàng tháng cho Ban An toàn giao thông thành phố.

Đề nghị Thủ trưởng các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc UBND quận, trưởng Công an quận, các Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2009/CT-UBND về thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Bình Thạnh do Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh ban hành

  • Số hiệu: 04/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/06/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Quốc Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 72
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản