Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2005/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC KHẢO SÁT THIẾT KẾ, TỔ CHỨC XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ KHAI THÁC ĐƯỜNG CAO TỐC

Trong thời gian qua, ngành Giao thông đã bước đầu đầu tư, xây dựng một số tuyến đường có tiêu chuẩn cao như: Quốc lộ I đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ, Hà Nội - Bắc Ninh, đường Xuyên Á và một số tuyến đường khác. Các tuyến đường này khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả tốt đáp ứng lưu lượng vận tải ngày càng tăng và là cơ sở để ngành đúc kết kinh nghiệm phục vụ cho việc phát triển mạng đường bộ cao tốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, chất lượng công tác khảo sát thiết kế, tổ chức xây dựng và quản lý khai thác đường cao tốc còn chưa thật cao, bộc lộ những vấn đề chưa hợp lý.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), khảo sát thiết kế, tổ chức xây dựng và quản lý khai thác đường cao tốc khắc phục các tồn tại được phát hiện trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các nội dung sau đây:

1. Yêu cầu chung

a) Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các cơ quan thẩm tra, thẩm định, tham mưu và các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải phải tuân thủ các quy định nêu trong Chỉ thị này.

b) Tuân thủ quy chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn đã được Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải công bố bắt buộc áp dụng và các tiêu chuẩn, quy trình; quy phạm được Bộ Giao thông vận tải quyết định áp dụng cho từng dự án cụ thể ở bước nghiên cứu khả thi.

c) Nghiên cứu, tham khảo Hiệp định liên Chính phủ về mạng lưới đường bộ Châu Á đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 951/CP-QHQT ngày 07 thảng 7 năm 2004 để việc thiết kế, xây dựng đường cao tốc phù hợp với xu hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ trong khu vực.

2. Đối với công tác khảo sát

a) Phải đảm bảo đủ số liệu ban đầu và độ chính xác của các số liệu khảo sát địa hình địa chất, thủy văn, hệ thống mỏ vật liệu xây dựng, mạng lưới đường giao thông nội tuyến và ngoại tuyến khi thiết kế và tổ chức xây dựng tuyến đường. Đặc biệt tại các khu vực qua vùng đào sâu, địa chất yếu, phải lập đề cương khảo sát địa chất chi tiết, đề xuất các giải pháp khảo sát và điều tra nhằm đảm bảo kết quả khảo sát đủ độ tin cậy.

b) Công tác khảo sát, điều tra giải phóng mặt bằng phải phản ánh đúng thực tế, không làm phát sinh và đội giá thành trong giai đoạn thực hiện dự án

c) Trong trường hợp Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện công tác khảo sát lập thiết kế bản vẽ thi công nhưng không có Tổ chức Tư vấn đủ năng lực, trình độ và tư cách pháp nhân thì phải hợp đồng với Tư vấn độc lập có đủ tư cách pháp nhân, năng lực để thực hiện công tác này.

3. Đối với công tác thiết kế

a) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về yếu tố hình học (bình đồ, trắc dọc, trắc ngang) của tuyến đường.

b) Thiết kế kỹ thuật phải phù hợp với dự án đầu tư được phê duyệt, bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững, đặc biệt lưu ý tới sự phối hợp về quy hoạch sử dụng đất' và các quy hoạch liên quan, cũng như việc thực hiện các giai đoạn phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo giai đoạn sau không làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ở giai.đoạn trước.

c) Bố trí hệ thống các giao cắt hợp lý, có mỹ quan, phù hợp với quy hoạch liên quan và đảm bảo an toàn khai thác. Lựa chọn các giải pháp tối ưu về hình thức giao cắt, cự ly vị trí giao cắt kết hợp với hệ thống đường gom, các đầu mối giao thông.

d) Khi bố trí dải phân cách giữa trên mặt cắt ngang về nguyên tắc phải tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn đã được quyết định của Bộ Giao thông vận tải cho phép áp dụng đối với dự án và tham khảo các khuyến cáo đã được nêu trong Hiệp định liên Chính phủ về mạng lưới đường bộ Châu Á. Chỉ đề xuất các kết cấu giải phân cách khác với quy định của tiêu chuẩn trong các trường hợp thật đặc biệt.

đ) Phải có các giải pháp xử lý nền đường qua vùng đất yếu, đảm bảo yêu cầu khai thác đường cao tốc. Phải lập quy trình công nghệ thi công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với việc thi công nền đường đắp qua vùng đất yếu, trong đó yêu cầu bố trí đầy đủ hệ thống quan trắc trong khi thi công nhằm đối chiếu diễn biến độ lún thực tế với kết quả tính toán thiết kế để có thể chủ động điều chỉnh quá trình đắp hoặc đưa ra các giải phán kỹ thuật cho phù hợp; Đặc biệt chú ý khâu thiết kế và thi công xử lý nền đường nơi tiếp giáp với các công trình trên tuyến (cống hộp, cầu vượt và các công trình khác).

e) Trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật phải có nội dung thiết kế cảnh quan của đường cao tốc, bao gồm các giải pháp thiết kế dải cây xanh, chiếu sáng, thiết kế kiến trúc đối với các công trình cầu, cầu vượt, đường, trạm dịch vụ, giao thông tĩnh, nút giao thông lập thể.

g) Đối với kết cấu mặt đường, tùy thuộc yêu cầu về lưu lượng và vận tốc thiết kế mà đề xuất kết cấu mặt đường hợp lý, kể cả việc quy định về lớp tạo nhám và độ bằng phẳng của mặt đường.

h) Cùng với việc thiết kế tuyến đường cao tốc, phải thiết kế và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường gom, đường dân sinh nội bộ của khu vực bên ngoài hàng rào đường cao tốc đáp ứng các nhu cầu về giao thông cho các loại hình không được phép lưu thông trên đường cao tốc như khuyến cáo đã được nêu trong Hiệp định liên Chính phố về mạng lưới đường bộ Châu Á.

i) Hệ thống báo hiệu đường bộ trên đường phải được thiết kế và bố trí hoàn chỉnh theo đúng quy định của Điều lệ báo hiệu đường bộ 22 TCN 237-01 và bố trí hệ thống các "Biển chỉ dẫn trên đường cao tốc" (Bộ sẽ ban hành tiêu chuẩn biển chỉ dẫn trên đường cao tốc trong năm 2005).

k) Phải có thiết kế trung tâm điều hành và quản lý khai thác đường cao tốc.

4. Đối với công tác tổ chức xây dựng

a) Các tiêu chuẩn áp dụng cho từng dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ở trong bước chuẩn bị đầu tư lại cơ sở để biên soạn Quy định kỹ thuật. Quy định kỹ thuật là nội dung bắt buộc trong hồ sơ mời thầu và chính là quy trình thi công, kiểm soát chất lượng và điều kiện nghiệm thu từng phần và toàn bộ dự án.

Cần xây dựng Quy định kỹ thuật một cách chi tiết và đầy đủ để Nhà thầu có các biện pháp công nghệ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định trong Quy định kỹ thuật cũng như Tư vấn giám sát và chủ đầu tư căn cứ vào Quy định này để tiến hành giám sát chất lượng, tiến độ và nghiệm thu các hạng mục công trình, giảm thiểu tối đa tác động xấu tới môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, hạn chế ảnh hưởng đến dời sống và sinh hoạt của dân cư hai bên đường cao tốc.

b) Kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp vật liệu xây dựng và các sản phẩm liên quan khác theo đúng các quy định hiện hành của Pháp lệnh chất lượng hàng hóa và Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ.

c) Nhà thầu phải đảm bảo thực hiện đúng trình tự, công nghệ thi công móng mặt đường bằng các dây chuyền thiết bị đồng bộ, phù hợp. Trong đường hợp bắt buộc phải dùng cát đắp nền đường, phải sử dụng các loại cát đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và có các giải pháp kỹ thuật đảm bảo độ ổn định, vững chắc của nền đường đắp và bọc kín các khe nối, khe biến dạng của các cống thoát nước, cống dân sinh ngang đường, đảm bảo không bị hở khe nổi kể cả trong quá trình lún cố kết nền đường. Phải đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật và chiều dầy phù hợp của lớp đất đắp bao hai mái taluy. Các lớp đất bao này phải được đắp đồng thời với quá trình đắp các lớp cát nền đường, có bố trí đủ hệ thống thoát nước ngang và tầng lọc ngược tại các cửa ra theo quy định.

d) Giám sát chặt chẽ việc bảo đảm trình tự đắp nền tại các vị trí tiếp giáp công trình với nền đắp.

e) Chủ đầu tư hoặc đại diện Chủ đầu tư phải bảo đảm có một hệ thống Tư vấn đủ năng lực, hiệu quả trong việc giúp Chủ đầu tư giám sát, kiểm soát, kiểm định chất lượng, tiến độ và xử lý các vấn đề trong quá trình thi công. Kiên quyết xử lý các kỹ sư tư vấn có hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thủ trưởng các đơn vị tư vấn được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng trong việc giám sát và quản lý các kỹ sư tư vấn của đơn vị mình.

5. Đối với quản lý khai thác

a) Giao Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm các nước, trên cơ sở kinh nghiệm quản lý khai thác một số đường cấp cao đã có ở Việt Nam, xây dựng tiêu chuẩn và quy định quản lý khai thác đường cao tốc trình Bộ phê duyệt để thực hiện.

b) Hệ thống điều hành, quản lý trung tâm đồng bộ, bao gồm các cơ sở phục vụ quản lý khai thác, các đội cơ động thường trực xử lý mọi sự cố trên tuyến đường nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, liên tục cho các phương tiện lưu thông là hạng mục không thể thiếu khi thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc để đảm bảo hiệu quả khai thác.

6. Tổ chức thực hiện

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Yêu cầu Thủ trưởng các Cục, Vụ, Viện, Ban Quản lý dự án, Sở Giao thông vận tải Sở Giao. thông công chính, Tổng công ty, tổ chức Tư vấn và cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Đào Đình Bình
(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2005/CT-BGTVT về nâng cao chất lượng công tác khảo sát thiết kế, tổ chức xây dựng và quản lý khai thác đường cao tốc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 04/2005/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/02/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 8 đến số 9
  • Ngày hiệu lực: 25/03/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản