Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2005/CT-KH

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2005

 

CHỈ THỊ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 04/CT-KH NGÀY 01 THÁNG 8 NĂM 2005 VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP GIẢM CHI PHÍ SẢN XUẤT NHẰM NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CỦA SẢN PHẢM CÔNG NGHIỆP 

Trong những năm qua, một trong những nhân tố khiến nhiều sản phẩm công nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh kém là do giá thành sản xuất cao. Do vậy, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, việc tìm các gỉai pháp cụ thể để giám giá thành đối với những sản phẩm công nghiệp là một vấn đề cấp bách, khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập hoàn toàn AFTA và chuẩn bị gia nhập WTO. Thực hiện Công điện số 999/TTg-KTTH ngày 20 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp yêu cầu các Tổng Công ty 91, 90 và doanh nghiệp trực thuộc Bộ tập trung thực hiện các công tác sau:

1. Các Tổng Công ty và doanh nghiệp thuộc Bộ có trách nhiệm thực hiện các giải pháp sau:

- Về giảm chi phí nguyên vật liệu và năng lượng trong sản xuất kinh doanh:

+ Rà soát lại nhằm giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

+ Nghiên cứu, tìm địa chỉ liên kết, hợp tác sản xuất và sử dụng các loại nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm trong nước có lợi thế và có hiệu quả để thay thế dần các loại nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm nhập khẩu.

+ Sử dụng các giải pháp về tiết kiệm năng lượng. Giáo dục ý thức tiết kiệm năng lượng cho người lao động. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm về nguyên liệu, điện, nước.

+ Xây dựng và ban hành ngay các quy chế quản lý tài chính, đầu tư xây dựng, mua sắm vật tư, định mức vật tư tiêu hao. Thực hiện giao khoán chi phí sản xuất và giá thành trên cơ sở có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ nhằm khống chế giá thành ở mức hợp lý. Có quy chế về thưởng phạt trong sử dụng nguyên, nhiên liệu.

+ Rà soát kế hoạch sản xuất, bám sát nhu cầu thị trường để chủ động cân đối lượng vật tư, quản lý hàng tồn kho nhằm giảm vốn lưu động.

- Về tổ chức sản xuất và tổ chức lao động:

+ Tổ chức sản xuất một cách hợp lý trên cơ sở cơ cấu lại lao động trực tiếp, giảm lao động gián tiếp đến mức có thể, nâng cao năng suất lao động nhằm giảm chi phí nhân công trong kết cấu giá thành sản phẩm.

+ Từng bước đổi mới phương pháp quản lý sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí quản lý.

- Về thị trường:

+ Tùy điều kiện thực tế, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển các loại sản phẩm có nhu cầu đối với từng phân đoạn thị trường. Đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có khả năng cạnh tranh và tiêu thụ tốt, tổ chức lại sản xuất những mặt hàng không có khả năng cạnh tranh.

+ Tổ chức điều tra, nghiên cứu và đánh giá nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ thông tin (mạng Internet) vào khai thác thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và tiếp thị xuất khẩu. Lựa chọn tham gia các cuộc triển lãm – hội chợ chuyên ngành để một mặt tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến của thế giới, mặt khác mở rộng thị trường và tìm kiếm khách hàng.

+ Tăng cường liên kết, hợp tác sản xuất nhằm khai thác tốt hơn thị trường trong nước và nhất là xuất khẩu. Phát huy hơn nữa vai trò các hiệp hội ngành nghề.

- Về phát triển nguồn nhân lực:

+ Rà soát và tổ chức sắp xếp, hợp lý hóa tổ chức theo hướng quản trị hiện đại. Có các phương án đào tạo lại, trước mắt là đào tạo ngắn hạn để đáp ứng ngay các công tác đang triển khai, đồng thời có kế hoạch giải quyết lao động dôi dư một cách hợp lý, đúng chính sách của nhà nước.

+ Tổ chức thi tuyển và ký hợp đồng trách nhiệm có thời hạn, có điều kiện đối với cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp.

- Về tài chính:

+ Thực hiện kiểm tra giám sát tài chính doanh nghiệp thường xuyên để kịp thời xử lý những khó khăn, bất cập nảy sinh.

+ Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đầu tư (như: vay Quỹ hỗ trợ phát triển, vay Ngân hàng thương mại, vay vốn của cán bộ công nhân viên, vốn tiết kiệm của doanh nghiệp) nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cấp máy móc thiết bị hiện có nhằm giảm các hao phí về nguyên nhiên, vật liệu trong quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

+ Có phương án giải tỏa những tài sản lạc hậu về kỹ thuật, kém hiệu quả để thu hồi vốn.

- Chủ động ứng dụng và thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt các khoản chi phí ở các khâu trung gian.

2. Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các Vụ, các Tổng Công ty và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh trong các ngành sản xuất, cung cấp các đầu vào cho sản xuất các sản phẩm lựa chọn áp dụng các biện pháp giảm chi phí nâng cao năng lực cạnh tranh...

3. Cục Công nghiệp địa phương chủ trì, phối hợp với các Vụ:

- Làm việc với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương án cụ thể phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, tổ chức liên kết “bốn nhà” để từng bước đáng ứng ngày càng nhiều nguyên liệu cho các doanh nghiệp đang sản xuất và một số dự án chế biến mới, như: vùng nguyên liệu để sản xuất bột giấy, vùng trồng bông, vùng trồng cây thuốc lá, vùng trồng mía đáp ứng yêu cầu cho các nhà máy chế biến.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu chủ động đầu tư thêm các vùng nguyên liệu của mình, hoặc tìm tổ chức liên kết sản xuất với nông dân, khuyến khích nông dân mua cổ phần... để thu hẹp dần phương thức thu mua như hiện nay.

4. Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp:

- Đề xuất các biện pháp nhằm tiếp tục cải thiện quan hệ với các khối quốc gia, các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường giàu tiềm năng. Đồng thời, thông qua các cơ quan chức năng của Bộ, thực hiện các hoạt động nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp.

- Đề xuất cơ chế hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường đầu tư vào hoạt động nghiên cứu thị trường trong nước và nước ngoài, tìm kiếm mặt hàng hoặc thị trường “phi quota” để mở rộng sản xuất và tiêu thụ.

- Phối hợp với Vụ Tài chính Kế toán tiếp tục nghiên cứu để mở rộng thêm đối tượng được hưởng ưu đãi về thưởng xuất khẩu vào danh mục mặt hàng được thưởng theo kim ngạch xuất khẩu theo Quyết định số 63/2002/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

5. Vụ Tài chính Kế toán chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp, các Tổng Công ty và doanh nghiệp nghiên cứu, đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan:

- Sửa đổi, bổ sung về thuế giá trị gia tăng theo hướng áp dụng các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm trong danh mục sản phẩm được lựa chọn áp dụng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Sửa đổi, bổ sung về thuế nhập khẩu và phụ thu theo hướng miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với đầu vào cho sản xuất các sản phẩm được lựa chọn áp dụng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, bãi bỏ phụ thu đối với một số sản phẩm lựa chọn theo danh mục.

- Xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu, bán thành phẩm, phương tiện vận tải và thiết bị chuyên dùng cho sản xuất, nguyên vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất được đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng làm căn cứ thực hiện chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý hành chính nhà nước, bãi bỏ các quy định bắt buộc phải kiểm tra, kiểm soát, cấp giấy phép làm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, bãi bỏ và đình chỉ thu các khoản phí, lệ phí không có tên trong danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ. Kiểm tra, rà soát, giảm các mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương như phí phương tiện vào bãi đỗ, đi qua cửa khẩu, phí sử dụng bến bãi...

- Rà soát các loại chi phí như: chi phí dịch vụ viễn thông, chi phí kho bãi, cước phí cảng và vận tải, giá nước sản xuất, giá điện, giá khí đốt... và đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành để hợp lý hóa các loại phí và chi phí liên quan đến giá thành sản phẩm công nghiệp.

- Rà soát để có quyết định hủy bỏ các loại phí, lệ phí do cơ quan, doanh nghiệp tự đặt ra và giảm các loại phí và lệ phí hiện quá cao, miễn các loại phí hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu làm hàng xuất khẩu.

- Hoàn thiện và sớm ban hành chính sách khuyến khích và cơ chế quản lý để các cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu cung cấp cho sản xuất các sản phẩm xuất khẩu được hưởng ưu đãi như xuất khẩu tại chỗ.

6. Vụ Khoa học Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục và Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp nghiên cứu, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan:

- Hỗ trợ vốn nghiên cứu triển khai sản xuất các sản phẩm mới phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Sớm ban hành quy định, quy chế hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ.

Vụ Kế hoạch có trách nhiệm theo dõi và định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Hoàng Trung Hải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2005/CT-KH về thực hiện các giải pháp giảm chi phí sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phảm công nghiệp do Bộ Trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 04/2005/CT-KH
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/08/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản