Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2008/CT-UBND | Tuyên Quang, ngày 23 tháng 7 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, thi hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) và chỉ đạo các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất lâm nghiệp theo quy hoạch để phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp bước đầu đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây ngắn ngày (chủ yếu là trồng cây sắn, cây ngô), sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích còn xảy ra ở nhiều nơi, chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các ngành chức năng và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã còn buông lỏng công tác quản lý, chưa thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp trên địa bàn; việc xử lý các vụ vi phạm về đất lâm nghiệp chưa nghiêm, có nơi còn nể nang, né tránh; công tác theo dõi diễn biến đất lâm nghiệp từ tỉnh đến cơ sở thực hiện chưa thường xuyên.
Để khắc phục những tồn tại trên và lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý đất lâm nghiệp, nhằm mục đích sử dụng có hiệu quả đất đai theo đúng quy định của pháp luật và đúng quy hoạch, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh,
Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chỉ đạo thành lập ngay Ban chỉ đạo tăng cường quản lý đất lâm nghiệp (cấp huyện, cấp xã) trên địa bàn; Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; thành phần có đại diện các phòng, ban chức năng, mời Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tham gia để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý đất lâm nghiệp.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn; phải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các phòng, ban chức năng, Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt các biện pháp chủ yếu sau:
a) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng và quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm.
b) Tổ chức kiểm tra, rà soát, thực hiện nghiêm việc huỷ bỏ cây trồng không phải là cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp; thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Thời gian hoàn thành việc trên đối với đất rừng phòng hộ, đặc dụng xong trước 30/9/2008, đối với đất rừng sản xuất xong trước 30/11/2008.
Đối với các tổ chức, cá nhân trong bộ máy quản lý nhà nước có liên quan đến việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích trên địa bàn, phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
c) Yêu cầu 100% các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích thực hiện ký cam kết không tái phạm.
d) Rà soát, cân đối và lập phương án giao đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành của Nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn.
đ) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã, các Ban quản lý dự án cơ sở thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức thực hiện tốt việc hỗ trợ nhân dân trồng rừng sản xuất theo đúng cơ chế, chính sách của Nhà nước và quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
e) Tổ chức theo dõi chặt chẽ, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về diễn biến đất lâm nghiệp trên địa bàn để quản lý có hiệu quả theo quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh 6 tháng/1 lần.
Trên địa bàn quản lý của huyện, thị xã nào nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã không kiên quyết chỉ đạo ngăn chặn, khắc phục; không chủ động xử lý nghiêm minh những vi phạm về quản lý rừng và đất lâm nghiệp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã đó bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Uỷ ban nhân dân cấp xã
a) Phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
b) Lập và quản lý danh sách chủ rừng, diện tích rừng; các hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng và đất để trồng rừng; các hợp đồng cho thuê rừng, khoán rừng giữa các tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý.
c) Thực hiện việc thống kê, kiểm kê, theo dõi diến biến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp trong phạm vi địa phương và báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định.
d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp huyện về việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý; có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước và chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp trên về quản lý đất lâm nghiệp; phải thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; thực hiện kịp thời các biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trên địa bàn quản lý nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích mà không có biện pháp kiên quyết xử lý thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo mức độ vi phạm và quy định của pháp luật.
4. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao, cho thuê đất lâm nghiệp phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và thực hiện các biện pháp bảo vệ đất; nếu để xảy ra tình trạng đất lâm nghiệp được giao bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích phải bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật; đề xuất kịp thời các biện pháp chỉ đạo với Uỷ ban nhân dân tỉnh.
b) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
c) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; xử lý nghiêm minh các vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
d) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ tại Chỉ thị này.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về rừng, có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật; định kỳ hàng quý báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này.
b) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Chi cục Kiểm lâm theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin, đề xuất các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp với chính quyền cấp huyện, cấp xã để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
c) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và chính quyền địa phương xử lý kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật các hành vi xâm hại rừng, đất rừng.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật về đất lâm nghiệp của Nhà nước và nội dung Chỉ thị này để nhân dân biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
8. Các ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
9. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Chỉ thị 04/2008/CT-UBND tăng cường quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- Số hiệu: 04/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 23/07/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Lê Thị Quang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/08/2008
- Ngày hết hiệu lực: 09/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra