BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/NN-PCLB-CT | Hà Nội, ngày 25 tháng 1 năm 1997 |
Năm 1996 thiên tai xẩy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và đã gây nên những tổn thất lớn về người, tài sản và cơ sở hạ tầng.
Mặc dù thiên tai xẩy ra dồn dập, ác liệt, một số vùng bị mưa, lũ, bão chà đi - xát lại nhiều lần, nhất là các cơn bão số 2, số 4 đã xuất hiện tình huống lũ cao gặp bão lớn, nước biển dâng là tổ hợp bất lợi hiếm thấy đã làm cho đê, kè bị hư hỏng nặng ở nhiều nơi. Nhưng nhờ sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, các ngành, các cấp cùng với sự nỗ lực cao độ của toàn dân và sự đóng góp tích cực, kịp thời của các lực lượng vũ trang nên toàn bộ các tuyến đê chính đều giữ được, thảm hoạ đối với các vùng đồng bằng quan trọng, đông dân đã không xảy ra.
Năm 1997 thời tiết có thể còn diễn biến phức tạp hơn. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ, bão gây ra đối với những vùng được bảo vệ bởi các tuyến đê sông, đê biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có đê tập trung chỉ đạo làm tốt một số việc trọng tâm dưới đây:
I. TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TU BỔ ĐÊ, KÈ, CỐNG NĂM 1997 XONG TRƯỚC MÙA LŨ, BÃO.
1. Căn cứ Dự án khả thi đã được duyệt (bao gồm dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt và dự án do tỉnh duyệt), UBND các tỉnh, thành phố hoàn thành gấp các thủ tục XDCB theo quy định tại Nghị định 42/CP; triển khai mạnh mẽ việc thi công ngay trong tháng 1 và phải hoàn thành toàn bộ kế hoạch tu bổ đê điều năm 1997 sớm hơn hoặc đúng thời gian quy định của Bộ.
2. Phải kiểm tra và nghiệm thu theo đúng quy định trong xây dựng cơ bản về khối lượng công trình đã được Nhà nước đầu tư để sửa chữa các hư hỏng của đê, kè, cống do lũ, bão năm 1996 gây ra, nhằm bảo đảm an toàn của các hạng mục đó trong mùa mưa bão năm 1997. Để xây dựng những hạng mục công trình xung yếu còn lại, ngoài nguồn ngân sách đầu tư của Trung ương năm 1997, đề nghị UBND tỉnh, thành phố dành một phần thích đáng ngân sách địa phương, huy động quỹ phòng chống lụt bão và huy động cao độ sức dân với mục tiêu mọi tuyến đê phải được giữ vững trong trường hợp thiên tai xẩy ra dồn dập như năm 1996 hoặc ác liệt hơn.
3. Đối với nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế Trung ương đầu tư cho việc duy tu bảo dưỡng đê điều năm 1997, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng đối tượng, hướng ưu tiên chủ yếu là trồng cây chống sóng ven đê, cải tạo mặt đê để bảo đảm cho các lực lượng, phương tiện hộ đê kịp thời di chuyển vào ứng cứu khi cần thiết, xử lý ẩn hoạ trong thân đê và tu sửa một phần điếm canh đê, nhà Đội quản lý đê.
4. Để phát huy hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước và công sức đóng góp của nhân dân, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có đê chỉ đạo chặt chẽ việc quản lý thực hiện các dự án tu bổ đê điều năm 1997 với yêu cầu: thi công đúng đồ án thiết kế, đạt chất lượng cao, đúng chế độ, chính sách, kiên quyết chống thất thoát, tham ô, lãng phí.
II. QUẢN LÝ CHẶT CHẼ HƠN NỮA ĐỐI VỚI HỆ THỐNG ĐÊ ĐIỀU
Pháp lệnh về đê điều đã quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc quản lý, bảo về đê điều.
Rút kinh nghiệm về việc xử lý các vi phạm Pháp lệnh về đê điều trong năm 1995, năm 1996 công tác quản lý đê ở nhiều tỉnh, thành phố đã có những chuyển tích cực, nhưng vẫn còn một số mặt tồn tại, yếu kém.
Để ngăn ngừa có hiệu quả hơn nữa đối với việc vi phạm Pháp lệnh đê điều, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có đê:
1. Phân cấp và quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn cho UBND quận, huyện, phường, xã trong việc quản lý, bảo vệ các tuyến đê hiện có trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Nhất thiết trên từng đoạn đê phải có người quản lý cụ thể, thường xuyên phát hiện ẩn hoạ, những vi phạm để kịp thời báo cơ quan có trách nhiệm xử lý ngay. Mùa lũ cao phải thường trực đêm ngày, sẵn sàng phương tiện, vật tư để cứu hộ đê. Định kỳ kiểm tra, nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý các vấn đề có liên quan để bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực đê điều phòng chống lụt, bão. Đối với các vùng đang được đô thị hoá nhanh phải có quy hoạch cụ thể, nội dung quy hoạch phải tuân theo đúng Pháp lệnh về đê điều và phải quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đó.
2. Tiếp tục rà soát lại số liệu thống kê, phân loại và phê duyệt đề án xử lý trước mắt cũng như lâu dài đối với nhà cửa và các công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều.
3. Đối với các vụ vi phạm từ sau khi ban hành Nghị định 429/HĐBT ngày 15/12/1990 mà đã có biên bản, hồ sơ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh giao cho UBND các quận, huyện phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý dứt điểm theo thẩm quyền. Đối với một số vụ cố ý vi phạm pháp luật cần tiến hành khởi tố để giáo dục chung nhằm ngăn ngừa các vụ vi phạm mới.
4. Hiện tượng khai thác đất trong phạm vi bảo vệ đê để sản xuất gạch ngói khá phổ biến, ảnh hưởng tới an toàn của đê. Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra lệnh đình chỉ ngay và nghiêm cấm việc khai thác đất trong phạm vi bảo vệ đê; giao cho các ngành hữu quan, nhất là ngành Xây dựng, Thanh tra tiến hành kiểm tra các trường hợp khai thác đất trong phạm vi bảo vệ đê, buộc các cá nhân, tổ chức đã vi phạm phải khôi phục như nguyên trạng.
5. Lực lượng chuyên trách quản lý đê có vai trò và tác dụng quan trọng trong việc giám sát thi hành Pháp lệnh về đê điều cũng như trong việc phát hiện và xử lý kỹ thuật mọi hư hỏng của đê, kè, cống trong mùa lũ, bão. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đầy đủ cả về tinh thần, vật chất đối với lực lượng này để anh chị em yêu tâm phục vụ lâu dài.
III. CHỦ ĐỘNG CHUẨN BỊ CHU ĐÁO MỌI MẶT ĐỂ SẴN SÀNG HỘ ĐÊ TRONG MÙA LŨ, BÃO NĂM 1997
1. Lũ, bão năm 1996 đã gây hư hỏng nhiều đối với các tuyến đê, đồng thời qua việc hộ đê năm 1996, chúng ta cũng phát hiện nhiều đoạn đê còn quá yếu, đặc biệt là về chiều cao. Vì vậy, việc tổng kiểm tra lại tất cả các tuyến đê, kè, cống là rất cần thiết. UBND các tỉnh, thành phố có đê cần giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện tiến hành tổng kiểm tra ngay trong quý I năm 1997. Yêu cầu của việc tổng kiểm tra là phải phát hiện cho được những diễn biến, hư hỏng, các yếu tố bất lợi đe doạ đến an toàn của công trình và dề ra được các phương án đối phó kịp thời, thích hợp nhằm loại trừ tình huống xẩy ra sự cố nguy hiểm, bất ngờ cho đê.
2. Từ kết quả tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng đê, kè, cống và căn cứ tiêu chuẩn chống lũ, chống bão của mỗi tuyến đê, đặc biệt chú ý đến các tình huống bất lợi nhất có thể xẩy ra mà xây dựng phương án hộ đê tương ứng theo phương châm "4 tại chỗ". Phương án hộ đê năm 1997 vừa phải coi trọng hộ đê toàn tuyến vừa phải coi trọng hộ đê từng trọng điểm, không được coi nhẹ mặt nào.
3. Căn cứ phương án hộ đê cụ thể của từng tuyến mà chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, cần đặc biệt chú ý huy động vật tư trong nhân dân, chuẩn bị cụ thể kế hoạch huy động vật tư thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn. Riêng những đoạn đê có độ cao gia thăng còn thấp, mặt cắt đê còn nhỏ phải chuẩn bị đủ đất dự trữ cùng với số bao tải tương ứng và phương tiện vận tải thích hợp.
4. Trước ngày lũ tiểu mãn năm 1997, yêu cầu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các huyện có đê phải tổ chức diễn tập hộ đê để kiểm tra sự chuẩn bị mọi mặt về vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, sự chỉ huy điều hành và mức độ bảo đảm thông suốt về thông tin hai chiều nhằm bổ khuyết kịp thời các thiếu sót, tồn tại.
5. Tất cả các lực lượng tham gia hộ đê bao gồm: lực lượng tuần tra canh gác, lực lượng xung kích hộ đê, các cán bộ kỹ thuật, chỉ huy các cấp từ tỉnh đến xã phải được tập huấn các nội dung phù hợp với từng đối tượng.
6. Mỗi khi có tin cảnh bão lũ, bão phải coi việc hộ đê là công tác trung tâm đột xuất, không một cấp nào, ngành nào, địa phương nào được xem nhẹ, buông lỏng mà phải tập trung cao độ mọi nguồn lực để giữ vững các tuyến đê chính nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt, bão gây ra.
| Nguyễn Công Tạn (Đã ký) |
- 1Quyết định 29/2005/QĐ-BNN về Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tính đến ngày 31/12/2004 hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Nghị định 429-HĐBT năm 1990 Hướng dẫn Pháp lệnh về Đê điều do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Chỉ thị 53/2000/CT-BNN-PCLB về việc hoàn thành kế hoạch tu bổ, đê, kè, cống và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng lụt năm 2000 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chỉ thị 03/NN-PCLB-CT về việc tập trung chỉ đạo hoàn thành sớm kế hoạch tu bổ đê điều, quản lý chặt các tuyến đê và chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng hộ đê, phòng lụt năm 1997 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 03/NN-PCLB-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/01/1997
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Công Tạn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/02/1997
- Ngày hết hiệu lực: 02/07/2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực